Đề tài khoa học trẻ gặp khó khi ứng dụng thực tế

Nhà trường phải tự “bơi” từ mọi khâu trong nghiên cứu KHCN của học sinh từ khâu đăng ký, xây dựng, thực hiện đề tài cũng như mang sản phẩm đi dự thi.

15.5673

Cùng với sự phát triển của khoa họccông nghệ, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ trẻ cũng được đẩy mạnh với nhiều sân chơi bổ ích. Tuy nhiên, việc thiếu đi những dự án hỗ trợ đã khiến những đề tài đoạt giải tại các cuộc thi này gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng thực tiễn.

Thiếu đầu tư, đề tài mới ở dạng tiềm năng

Ra đời từ năm 1990, Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka là nơi để cho sinh viên các trường ĐH, CĐ và Trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM áp dụng những kiến thức học trên ghế nhà trường có thể tìm tòi, xây dựng nên những đề tài nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống như: Tài nguyên môi trường, Quy hoạch kiến trúc xây dựng, Công nghệ sinh học, Nông lâm ngư nghiệp….

Theo BTC cuộc thi, sau 25 năm triển khai, chương trình đã quy tụ được hàng trăm đề tài tham dự. Trong đó, nhiều đề tài mang tính thực tiễn, ứng dụng cao, có đề tài đã được giới thiệu để đem đi dự thi quốc tế. Thế nhưng, khi nhắc đến số lượng đề tài đoạt giải được ứng dụng vào thực tế thì gần như chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tương tự, cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu nhi TP cũng đã trải qua mùa thứ 10 với hàng trăm đề tài tham dự mỗi năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có đề tài “Sản phẩm Thiết bị chống trộm cho xe găn máy” của anh Đoàn Thiên Phúc - Cựu sinh viên trường ĐH Khoa Học Tự nhiên là được đem vào ứng dụng và đạt hiệu quả cao, được thị trường và người tiêu dùng ủng hộ. Những đề tài còn lại, nếu không rơi vào quên lãng thì cũng chỉ nằm ở dạng mô hình hay “đề tài tiềm năng”.

Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ là sân chơi bổ ích cho thế hệ trẻ của TP.

Có thể nói, việc không đưa được những đề tài trong các cuộc thi này ứng dụng vào cuộc sống là một sự lãng phí lớn đối với tài năng, chất xám của giới sáng tạo trẻ TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Lý giải nguyên nhân này, chị Bích Thủy, Trung tâm Phát triển Khoa học Trẻ, Thành đoàn TP.HCM cho rằng, từ trước đến nay, dường như chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc tổ chức sân chơi cho các em sinh viên và thanh thiếu nhi TP. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các đơn vị đối tác hay nguồn kinh phí hỗ trợ để ứng dụng những đề tài đoạt giải từ các cuộc thi này vào thực tiễn lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ quan Nhà nước vẫn chưa có sự quan tâm và đầu tư đúng mức đến phong trào sáng tạo khoa học công nghệ trẻ, trong khi các đơn vị tư nhân lại không dám mạo hiểm và chưa có sự tiếp xúc nhiều với những đề tài đoạt giải ở những sân chơi này”. Điều đó dẫn tới việc, đề tài nghiên cứu dù được hội đồng cố vấn và BTC đánh giá rất cao nhưng lại không thể đi vào thực tiễn do thiếu vốn đầu tư và đơn vị đỡ đầu.

Cùng chung nhận định, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt chia sẻ, hàng năm, nhà trường rất tích cực cho học sinh tham gia những sân chơi nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật của TP. Tuy nhiên, trong hầu hết những sân chơi này, nhà trường đều phải  “tự bơi” từ khâu đăng ký, xây dựng, thực hiện đề tài cũng như mang sản phẩm đi dự thi.

Thậm chí, theo thầy, có những đề tài sau khi đoạt giải, nhận thấy có tính ứng dụng, tính thực tiễn cao, nhà trường muốn phát triển lên thêm cho các em nhưng lực bất tòng tâm, bởi khả năng của nhà trường thì có hạn, trong khi lại không nhận được sự hỗ trợ cần thiết thì phía BTC.

Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ

Theo chị Bích Thủy, để đẩy mạnh việc đưa những đề tài nghiên cứu trong các cuộc thi do Trung tâm tổ chức được đi vào cuộc sống, thời gian qua, Trung tâm Phát triển Khoa học và công nghệ Trẻ, Thành đoàn TP.HCM đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng trong và ngoài TP để xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ cho các em.

Trong đó, chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ (thực hiện chung với Sở Khoa học & Công nghệ, sử dụng ngân sách của TP) được coi là một chương trình trọng điểm, được đầu tư có chọn lọc, định hướng cao.

Được biết, Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ trẻ là chương trình dành cho các giảng viên dưới 35 tuổi thuộc 13 chuyên nghành nghiên cứu: Công nghệ thông tin và GIS, Công nghệ sinh học, Vật liệu mới, Quản lý đô thị, Bảo vệ môi trường và Tài nguyên, Khoa học và xã hội nhân văn và đổi mới cơ chế quản lý, Giáo dục- Đào tạo, Thể dục- thể thao, Công nghiệp tự động hóa, Phát triển Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Y tế và bảo hộ lao động, Khoa học công nghệ năng lượng và  Nghiên cứu cơ bản.

Theo đó, hàng năm, Sở Khoa học & Công nghệ cùng Trung tâm Phát triển Khoa học và công nghệ Trẻ sẽ lựa chọn và hỗ trợ cho khoảng 30 đề tài nghiên cứu với số tiền khoảng 80 - 100 triệu/ đề tài. Tuy đây là số tiền không lớn, nhưng được đầu tư một cách đúng đắn, có định hướng nên giúp đỡ rất nhiều cho các chủ đề tài trong việc phát triển sản phẩm nhằm đưa ra thương mại hóa.

“Không chỉ được hỗ trợ về tiền, khi được vào vườn ươm, Ban chủ nhiệm cũng sẽ có hướng hỗ trợ các em trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác có nhu cầu đối với sản phẩm mà các em thực hiện. Nếu thuận lợi, các đơn vị này có thể hỗ trợ thêm về kinh phí, cũng như chuyển giao đề tài ngay khi vừa mới thực hiện xong”, chị Thuỷ chia sẻ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]