Dị ứng thực phẩm: Những điều cần biết

Khá nhiều người bị dị ứng khi ăn một số loại thực phẩm nào đó và phải sống chung với nó suốt đời vì không có thuốc chữa.

15.6009

Dân trí đưa tin, theo các nhà nghiên cứu, ước tính khoảng trên 20% dân số thế giới có những phản ứng tiêu cực đối với một số loại thực phẩm và người ta gọi đó là dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, qua các thực nghiệm, sự thật là chỉ có 1% người lớn và 4% trẻ nhỏ là dị ứng với thực phẩm.

Hải sản là một trong những loại thực phẩm dễ gây dị ứng

Các loại dị ứng thực phẩm

1. Dị ứng thực sự

Tác nhân: Ở trẻ nhỏ, những thực phẩm kích thích dị ứng bao gồm: protein trong sữa bò, trứng gà, bột mỳ, đỗ tương, cá tuyết và hạt lạc.

Ở người lớn, các loại hạt, quả (lạc, đào, táo…) và các loại rau (cần tây, khoai tây, hành tây, tỏi và mùi tây) được xem là các tác nhân chính.

Riêng đồ hải sản (cá, ngao, cua, tôm, mực), tỉ lệ dị ứng luôn ở mức cao nhất.

Triệu chứng: Biểu hiện đặc trưng của các trường hợp dị ứng thực phẩm cấp tính gồm phát ban, ngứa ngáy, cơ thể sưng tấy, thở khó và thậm chí cả đột quỵ. Đây là hệ quả của việc giải phóng nhanh các histamine từ các tế bào và phản ứng của cơ thể trước những "vật lạ".

Tính quá mẫn cảm với lạc được xem là một trong những ví dụ điển hình về các triệu chứng dị ứng thực phẩm khi biểu hiện được tập trung ở miệng và ruột. Ở một số người khác, miệng và họng sẽ bị sưng đỏ khi ăn một số loại quả, rau và hạt.

Những trường hợp dị ứng từ từ sẽ có các triệu chứng cơ bản như của người bị eczema (nổi mẩn, lấm tấm các hạt mụn nước).

Dị ứng ảnh hưởng đến nội tạng thường xảy ra ở những người dị ứng với chất gluten trong bột mỳ. Khi đó, màng ruột sẽ bị tổn thương và kết quả là dẫn tới bệnh tiêu chảy, trướng bụng và về lâu dài sẽ gây bệnh thiếu máu.

2. Không dung nạp thực phẩm

Nguyên nhân: Thực phẩm không dung nạp – ví dụ như không dung nạp đường lactose – có thể bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu một loại enzyme tiêu hóa đặc trưng.

Khi thiếu enzyme này, cơ thể sẽ xây dựng một cơ chế: coi những sản phẩm không thể dung nạp đó như một loại sản phẩm độc hại. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất.

Chất histamine tự nhiên trong cơ thể ngay lập tức sẽ được tiết ra khi cơ thể tiếp nhận "vật lạ" không thể tiêu hóa và gây ra các triệu chứng giống như người bị dị ứng thực phẩm.

Triệu chứng: Những thực phẩm không dung nạp thường có các biểu hiện ban đầu chậm hơn, không liên quan tới hệ miễn dịch và cũng không đe dọa tính mạng như dị ứng thực phẩm.

Những biểu hiện của nó giống như người uống thuốc quá liều. Với một lượng nhỏ thực phẩm thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra nhưng nếu một lượng lớn hơn, phản ứng sẽ là phát ban, mẩn đỏ, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và đập trống ngực.

3. Thực phẩm độc và vấn đề tâm lý

Các chất độc có thể tích tụ tự nhiên trong thực phẩm như nấm và khoai tây. Các vi khuẩn sống ký sinh trong cá cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Một số người thì tỏ ra ác cảm với một số thực phẩm và ám thị mình rằng chúng thật đáng ghét mà chẳng có bất cứ một lý do cơ bản nào. Kết quả là khi tiếp xúc với những sản phẩm đó, họ cũng có các triệu chứng giống như người dị ứng thực phẩm.

Tuy nhiên, nếu thực phẩm đó được giấu lẫn vào trong những loại thực phẩm khác thì cơ thể họ sẽ chẳng có bất cứ phản ứng nào. Những phản ứng giống dị ứng chính là do tâm lý và việc điều trị là rất nan giải vì không thể thuyết phục họ thay đổi suy nghĩ đã ăn vào tiềm thức.

Chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Theo Tuổi trẻ, có thể chẩn đoán dị ứng thực phẩm dựa vào:

- Lịch sử các triệu chứng phát sinh khi ăn các loại thực phẩm

- Số lượng ăn

- Tiền sử gia đình, thói quen ăn uống

- Thuốc đã dùng

- Làm test trên da với thức ăn nghi ngờ (skin prick test)

- Đo lượng kháng thể IgE (những test này không chính xác 100%)

Loại trừ dần những thức ăn nghi ngờ (nhưng cũng không hoàn toàn tin cậy vì còn có vai trò của yếu tố tâm lý và thể chất.

Ví dụ: khi nghĩ rằng mình nhạy cảm với thức ăn nào đó thì có thể xảy ra phản ứng nhưng đó không phải là dị ứng đích thực. Nếu đã từng bị dị ứng nghiêm trọng thì phương pháp này không nên thực hiện). Khám thực thể để xác định hay loại trừ những bệnh nội khoa khác.

Điều trị dị ứng thực phẩm

Nếu có biểu hiện dị ứng thì cần đi khám ngay, nhất là khi có triệu chứng của choáng phản vệ.Khi bị dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, cần tiêm khẩn cấp adrenaline (epinephrine) rồi đưa đi cấp cứu.

Nếu dị ứng thực phẩm chỉ là sự khó chịu thì dùng thuốc chống histamin để ngăn chặn sự bài tiết histamin của hệ miễn dịch. Bôi kem ngoài da cũng giúp giảm bớt phản ứng miễn dịch.

Phòng ngừa dị ứng thực phẩm

Đối với những gia đình có nguy cơ cao (những gia đình có cha mẹ hay trong họ hàng có người bị dị ứng thực phẩm) cần chú ý:

- Muốn các thế hệ sau không bị dị ứng thực phẩm, người phụ nữ khi mang thai cần tuyệt đối tránh hút thuốc, ăn các loại thực phẩm có nguy cơ bị dị ứng cao, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối của thời kỳ mang thai.

- Sau khi sinh con, trong quá trình cho con bú, người mẹ tuyệt đối tránh ăn tất cả các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng. Nếu người mẹ không cho con bú thì các sản phẩm sữa phải được lựa chọn hết sức cẩn thận, không chứa các thành phần gây dị ứng.

- Không cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi và trong những tháng ăn dặm đầu tiên, không cho trẻ ăn thịt cừu, thịt gà, gạo, khoai tây ngọt, cà rốt và lê. Tránh sữa bò, trứng, bột mỳ, cá, đậu nành trong năm đầu tiên và chỉ cho trẻ ăn các loại hạt khi được 3 tuổi.

- Cần đọc kỹ bảng thành phần và quy trình sản xuất sản phẩm. Cố gắng tránh những thực phẩm có chứa các chất phụ gia và chất bảo quản.

Nếu bị dị ứng một loại thực phẩm nào đó thì tốt nhất là hãy tránh xa nó. Nếu không thể tránh được hoàn toàn thì nên cho thêm hoạt chất sodium chromoglycate để giảm thiểu các biểu hiện của dị ứng.

Trà Mi

Nên đọc
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]