Đừng chữa bệnh kiểu “phước chủ may thầy”

Thời gian qua, trên mạng lan truyền câu chuyện ly kỳ về một phụ nữ tại Bình Định tình cờ tìm được bài thuốc chữa thận hư của bố chồng.

15.572

Sau khi dùng bài thuốc này chữa khỏi bệnh thận cho con gái, người này chuyển sang làm “nghề bốc thuốc”, giúp nhiều người khỏi bệnh thận. Câu hỏi đặt ra, giá trị của bài thuốc dân gian này như thế nào.

Mù mờ công dụng

Ngày 12/6/2015, tìm đến một địa chỉ tại phường 8 quận Tân Bình, TPHCM, được cho có người thân khỏi bệnh thận nhờ sử dụng bài thuốc nam, người viết được bà N.T.H kể lại đầu đuôi câu chuyện: "Cách đây vài năm, trong một lần từ Úc về quê thăm nhà, anh trai tôi bị phù chân. Đi bệnh viện khám, bác sĩ nói anh ấy bị thận có nước. Có người quen mách tôi về bài thuốc nam, tôi liên lạc và mua về cho anh trai uống. Uống hết 30 thang, anh ấy hết bệnh. Sau này mỗi khi tái phát, tôi vẫn mua gửi sang Úc cho anh ấy uống".

Nghe tôi có người nhà cũng mắc bệnh thận, bà H. động viên: "Anh cứ mua cho người thân uống đi, "phước chủ may thầy", biết đâu khỏi bệnh". "Bao nhiêu tiền một thang thuốc?", tôi hỏi. Bà H. trả lời: "Anh phải mua một lúc 30 thang người ta mới bán. Trước đây uống một tháng khoảng 500.000 đồng, nhưng nay lên giá rồi, hình như khoảng 2 triệu đồng". Bà cũng không quên cho tôi hai số điện thoại, một ở TPHCM và một ở Bình Định để đặt thuốc giao tận nhà.

Bài thuốc gồm bốn loại cây thuốc nam là cây muối, cây mực, cây nổ và cây quýt gai. Theo một đại diện của hội Dược liệu TPHCM, các cây này có tác dụng chữa bệnh thận rất tốt.

Thế nhưng khi đối chiếu với cuốn sách nổi tiếng của GS Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, chúng tôi không tìm thấy cây muối trong sách.

Trong ba cây còn lại, cỏ mực (nhọ nồi) được xếp vào nhóm cây thuốc và vị thuốc cầm máu; cây nổ (bỏng nổ, bỏng nẻ) được giới thiệu có tác dụng chữa sốt, sốt rét, chóng mặt, chân tay run rẩy; về cây quýt gai (tầm xoọng, cúc keo), tác giả sách cho biết chưa thấy tài liệu nghiên cứu nào, sơ bộ chỉ thấy cây có nhiều tinh dầu, dân gian dùng cây này để chữa bệnh hô hấp, thấp khớp, rắn cắn!

Cẩn thận khi sử dụng

PGS.TS.BS Vũ Huy Trụ, giảng viên đại học Y dược TP.HCM, chuyên ngành thận nhi, cho biết thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hoá đặc trưng bởi hiện tượng phù toàn thân, tiểu ít, kèm theo một số rối loạn sinh hoá đặc trưng như tiểu ra đạm, tăng lipid máu, giảm đạm máu.

Đáng chú ý là BS Trụ đã ghi nhận một ca bệnh từng áp dụng chính bài thuốc nam trên nhưng thất bại. Ông cho biết: "Đó là một em bé mắc bệnh thận hư đang điều trị ở chúng tôi. Do thấy việc chữa trị kéo dài, người mẹ nghe bạn bè cho con uống thử bài thuốc nam, nhưng sau vài tháng không hiệu nghiệm, người mẹ đã mang con quay lại tôi chữa tây y tiếp".

Lương y Trần Nam Hoàn, phó chủ tịch hội Châm cứu TPHCM, uỷ viên thành hội hội Đông y TPHCM, cảnh báo người dân không nên dùng thuốc qua lời đồn, truyền miệng hoặc theo cảm tính.

Ông nói: "Người dân chúng ta rất tin người qua những lời kể như: "Thuốc này hay tôi đã uống rồi", "Thuốc kia hay tôi đã cho người nhà sử dụng".

Rốt cuộc thì chúng ta chỉ nghe nói, và nếu có thấy cũng chỉ thấy vài trường hợp, không thể quyết định tất cả được. Người thấy nhiều, biết nhiều, thực hành nhiều là những thầy thuốc chuyên môn, đã học, thấy, biết và trị nhiều ca bệnh thì mới quyết định thế nào đúng, thế nào là sai".

Về bệnh thận hư, BS Trụ cho biết bệnh nhân cần phải uống thuốc và theo dõi tái khám định kỳ, có thể đến khi trưởng thành. Nếu điều trị đúng cách, 90% trẻ được hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì.

Ông nói: "Tôi không chống lại y học cổ truyền vì thực tế ngành y học này đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của y học nói chung. Nhưng người dân nên tìm đúng thầy thuốc chuyên khoa có hiểu biết sâu để chữa trị. Một loại thuốc muốn áp dụng cho nhiều người cần được nghiên cứu cẩn thận, trải qua nhiều công đoạn và được sự công nhận của ngành chức năng".

Theo Châu Giang - Thế giới tiếp thị

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]