Gần mặt mà vẫn... cách lòng

Trong thời đại bùng nổ công nghệ, sự tiện lợi, nhanh chóng và thông minh khiến mạng xã hội trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống giới trẻ hiện đại. Chức năng quan trọng nhất của những ứng dụng thông minh này là nối gần những khoảng cách nhưng không phải là không có những mặt trái....

15.9452

Hiện đại... hại niềm tin

 

Dễ đến hơn 1 năm từ khi ra trường, Lê Hoa (Đống Đa, Hà Nội) không có dịp tụ tập cùng bạn cũ. Chủ nhật, cả nhóm bạn thân hồi đại học của Hoa mới hẹn nhau đi ăn, uống cà phê rồi tranh thủ hàn huyên, tâm sự. Sau màn thăm hỏi xã giao, không khí dần chùng xuống khi ai nấy đều cắm cúi với chiếc điện thoại của mình. Người chơi game, người mải mê lướt facebook, chat zalo.

 

"Mình có cảm giác dường như với các bạn, buổi gặp mặt này quá nhàm chán. Có lúc, mình đã cố tìm cách gợi chuyện, hỏi thăm công việc, chuyện tình cảm của một số bạn trong nhóm nhưng chỉ một lát, đâu lại vào đấy. Mọi người lại tiếp tục hí hoáy với chiếc điện thoại của mình. Buổi hội ngộ sau một thời gian dài xa cách trở nên nhàm chán khi những thông tin về nhau, các bạn đều cập nhật qua facebook", Hoa ngao ngán kể.

 

Ảnh minh họa

 

Không chỉ trong mối quan hệ bạn bè, trong thời đại công nghệ số, dường như tất cả các mối quan hệ đều trở nên lỏng lẻo, khó kiểm soát. Tại sao người ta lại chọn cách giao lưu với nhau qua mạng ảo khi ngoài đời thực, họ ngồi cách nhau chỉ vài gang tay?
 
Có lẽ, cũng chẳng lấy làm xa lạ khi trong các gia đình, những đứa trẻ vì quá mải mê với smartphone, Ipad đến độ cha mẹ nói khản cổ mà chúng cũng không chịu trả lời.

 

Xích lại hay kéo dài?

 

Khi mạng xã hội với những ứng dụng thông minh và tiện ích của nó vừa được ra đời, người ta đã ca tụng nó với ý nghĩa nhân văn là kết nối những khoảng cách, gắn kết yêu thương. Chỉ bằng những cú click chuột, dù ở khoảng cách xa đến đâu, người ta cũng có thể cập nhật được thông tin của bạn bè, người thân, những tâm tư, cảm xúc để kịp thời chia sẻ, động viên, giúp quan hệ giữa người - người gần nhau hơn.

 

Có lẽ, không ai đã nghĩ đến hệ lụy rằng, việc quá lạm dụng những tính năng ấy, khiến một bộ phận người trẻ có xu hướng sống khép kín hơn, ít thể hiện cảm xúc trong cuộc sống thực mà thay vào đó là xả hết lên mạng xã hội.

 

Chị Nguyễn Diệu Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) đã than thở rằng: Vợ chồng chị không tìm được tiếng nói chung khi chồng chị không chịu chia sẻ những quan điểm của mình với vợ.

 

Trừ thời gian đi làm, mỗi ngày, đôi vợ chồng trẻ có ít nhất hơn 10 tiếng sống cùng trong một mái nhà. Tuy thế, những điều không hài lòng về vợ, chồng chị Thúy ít khi góp ý thẳng thắn với vợ mà thay vào đó, anh chọn cách giao tiếp qua mạng xã hội.

 

"Lẽ ra, những điều không hài lòng, anh ấy có thể nhỏ to để vợ chồng dễ dàng tìm ra cách giải quyết. Tuy nhiên, chồng mình lại sưu tầm các câu chuyện trên các tờ báo, các tạp chí, rồi share lên tường của vợ. Mình có cảm giác như anh ấy không có niềm tin ở mình, hoặc mình không phải là người bạn đời đáng tin cậy của anh ấy", chị Thúy ủ rũ tâm sự.

 

Thậm chí, có bạn trẻ còn than thở rằng: "Tôi cảm thấy chúng ta đang "chết dần" trong thời đại công nghệ số. Đã quá lâu, tôi không được nói chuyện với những người bạn thân. Họ cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau trên facebook.

 

Họ yêu nhau trên facebook và có lẽ chỉ có việc họ không cùng làm trên facebook được là sinh con mà thôi. Chúng ta càng ngày càng bị cuốn sâu vào thế giới ảo mà quên đi cuộc sống thực tại của mình".

 

Liệu có nên quá lạm dụng mạng xã hội hay không khi mà có thể không cần đến nó, con người ta đã có thể gần nhau rất thực ở ngoài đời?

 

Theo Ngọc Linh

Tuổi trẻ thủ đô

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]