Giải mã căn bệnh "ám ảnh ma"

Căn bệnh được đồn thổi là "ám ảnh ma" đang lan tràn ở các địa phương mà nạn nhân là hàng loạt thiếu nữ tuổi học đường, gây nhiều sợ hãi...

15.6

Thời gian gần đây, nhiều địa phương xảy ra tình trạng học sinh nữ bị co giật, hoảng loạn và ngất xỉu. Nhiều thông tin đồn thổi cho rằng các em bị bệnh “ám ảnh ma”. Đâu là sự thật?

Nhiều học sinh bị ngất sau khi được điều trị tại bệnh viện cho biết các em nhìn thấy ma, nghe nói có ma hoặc cảm giác sợ hãi lan truyền nhau. Theo các bác sĩ chuyên khoa, các học sinh này bị bệnh Hysteria. Đây là một bệnh tâm thần có căn nguyên tâm lý, 0,3% - 0,5% dân số mắc phải và thường gặp ở nữ giới.

Trẻ được nuông chiều dễ mắc bệnh

Bác sĩ Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh, Bênh viện 354, cho biết Hysteria là bệnh thần kinh chức năng với biểu hiện đa dạng cả về tâm thần kinh và cơ thể, thường phát sinh sau một sang chấn, có thể cảm ứng lan truyền tập thể. Biểu hiện bệnh khác với các bệnh thực thể hoặc thần kinh khác vì không có bằng chứng rõ nét về vị trí, và kết quả xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Tần suất bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới khoảng 10 lần, do phụ nữ trẻ có hệ thần kinh nhạy cảm, sức chịu đựng kém, thường dễ mắc bệnh. Đôi khi, bệnh cũng xuất hiện ở trẻ em được nuông chiều quá mức.


Cần cân đối học tập, vui chơi, tránh căng thẳng để hạn chế mắc Hysteria.

Bệnh xảy ra đột ngột, biểu hiện đa dạng và sau đó bệnh nhân trở lại bình thường. Do đó, nhiều người vẫn nghi ngờ Hysteria có thật sự là bệnh hay không. Ngay cả bác sĩ điều trị nếu chưa có kinh nghiệm cũng rất dễ chẩn đoán nhầm vì không có bằng chứng về cận lâm sàng để chứng minh.

Biểu hiện nổi bật nhất của bệnh là cơn Hysteria với các triệu chứng thở nhanh, ngất xỉu; hay một số biểu hiện khác như ngất, ngủ lịm, nói không chuẩn (không ăn nhập với chủ đề xung quanh), hoặc những rối loạn về vận động, cảm xúc, giác quan.

Bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị (nhận thức không đúng về sự vật, hiện tượng xảy ra). Cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim... hoặc đột nhiên chẳng nhìn thấy gì trong khi mắt bệnh nhân vẫn mở, vẫn mơ hồ nhận thấy le lói vật thể xung quanh. Những biểu hiện về tâm thần kinh bao gồm khóc cười, sợ hãi vô cớ, la hét, mất hoặc tăng cảm giác. Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân rất dễ tự ám thị và bị ám thị ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý.

Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Theo bác sĩ Nguyễn Thục, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân gây bệnh Hysteria thường là do những chấn thương tâm lý, lo sợ cao độ, tức giận bi quan, bệnh cơ thể mà theo người bệnh hiểu là hiểm nghèo. Yếu tố thuận lợi là sự kém ý chí, thần kinh bất bình thường, bị nhiễm độc, nhiễm trùng, bệnh tim mạch...

Khi có người bệnh Hysteria, nên có thái độ ứng xử thích hợp như chăm sóc ân cần, chu đáo nhưng tự tin, không ủy mị làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Để người bệnh nằm trên giường rộng, tránh bị ngã khi xoay trở. Tránh nằm gần những vật cứng, dễ vỡ. Nơi nằm nên có không khí thoáng mát.

Nên giải thích, trấn an cho bệnh nhân và khuyên họ hít thở đều. Nếu mọi việc được kiểm soát tốt, chỉ cần chăm sóc người bệnh tại nhà. Nếu cơn kéo dài, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc và điều trị đúng.

Cách phòng bệnh Hysteria là tránh lo lắng, căng thẳng, rèn luyện thể chất và tinh thần để nâng cao sức chịu đựng trước các áp lực tâm lý. Đặc biệt phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Đối với học sinh, cần phối hợp giảng dạy tâm lý và chăm sóc sức khỏe học đường, cân đối áp lực học tập, vui chơi, làm việc, nghỉ ngơi, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng.

Bệnh Hysteria phục hồi nhanh, nhưng bệnh dễ tái phát khi tiếp cận với những hoàn cảnh tương tự. Muốn cải thiện, người bệnh cần tập tính chịu đựng, tập luyện nhân cách vững vàng trong các môi trường khác nhau.

Theo M.Ninh - Báo Đất Việt
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]