Giảm cân bằng thuốc nhuận tràng: Lợi bất cập hại

(SKGĐ) Ám ảnh về số đo 3 vòng không đúng chuẩn, nhiều chị em đã dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng hoàn toàn không nên sử dụng phương cách này để giảm cân.

15.5822

Giảm cân hay mua bệnh

Sau rất nhiều phương pháp giảm cân bất thành, chị Mai Thị Thu (Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, Tp.HCM) lại tiếp tục khóc thét với thân hình ngày càng mỡ màng của mình. Nhưng ức nhất là câu trêu chọc của ông xã khi chị tuyên bố từ bỏ phương pháp giảm béo mới nhất: “Thôi thì anh đành giã từ vĩnh viễn giấc mơ đi cạnh cô vợ đúng chuẩn tỉ lệ vàng và tự an ủi là được ôm thêm một cái gối bông ấm áp, chứ anh biết mẹ nó thiếu kiên nhẫn, sao mà giảm béo thành công được”.

Ấm ức, chị Thu quyết tìm ra phương pháp giảm béo khác thích hợp hơn, rồi chị sẽ trở về thời eo thon cho lão chồng lác mắt. Than vãn trên một trang diễn đàn mà chị hay tham gia, chị Thu được người bạn trên diễn đàn khuyên nên uống thuốc nhuận tràng để giảm béo. Người này cho biết thuốc nhuận tràng sẽ giúp kích thích thải nước, đi tiêu nhiều hơn, cùng với đó các tế bào mỡ ở dạ dày cũng bị thanh lọc sẽ giúp giảm béo rất tốt. Đến các siêu mẫu cũng thực hiện phương pháp này.

Nghe phương pháp giảm cân đơn giản mà hiệu quả, đến cả siêu mẫu cũng áp dụng thì chị Thu tin liền. Chị ngay lập tức đi mua thuốc nhuận tràng về uống. Đúng là phương pháp mới có tác dụng thật, thời gian đầu chị thấy cơ thể mình dường như thon gọn hơn, do đó chị rất quyết tâm dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài để có được thân hình lý tưởng. Tuy nhiên, thời gian sau, chị thường xuyên có cảm giác nóng bụng, khó chịu, ăn uống không ngon miệng, vùng bụng thường đau ấm ách, có khi đau quặn khiến chị khổ sở…

Không chịu được, chị Thu đi khám mới biết mình bị hội chứng ruột kích thích. Khi hỏi kĩ để tìm nguyên nhân, bác sỹ chỉ biết than trời khi biết chị dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân. Hóa ra, bệnh của chị chính do phương pháp giảm cân mà chị đang rất tin tưởng.

Không chỉ chị Thu, nhiều phụ nữ khác bị ám ảnh bởi cân nặng và số đo ba vòng của mình cũng tìm đến thuốc nhuận tràng để giảm cân.

Trước đó, siêu mẫu Petra Nemcova – một trong những siêu mẫu hàng đầu của Séc, từng xuất hiện trên nhiều tạp chí thời trang lớn như FHM, GQ, Women hay các chiến dịch quảng cáo lớn của các hãng Victoria Secrets, Clarin, Rampage… đã từng công nhận trước báo giới về việc dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân. Trả lời phỏng vấn của tạp chí People, siêu mẫu Petra Nemcova cho biết, bên cạnh chế độ ăn kiêng chặt chẽ chỉ với rau, cà rốt, khoai tây, táo thì hàng ngày, loại thuốc không thể thiếu của cô là thuốc nhuận tràng.

Phương pháp hoàn toàn không đúng

Trả lời về việc nên hay không nên dùng thuốc nhuận tràng để giảm cân, TS. Đinh Quý Lan (Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết: Hiện nay ở nước ta chưa có một công trình nào nghiên cứu về tác dụng giảm béo của thuốc nhuận tràng và cũng không có ý định nghiên cứu về vấn đề này. Do đó, việc đồn thổi theo kinh nghiệm cá nhân là không nên.

Theo TS. Đinh Quý Lan, thuốc nhuận tràng được sử dụng trong hai trường hợp. Thứ nhất là trường hợp những bệnh nhân bị táo bón, đặc biệt là táo bón kéo dài. Ví dụ có những phụ nữ 3 ngày mới đi ngoài một lần, nhiều khi tình trạng táo bón kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh trĩ.

Khi bị táo bón, phân bị mất nước trở thành chất rắn nên bệnh nhân bị tăng áp lực vùng bụng, phân chèn ép vào các tĩnh mạch trực tràng vào hậu môn, từ đấy nó vừa bị nhiễm độc, vừa làm yếu thành mạch của tĩnh mạch trĩ, do đó tĩnh mạch trĩ càng ngày càng giãn to ra gây nguy cơ xuất huyết.

Dùng thuốc nhuận tràng trong những trường hợp như vậy sẽ trợ giúp hệ thống tiêu hóa, tăng cường niêm mạc ruột, tăng cường sức co bóp và nhu động, phần nào tác dụng làm tăng tiết bài tiết dịch ruột dạ dày giúp hệ thống tiêu hóa tốt hơn, tạo cho bệnh nhân đi ngoài đều đặn, đảm bảo cho phân có độ cứng vừa phải để bệnh nhân bài tiết dễ dàng hơn.

Thứ hai là sử dụng thuốc nhuận tràng cho mục đích nội soi trực tràng. Khi cần nội soi trực tràng ở đoạn thấp, đoạn qua hậu môn khoảng 15cm, thuốc nhuận tràng sẽ khiến bệnh bệnh đi ngoài sạch người ta tiến hành nội soi mà không cần dùng đến các biện pháp thụt rửa hậu môn, trực tràng hay các loại thuốc khác mạnh hơn.

Việc sử dụng thuốc nhuận tràng cho giảm béo với lý do thuốc làm tăng tiết nhiều nước, đi tiêu nhiều giúp giảm cân, TS. Đinh Quý Lan cho rằng, đó là lí luận sai hoàn toàn về nguyên tắc. Đi tiểu nhiều chẳng những không giúp giảm cân, mà việc mất nước nhiều sẽ khiến cơ thể bị rối loạn do mất nước một cách không chính đáng. Cơ thể cần lượng nước đủ để cung cấp cho các hoạt động nên việc kích thích làm tăng tiết nước để giảm béo là không nên.

Bình thường sử dụng thuốc nhuận tràng để chữa bệnh, thuốc cũng sẽ giúp cơ thể tiết nước nhưng bài tiết ở lượng vừa phải, bài tiết sinh lý. Nếu tăng tiết nước theo kiểu mất cân đối như thế thì sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm độc. Điều hòa nước trong cơ thể giúp các tế bào trong cơ thể được cân bằng, nay dùng phương pháp để rút nước ra là hoàn toàn có hại.

Theo TS. Đinh Quý Lan thì thuốc nhuận tràng là loại thuốc lành, không gây độc lực lớn gì cho người bệnh, nếu dùng thông thường thì dược sĩ có thể tư vấn được. Thuốc nếu dùng với liều đúng, vừa phải thì có lợi cho cơ thể, nhưng tốt nhất khi sử dụng thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Thường thì thuốc nhuận tràng chỉ được khuyên dùng từ 1 tháng trở xuống để tạo thói quen cho người bệnh đi ngoài hàng ngày và đúng giờ. Không nên dùng kéo dài sẽ bị nhờn thuốc, hệ lụy là hệ thống ruột quen thuốc, phụ thuộc vào thuốc, nếu không có thuốc sẽ quay trở lại táo bón.

Hậu quả của việc lạm dụng thuốc

Khi sử dụng không đúng mục đích, lạm dụng thuốc khi không có bệnh, thuốc nhuận tràng có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn tiêu hóa, đây là một trong những nguyên nhân của các bệnh về đường tiêu hóa mà tiêu biểu nhất là hội chứng ruột kích thích. Hội chứng này gây ra tình trạng lộn xộn, ăn được gì là “của thiên trả địa”, dễ bị sôi bụng, nóng bụng, khó chịu trong bụng.

Từ ruột kích thích có thể dẫn đến viêm đại tràng, vì khi ruột bị kích thích nhiều sẽ làm cho khả năng tự bảo vệ của đại tràng kém đi, các niêm mạc ruột bị tổn thương, khả năng chống đỡ, tự bảo vệ của niêm mạc ruột, dạ dày bị ảnh hưởng. Từ đó, niêm mạc ruột bị kém đi khiến các chất độc dễ bị xâm nhập, có khả năng gây viêm đại tràng cấp tính và các hệ lụy gây bất lợi cho đường ruột.

Ngoài ra, còn gây ra một số hậu quả như: Chuột rút dạ dày khi sử dụng liều cao, gây ra buồn nôn ở một số người, ói mửa vì thuốc phá vỡ lớp màng trong dạ dày, tiêu chảy dẫn đến mất nước, chảy máu trực tràng, bất tỉnh, chóng mặt, mất cân bằng điện giải và mất nước, thiệt hại cho chức năng đường ruột…

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

loading...
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]