Hạn chế nhầm lẫn bệnh do sán - Cách gì?

Trên số báo 132, báo Sức khỏe & Đời sống đã đăng tải bài viết về một số trường hợp dễ bị nhầm lẫn giữa sán lá phổi và lao phổi,

15.5869

 Hình ảnh gan bị nhiễm sán.
Trên số báo 132, báo Sức khỏe & Đời sống đã đăng tải bài viết về một số trường hợp dễ bị nhầm lẫn giữa sán lá phổilao phổi, giữa sán lá gan và u gan, ung thư gan góp phần thay đổi nhận thức và hành động của cả độc giả và thầy thuốc. Nhờ có thông tin mà gần đây đã có nhiều bệnh nhân đến làm xét nghiệm cần thiết chẩn đoán phân biệt với các bệnh liên quan đến ký sinh trùng. Trong bài viết này, báo Sức khỏe & Đời sống sẽ cung cấp thêm những thông tin cần thiết và số điện thoại của chuyên gia về các bệnh ký sinh trùng, độc giả có thể liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn về bệnh tật của mình.

Có nên uống thuốc phòng bệnh sán?

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội và ThS. BS. Đoàn Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Khám bệnh - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây, do hạn chế về kinh nghiệm và thiếu các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán miễn dịch, thiếu thực tiễn trong quá trình học tập tại trường và quá trình công tác nên việc chẩn đoán nhầm giữa bệnh ký sinh trùng với một số bệnh khác như sán lá phổi nhầm với lao phổi, sán lá gan lớn nhầm với u gan, ấu trùng sán lợn nhầm với bệnh động kinh, rối loạn tâm thần, một số ấu trùng giun sán cư trú trong tổ chức nhầm với khối u... rất khó tránh khỏi. Điều đó dẫn đến không ít người bệnh được điều trị không đúng bệnh và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Những năm gần đây, khi các thiết bị chẩn đoán hiện đại được ứng dụng rộng rãi thì những trường hợp chẩn đoán nhầm đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, do có những biểu hiện rất giống nhau trên lâm sàng và hình ảnh nên vẫn có nhiều trường hợp bị nhầm lẫn giữa bệnh lý về phổi, gan, não hay phủ tạng khác với bệnh lý ký sinh trùng. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, những bệnh lý ký sinh trùng thường được điều trị khỏi hẳn. Tuy nhiên, không nên uống thuốc dự phòng vì thuốc không tồn tại lâu trong cơ thể, phần lớn sau 24 giờ bị đào thải hết. Tùy từng loại ký sinh trùng mà ta chọn phương pháp điều trị thích hợp. Ví dụ, giun đường ruột có thể điều trị hàng loạt định kỳ 6 tháng 1 lần, sán lá gan nhỏ có thể điều trị cho nhóm đối tượng nguy cơ cao như nhóm người ăn gỏi cá, nhưng các bệnh ký sinh trùng khác như sán lá gan lớn, sán dây, ấu trùng sán lợn nên điều trị đặc hiệu khi có chẩn đoán xác định. Do thuốc ký sinh trùng phần lớn có độ an toàn cao và liệu trình điều trị ngắn ngày nên một số bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mà cơ sở y tế chưa đủ điều kiện chẩn đoán xác định như ho ra máu hay tràn dịch màng phổi, ở miền núi có thể cho điều trị một liều thuốc sán lá phổi (2 ngày), nếu không đỡ thì mới nghĩ đến lao; hoặc bệnh nhân có siêu âm phát hiện u gan hay áp-xe gan cũng nên dùng một liều thuốc sán lá gan lớn (1- 2 ngày), nếu không đỡ mới nghĩ đến nguyên nhân khác. Trong vùng có sốt rét lưu hành, nếu bị sốt nên dùng một liều thuốc sốt rét.

 Sán lá phổi.
Tư vấn trực tiếp như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội còn cho biết, sở dĩ một số trường hợp chẩn đoán nhầm nguyên nhân gây bệnh là do người thầy thuốc ít nghĩ đến bệnh ký sinh trùng. Ví dụ bệnh sán lá phổi và lao phổi đều có triệu chứng ho ra máu hay tràn dịch màng phổi nên có hàng trăm bệnh nhân bị sán lá phổi nhưng dễ nhầm là lao phổi và điều trị lao nhiều tháng, nhiều năm. Chúng ta cần lưu ý đối với bệnh sán lá phổi, mặc dù có những biểu hiện lâm sàng rất giống với bệnh lao nhưng vẫn có thể phân biệt được. Nếu mắc bệnh sán lá phổi, người bệnh có biểu hiện ho kéo dài, có từng đợt ho ra máu màu rỉ sắt, cũng có trường hợp ho ra máu tươi do sán làm vỡ động mạch lớn trong phổi nhưng hiếm hơn, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn, người bệnh vẫn có thể học tập và lao động bình thường. Trong khi đó, nếu mắc bệnh lao, người bệnh có biểu hiện ho ra máu tươi, có dấu hiệu nhiễm khuẩn (môi khô, lưỡi bẩn), thường có sốt về chiều, chán ăn, sút cân. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định bệnh sán lá phổi hay lao, ta cần xét nghiệm đờm tìm trứng sán hay vi khuẩn lao nhưng tỷ lệ tìm thấy trứng sán trong bệnh sán lá phổi hay vi khuẩn lao trong bệnh lao đều chỉ đạt 30-40% nên có đến 60- 70% số trường hợp mắc lao hay sán lá phổi được xét nghiệm cho kết quả âm tính. Do vậy, trong trường hợp âm tính, nếu chúng ta nghi ngờ sán lá phổi nên cho điều trị sán lá phổi trước. Phân biệt giữa sán lá gan lớn và u gan chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Đối với bệnh sán lá gan lớn, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố. Do sán gây tổn thương gan dưới dạng u nên bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên hình ảnh siêu âm gan, hay chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ: đó là khối hay vùng tổn thương âm hỗn hợp, nhiều khoảng trống âm xen lẫn tăng âm, lổn nhổn; trong khi đó các u gan (ác tính hay lành tính) thường có tăng âm. Điều đặc biệt quan trọng là xét nghiệm máu ở bệnh nhân sán lá gan lớn thường có bạch cầu ái toan tăng cao và luôn luôn có phản ứng miễn dịch (ELISA) dương tính với kháng nguyên sán lá gan lớn.

        Để khắc phục và hạn chế việc chẩn đoán cũng như điều trị nhầm các bệnh lý khác với bệnh ký sinh trùng, PGS.TS. Nguyễn Văn Đề sẵn sàng tư vấn, hội chẩn qua điện thoại với tất cả các bác sĩ trong cả nước và với mọi người bệnh nhằm giúp họ xác định được chính xác bệnh ký sinh trùng và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả, mang lại sức khỏe cho bệnh nhân.

Số điện thoại tư vấn trực tiếp của PGS.TS. Nguyễn Văn Đề: 0912377281.

Lê Thu Lương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]