Hành trình thú vị của răng

Ít ai biết răng được hình thành từ khi bé còn trong bụng mẹ. Hành trình một chiếc răng sữa xuất hiện, phát triển, rụng xuống rồi được thay thế bằng răng trưởng thành có rất nhiều điều thú vị.

0

Một số bé khi sinh ra đã có sẵn một chiếc răng, trong khi những bé khác hoàn toàn không có chiếc răng nào đến sau khi bé hơn 1 năm tuổi. Dù khi nào bé mọc răng thì cũng là một trật tự mọc lộn xộn. Dưới đây là hành trình phát triển những chiếc răng của bé và mẹo giúp chăm sóc chúng.

Trước khi ra đời
Ba tháng đầu thai kỳ: Từ tuần lễ thứ 6 hoặc 7, thai nhi hình thành một dải mô gọi là lá răng, sau đó phát triển thành mầm răng.

Ba tháng giữa thai kỳ: Vào tuần thứ 20, mầm răng của bé hình thành, và một đợt mầm thứ hai (cho răng trưởng thành trong tương lai) cũng bắt đầu phát triển.

Khi sinh ra đời

Mọi chiếc răng đều đã định hình, dù chúng vẫn nằm ở trong hàm cho đến thời điểm “xuất đầu lộ diện”. Theo thống kê, trong 2000 đến 3000 trẻ được sinh ra thì chỉ có một bé có răng khi sinh, chính vì vậy mà chiếc răng này được gọi là răng sinh. Do vậy các bà mẹ cho bé bú nên cẩn thận khi bé ra đời có răng sinh nhé!

3 đến 6 tháng tuổi

Các bé hay chảy nước dãi vì nhiều lý do, nhưng mọc răng là một trong những lý do phổ biến, vì các răng của bé thường xuất hiện đầu tiên trong những tháng này. Hình ảnh lý tưởng là bé mọc răng cửa ở hàm dưới trước nhất.

6 đến 8 tháng tuổi
Chiếc răng đầu tiên thường xuất hiện ngay thời điểm này. Nó gần như luôn là răng cửa ở hàm dưới. Trên thực tế, nếu trước đó bạn chưa thấy bé mọc răng thì thời điểm này bạn sẽ thấy rất nhiều răng dần xuất hiện.

8 đến 12 tháng tuổi
Răng cửa ở hàm trên cũng bắt đầu “ham vui” mà xuất hiện. Theo nghiên cứu, giới tính cũng góp vai trò trong sự phát triển răng của bé, cụ thể là trung bình răng của bé gái sẽ mọc sớm hơn các bé trai.

9 đến 13 tháng tuổi
Giờ đây bạn đã có thể thấy nụ cười “ngọc trai” của bé! Lúc này, răng cửa bên (có thể là bên trái hoặc bên phải) của hàm trên sẽ ló dạng.

10 đến 16 tháng tuổi
Răng cửa bên hàm dưới sẽ nhú lên tiếp nối, khi này bé sẽ có chừng 8 chiếc răng. Nhưng bé có bao nhiêu răng lúc này không quan trọng, thay vào đó bạn cần lưu ý chải răng cho bé đều đặn mỗi ngày.

12 đến 18 tháng tuổi

Sử dụng các loại bàn chải mềm để tập cho bé đánh răng

Cho bé 12 – 18 tháng tuổi quen với việc chải răng (và để bạn chải răng cho bé) sẽ giúp dạy bé những thói quen tốt. Ở độ tuổi này của bé, thay vì dùng kem đánh răng dành cho người lớn, bạn hãy mua cho bé kem đánh răng dành cho trẻ em. Loại này ít hàm lượng fluoride hơn, do ở độ tuổi này sẽ khó tránh khỏi việc bé vô tình nuốt phải.

13 đến 19 tháng tuổi
Đây là lúc “tập đoàn” răng di cư vào phía trong! Những chiếc răng hàm đầu tiên xuất hiện, ở cả hàm trên và dưới. Ở thời điểm này, những chiếc răng lớn hơn nay phát triển có thể gây đau nhức và khó chịu cho bé.

16 đến 12 tháng tuổi

Tập cho bé thói quen đáng răng mỗi ngày

Kế tiếp là sự xuất hiện của răng nanh nhọn hoắc. Đôi lúc chúng còn được gọi đùa là “răng ma cà rồng”. Tuy chúng có cái tên thật dễ thương, nhưng bạn cũng vẫn đừng quên chải răng cho bé mỗi ngày, không phải chuyện đùa đâu đấy nhé.

18 đến 24 tháng tuổi

Nếu bé gần 2 tuổi của bạn muốn được “tự tung tự tác” trong việc chải răng, hãy cố gắng đừng biến việc chải răng thành một cuộc chiến. Bạn cũng nên đưa bé đi bác sĩ nha khoa để bé làm quen với việc kiểm tra răng miệng.

2 tuổi
Từ giữa độ tuổi 2 và 3, răng sữa của bé (gồm 20 chiếc) có lẽ đều đã xuất hiện. Lúc này, việc chăm sóc răng miệng tại nhà sẽ trở nên quan trọng hơn vì nó giúp bé thiết lập những thói quen tốt suốt đời.

25 đến 33 tháng tuổi
Chiếc răng sữa lớn nhất, răng hàm thứ hai, sẽ xuất hiện bên trong miệng bé. Ở thời điểm này, “hạn ngạch” 20 chiếc răng sữa xem như đã đạt chỉ tiêu.

Điều quan trọng là bạn cần thường xuyên đưa bé đến bác sĩ nha khoa kiểm tra răng, tốt nhất là cứ mỗi 6 tháng một lần.

4 tuổi
Răng của bé sẽ có xu hướng nhiều kẽ hở ở độ tuổi này. Các khoảng trống này sẽ giúp răng trưởng thành được phát triển đồng đều về sau. Hãy tiếp tục thường xuyên đưa bé đến bác sĩ nha khoa khám răng và khuyến khích bé chải răng sau mỗi bữa ăn. Bạn nên nhớ, các thức uống cũng có nhiều đường như thức ăn vậy, kể cả các loại nước ép trái cây tươi.

6 đến 7 tuổi
Chiếc răng đầu tiên bắt đầu lung lay và sau đó từ từ sẽ rụng đi. Nó thường là chiếc răng cửa hàm dưới, chiếc răng đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời của trẻ. Thật ra, răng sữa không thật sự rụng đi, mà do răng trưởng thành bên dưới đẩy, trong khi chân răng sữa “biến mất” nên thân răng không có gì giữ lại và kết quả thì như bạn đã biết rồi đó.

7 đến 8 tuổi
Răng sữa bắt đầu cuộc chia ly theo gần như là thứ tự răng nào mọc trước thì ra đi trước, bắt đầu từ giữa và đến xung quanh. Lúc này mỗi khi bé cạp trái bắp thì thế nào cũng có hàng bắp còn nguyên cho mà xem!

9 đến 13 tuổi
Khi răng sữa ra đi, các răng thay thế sẽ là các răng lớn. Tám chiếc răng hoàn toàn mới (răng tiền hàm và đợt răng tiền hàm thứ 2) sẽ lắp đầy các kẽ hở ban đầu trong miệng trẻ.

14 đến 23 tuổi
Trong tương lai, trẻ sẽ có 28 chiếc răng cho đến độ tuổi “hăm”, khi này răng hàm đợt thứ ba, hay dân gian vẫn quen gọi là răng khôn, sẽ phát triển, đạt trọn vẹn 32 chiếc răng. Bằng việc chăm sóc răng cho bé từ những ngày đầu, trẻ sẽ có một cuộc sống tràn đầy sức sống, những nụ cười hạnh phúc!

Linh Lan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]