Hội chứng đau khu vực: Bệnh của thương binh

Hội chứng đau khu vực hay đau vùng phức là một bệnh mạn tính, thường xảy ra ở tay hoặc chân.

0
Những người bị thương trong chiến tranh, những người bị tai nạn trong lao động, sinh hoạt, đến nay tuy vết thương đã lành nhưng vẫn bị hội chứng này. Làm thế nào để những người phải sống chung với hội chứng này cải thiện được những cơn đau, nay chúng tôi xin giới thiệu trong bài viết dưới đây.

>>

Biểu hiện bệnh thế nào?

Hội chứng gây nóng dữ dội, sưng, đau, thay đổi nhiệt độ và màu sắc da, bắp thịt co thắt và teo, giảm khả năng cử động chi bị bệnh và có thể gây tàn phế.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Hội chứng đau khu vực có 2 dạng: dạng 1 gọi là hội chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ, xuất hiện sau khi bị bệnh hoặc chấn thương không gây tổn thương trực tiếp cho dây thần kinh ở vùng chi bị đau, khoảng 90% số bệnh nhân là dạng này; dạng 2 hay còn gọi là hỏa thống, thường xảy ra sau một tổn thương dây thần kinh ngoại biên.
 
Dấu hiệu của 2 dạng bệnh diễn ra theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 thường kéo dài từ 1-3 tháng với các triệu chứng: đau rát hoặc đau nhức, tấy và sưng vùng đau, da lúc ướt lúc lạnh, màu da thay đổi từ trắng và lốm đốm sang đỏ hoặc xanh; da bị sưng nề, mỏng hoặc bóng; lông và móng tăng phát triển; cứng khớp, co thắt cơ. Giai đoạn 2 kéo dài 3-6 tháng với biểu hiện: đau lan dữ dội kèm theo sưng; thay đổi kết cấu và màu da rõ rệt hơn; lông tóc chậm mọc và móng bị gãy, có vết nứt, rãnh và đốm ở móng; cứng cơ và khớp ở chi bị bệnh nặng hơn. Giai đoạn 3 xuất hiện những tổn thương vĩnh viễn: đau gây tàn phế toàn bộ chi; teo cơ và tổn thương khớp tiến triển, làm giảm khả năng vận động chi bệnh; tổn thương da không hồi phục. Chụp Xquang: thấy tình trạng mất canxi ở xương (loãng xương) hoặc tăng tuần toàn tới khớp ở vùng bị bệnh.

Các biến chứng

Ai dễ bị hội chứng đau khu vực?

Hội chứng đau khu vực xảy ra sau một chấn thương hoặc sau khi bị một bệnh khác, nữ mắc nhiều hơn nam, hay gặp ở độ tuổi từ 40 - 60. Những người dễ mắc hội chứng này là: thương binh và những người bị thương trong chiến tranh, tuy vết thương đã lành nhưng họ vẫn bị hội chứng đau khu vực; hoặc sau một chấn thương nặng ở chi như vết thương do bị đâm chém, tai nạn giao thông; sau một cuộc phẫu thuật, hay sau khi mắc các bệnh: tim, nhiễm khuẩn, gãy xương, bong gân...
Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, hội chứng đau khu vực có thể gây ra tàn phế. Vì đau, bệnh nhân tránh cử động tay hay chân bị bệnh hoặc khó cử động chi do cứng, thì sau một thời gian cơ và da vùng bị bệnh sẽ bị teo. Bệnh nhân bị tàn phế vĩnh viễn bởi bàn tay, ngón tay hoặc bàn chân và ngón chân co quắp theo một tư thế nhất định.
 
Tổn thương còn lan từ nơi bắt đầu bị bệnh tới các vùng khác theo các kiểu sau: một là kiểu liên tục, tổn thương đi từ vùng đau ban đầu, chẳng hạn từ tay tới vai, thân và mặt, ảnh hưởng tới 1/4 cơ thể. Hai là kiểu hình ảnh soi gương: tổn thương lan truyền từ chi bên này sang chi bên kia. Ba là kiểu độc lập: là tổn thương nhảy cóc từ vùng bị bệnh ban đầu sang một bộ phận khác của cơ thể, ví dụ từ chân lên lưng.


Cách sống chung với bệnh

Hội chứng đau khu vực có thể được cải thiện nhanh nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị ngay một vài tháng sau khi có những triệu chứng đầu tiên. Các thuốc chống viêm không steroid như: aspirin, ibuprofen, naproxen, paracetamol... có thể làm dịu cơn đau. Dùng thuốc corticosteroid có thể làm giảm viêm. Thuốc tê phong bế ở các dây thần kinh bị bệnh để giảm đau. Thuốc giãn mạch được dùng điều trị tăng huyết áp và giảm đau nhờ làm giảm co mạch.
 
Giảm đau mạn tính bằng cách dùng xung điện vào đầu mút dây thần kinh. Phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm chỉ dùng trong số ít trường hợp để giảm đau. Chườm nóng nếu vùng bệnh bị lạnh, sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu. Trái lại, chườm lạnh có thể giảm sưng và ra mồ hôi khi vùng đau bị nóng. Việc tập luyện vùng chi bị bệnh nhẹ nhàng theo hướng dẫn của thầy thuốc có thể cải thiện biên độ cử động và sức mạnh của chi. Một điều đáng chú ý là bệnh càng được phát hiện sớm thì việc tập luyện càng có kết quả nhanh.

Một số tổn thương tàn phế tay chân trong hội chứng đau khu vực. Nguồn: Google

Việc sống chung với căn bệnh đau mạn tính này là một thách thức, vì bạn rất khó nói để cho mọi người tin là bạn đang đau nhiều đến mức như bạn tả. Do đó bạn cần phải chia sẻ thông tin về hội chứng đau khu vực cho người thân để họ hiểu những gì bạn đang phải chịu đựng. Bạn nên: duy trì các hoạt động bình thường hằng ngày ở mức tối đa có thể; sắp xếp cho cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ. Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè.
 
Nếu bệnh khiến bạn khó làm được những việc mình thích, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách vượt qua các trở ngại đó. Sự đau đớn về thể chất có ảnh hưởng trực tiếp tới trạng thái tinh thần, nên cần phải bình tĩnh chấp nhận sống chung với chứng bệnh này. Người bệnh cũng nên học các phương pháp thư giãn. Việc tham gia vào một nhóm đồng đẳng để hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và cảm giác cùng nhau là một giải pháp tốt.
 
Bệnh mạn tính thường làm tăng nguy cơ trầm cảm. Vì vậy hãy nói với gia đình, bạn bè và bác sĩ nếu bạn cảm thấy bị trầm cảm để mọi người có thể giúp đỡ bạn những khi cần thiết. Người bệnh rất cần sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của người thân và bạn bè để cải thiện tình trạng đau đớn về thể chất và vững về tinh thần ý chí để sống chung với hội chứng đau khu vực.  

AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]