Hội chứng sốc nhiễm độc ở phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt

Việc dùng băng vệ sinh có độ thấm quá cao so với lượng dịch kinh có thể gây sốc nhiễm độc, thậm chí tử vong.

0

Nguyên nhân gây sốc nhiễm độcphụ nữ trong kỳ kinh nguyệt

Nguyên nhân thường gặp là do ngoại độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aurius), thường có trong niêm mạc mũi và âm đạo. Liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes) cũng được xem là nguyên nhân gây nên hội chứng sốc nhiễm độc .

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vi khuẩn tụ cầu vàng có men coagulase. Nhờ men coagulase này mà trên môi trường nuôi cấy có máu, vi khuẩn tạo nên các khuẩn lạc màu vàng. Tụ cầu vàng còn sản xuất nhiều yếu tố độc lực khác có liên quan đến cấu tạo của vách vi khuẩn. Phần lớn các chủng tụ cầu đều có khả năng sản xuất một chất kết dính gian bào. Nhờ chất này, vi khuẩn tạo được một lớp màng sinh học bao phủ chính nó và vi khuẩn có thể phát triển trong lớp màng nhầy niêm mạc.

Yếu tố nguy cơ gây sốc nhiễm độc ở phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt

ThS.BS. Nguyễn Kiên Cường - Viện Y học Dự phòng Quân đội cho biết, có khoảng 50% các trường hợp có hội chứng sốc nhiễm độc xảy ra ở nữ giới trong chu kỳ kinh nguyệt và có liên quan tới việc sử dụng băng vệ sinh (BVS) siêu thấm đặt trong lòng âm đạo (sau đây gọi là Tampon).

Hội chứng sốc độc BVS có thể gây tử vong

Tampon có hình trụ, được làm từ vật liệu siêu thấm, cách sử dụng là đưa trực tiếp vào trong lòng âm đạo.

Tampon có ưu điểm là được che giấu bên trong âm đạo, do đó thường được phụ nữ sử dụng khi muốn chơi thể thao, đi bơi, hay các sự kiện thời trang, các dịp ăn vận đòi hỏi tính thẩm mỹ… mà không gây ảnh hưởng đến dáng vẻ bên ngoài. Tuy nhiên, việc sử dụng tampon trong chu kỳ kinh nguyệt cũng được coi là yếu tố nguy cơ gây nên hội chứng sốc nhiễm độc.

Bên cạnh đó các yếu tố khác như tình trạng nhiễm khuẩn vết thương, tình trạng suy giảm miễn dịch cũng được coi là các yếu tố nguy cơ.

Triệu chứng của hội chứng sốc nhiễm độc

Sốc nhiễm độc thường khởi phát đột ngột, bắt đầu với sốt cao trên 38,8oC, huyết áp giảm nhanh, buồn nôn, đau đầu, tiêu chảy, đau cơ, có thể ngất hoặc rối loạn ý thức, chóng mặt hoặc ngất khi thay đổi tư thế (đang ngồi đứng dậy).

Xuất hiện ban đỏ trên da giống như bỏng nắng, bao gồm cả ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt đỏ do xung huyết kết mạc, có những vết đỏ bất thường ở mí mắt hoặc trong niêm mạc miệng...

Nếu sốc nhiễm độc không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới suy đa tạng như suy gan, suy thận, suy tim, hôn mê, xuất huyết…

Xử trí khi có triệu chứng sốc nhiễm độc thế nào?

Nếu bạn đang sử dụng tampon trong chu kỳ kinh nguyệt, có xuất hiện 1 hoặc một vài triệu chứng nêu trên, ngay lập tức bạn nên bỏ tampon, khám bác sĩ và thông báo cho bác sĩ biết bạn có sử dụng tampon nếu bạn nghi ngờ mình có hội chứng sốc nhiễm độc.

Phòng chống sốc nhiễm độc ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt:

- Với những phụ nữ đã có tiền sử có hội chứng sốc nhiễm độc do sử dụng tampon, họ vẫn có thể bị lại. Lời khuyên cho họ là nên sử dụng băng vệ sinh dạng bản thông thường (sanitary pad).

- Bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng sốc nhiễm độc trong kì kinh nguyệt bằng cách sử dụng băng vệ sinh dạng bản thông thường ít nhất mỗi ngày một lần thay vì liên tục sử dụng băng vệ sinh siêu thấm dạng tampon. Hãy chỉ sử dụng băng vệ sinh dạng tampon khi thực sự cần thiết để đáp ứng với nhu cầu của bạn.

- Cần sử dụng băng vệ sinh dạng tampon đúng cách:

+ Chú ý rửa tay trước và sau khi đưa tampon vào âm đạo và sau khi rút tampon

+ Thay Tampon 4 - 8 giờ mỗi lần

+ Luôn luôn lấy bỏ tampon cũ trước khi đưa vào một tampon mới.

+ Chắc chắn rằng bạn đã lấy bỏ tampon ra khỏi cơ thể vào ngày cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt.

+ Tampon chỉ được dùng trong chu kỳ kinh nguyệt, đừng sử dụng tampon để hút sạch dịch âm đạo ngoài chu kỳ kinh.

Trà Mi

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]