Hồi sinh cho bệnh nhi bị dị tật tim phức tạp

Nhìn con gái nhỏ 5 tháng tuổi tỉnh táo, không sốt, không phải thở máy lại chơi ngoan, chị H. ở Hưng Yên vui mừng khôn xiết. Mới chỉ cách đây một tuần, cháu Vũ Bình A.,

15.5995

Nhìn con gái nhỏ 5 tháng tuổi tỉnh táo, không sốt, không phải thở máy lại chơi ngoan, chị H. ở Hưng Yên vui mừng khôn xiết. Mới chỉ cách đây một tuần, cháu Vũ Bình A., con chị còn trong tình trạng hết sức nguy kịch, cháu gần như đã ngừng thở vì tắc động mạch phổi khi vào Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, nhưng nhờ sự tận tâm của các bác sĩ và tiến bộ của y học mà con chị đã được sinh ra lần thứ hai.

Sự "ứng cứu" kỳ diệu của cơ thể

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhập viện, cháu A. trong tình trạng khó thở, ngừng thở, suy hô hấp phải cấp cứu hỗ trợ thở, bóp bóng, thở máy, đặt nội khí quản. Nhưng đây là một trường hợp rất đặc biệt, nếu với những trẻ ngừng thở do nguyên nhân từ phổi hoặc do não thần kinh thì đặt nội khí quản kết hợp thở máy trong khoảng 5-10 phút hoặc 30 phút (tùy trường hợp), độ bão hòa ôxy sẽ cho kết quả tốt, có thể đạt 92-93% nhưng trường hợp của A. lại chỉ cho kết quả 82-85%, thấp hơn nhiều so với mốc chuẩn, nên các bác sĩ phải chuyển hướng chẩn đoánđiều trị. A. được siêu âm tại giường và phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh, teo van động mạch phổi gần như hoàn toàn, tim bị thông sàn nhĩ thất, dị tật phức tạp. Điều này khiến các bác sĩ rất ngạc nhiên về sự sống của A. và đặt câu hỏi: Tại sao em bé có thể sống được? Bởi vì theo nguyên tắc, nếu động mạch phổi bị bít tắc thì ống động mạch phải còn để làm nhiệm vụ đưa máu đến phổi, cung cấp ôxy cho cơ thể nhưng khi thực hiện thông tim cấp cứu, các bác sĩ phát hiện ống động mạch của A. cũng đã bị bịt và xơ hóa, không thực hiện được. Nhưng A. vẫn sống suốt 5 tháng qua do đó nhất định còn một đường thông nào đó chưa tìm ra, dù rất nhỏ để đưa máu lên phổi. Để cứu sống A., các bác sĩ quyết định đặt stent, nối giữa các tuần hoàn bàng hệ (nối các động mạch từ hệ thống động mạch chủ sang động mạch phổi) thì mới phát hiện, A. sống sót được là nhờ các tuần hoàn bàng hệ này. Ở trẻ bình thường, tuần hoàn bàng hệ dường như "ngủ yên" nhưng với A. tuần hoàn bàng hệ lại làm "con đường tắt" đưa máu đến phổi. Tuy nhiên, khi cơ thể trẻ càng phát triển "con đường tắt" không đáp ứng được nhu cầu cung cấp máu tới phổi nên cần can thiệp để trẻ phát triển bình thường.

 Chị H. với con gái nhỏ vừa thoát cửa tử.
Cần chú ý những dấu hiệu bất thường nhỏ nhất ở trẻ

Theo lời kể của chị H. thì gia đình cháu A. không hề biết con mình bị bệnh tim bẩm sinh vì cháu vẫn ăn, ngủ và phát triển như trẻ bình thường (cháu 5 tháng nặng 7kg). Trong 5 tháng qua, cháu không có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng cháu có khó thở, tím tái khi ho. Gần đây, cháu ho nhiều, khó thở, gia đình có điều trị cho cháu tại nhà một tuần không đỡ mới đưa đến bệnh viện tỉnh Hưng Yên thì được cấp cứu đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS. Dũng cho biết, những biểu hiện bệnh ở trẻ nhỏ thường rất mờ nhạt, không điển hình hoặc có thể cùng một dấu hiệu nhưng của nhiều nguyên nhân khác nhau nên tốt nhất cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, dù rất nhỏ để trẻ có cơ hội được chẩn đoán và điều trị kịp thời. TS. Dũng cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, trong vòng ba tháng đầu sau sinh thì khám 1 tháng/1 lần, tiếp đó 3 tháng/ lần.

Sàng lọc sơ sinh cần được mở rộng

Cháu A. là một trong những trường hợp mắc dị tật tim bẩm sinh phức tạp ít ỏi được cứu sống nhờ sự tiến bộ của y học, nhưng cũng nhờ một phần lớn vào sự "ứng cứu" kỳ diệu của cơ thể trong những tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm thông qua sàng lọc sơ sinh, A. sẽ không phải trải qua một cuộc đại phẫu khi còn quá nhỏ (A. là trường hợp nhỏ tuổi nhất được đặt stent tại Khoa Nhi - BV Bạch Mai) vì trường hợp của A. nếu được phát hiện ngay sau sinh có thể điều trị bằng thuốc để động mạch không đóng lại và cũng sẽ tiết kiệm chi phí cho gia đình. Hiện nay, sàng lọc sơ sinh mới chỉ được thực hiện tại một số cơ sở y tế lớn nên số trẻ được khám là không nhiều và cũng sẽ còn nhiều trẻ bị dị tật bẩm sinh bị bỏ sót. Theo PGS.TS. Dũng thì chỉ cần thông qua khám lâm sàng đã có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh thì có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như siêu âm để hỗ trợ chẩn đoán.  Ở các bệnh viện tuyến dưới nếu nghi ngờ trẻ có dị tật bẩm sinh phức tạp mà không đủ trang thiết bị hay vượt quá khả năng chẩn đoán, điều trị cần chuyển ngay bệnh nhân đến tuyến cao hơn để trẻ được điều trị đúng lúc và kịp thời.

Bài và ảnh: Nguyễn Lê Phương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]