Huyết khối tĩnh mạch mạc treo - Bệnh dễ nhầm, hay tái phát

Huyết khối tĩnh mạch mạc treo chỉ chiếm khoảng 5 - 15% tổng số các trường hợp huyết khối mạch máu mạc treo nói chung nhưng tỷ lệ tử vong lại có thể tới 50% do chẩn đoán khó khăn và số bệnh nhân bị tái phát chiếm tới 60%.

15.5925

Huyết khối tĩnh mạch mạc treo chỉ chiếm khoảng 5 - 15% tổng số các trường hợp huyết khối mạch máu mạc treo nói chung nhưng tỷ lệ tử vong lại có thể tới 50% do chẩn đoán khó khăn và số bệnh nhân bị tái phát chiếm tới 60%.

Ai dễ bị bệnh?

Cho đến nay, khoảng 75% số ca huyết khối TMMT là tìm được nguyên nhân. Hàng đầu trong số này là tình trạng rối loạn đông máu di truyền hay mắc phải (thiếu hụt yếu tố kháng thrombin III, thiếu hụt hai chất chống đông tự nhiên của cơ thể là protein C và S...) hoặc ở bệnh nhân ung thư (có tình trạng tăng đông dễ hình thành huyết khối tĩnh mạch trong đó có TMMT) hay do các viêm nhiễm trong ổ bụng (viêm tụy, viêm phúc mạc, viêm túi thừa ruột non...), sau phẫu thuật (phẫu thuật ổ bụng, cắt lách...), xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nguyên nhân huyết khối TMMT do uống thuốc tránh thai chiếm từ 9 - 18% trong tổng số các ca ở những phụ nữ trẻ. Các bệnh lý về máu như bệnh đa hồng cầu, cơn đái huyết sắc tố kịch phát về đêm; chấn thương bụng kín; hội chứng giảm áp...cũng có thể là những yếu tố khởi phát sự hình thành huyết khối TMMT.

Huyết khối gây tắc mạch làm hoại tử ruột.

Dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác

Gần như tất cả các trường hợp huyết khối TMMT là ở TMMT tràng trên, rất hiếm khi gặp ở TMMT tràng dưới. Người ta chia huyết khối TMMT ra làm 3 cấp độ: cấp, bán cấp và mạn tính. Huyết khối TMMT cấp tính xảy ra đột ngột với những cơn đau bụng dữ dội, nôn mửa, ăn uống không tiêu, đại tiện máu, bụng chướng căng, biểu hiện của viêm phúc mạc, nhồi máu ruột non, sốt cao liên tục. Nặng hơn có thể có tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc, tình trạng sốc nặng và khi tiến triển lên với suy nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, gan, rối loạn đông máu..., bệnh nhân sẽ tử vong. Thể huyết khối TMMT bán cấp diễn biến trong vòng 1 tuần với triệu chứng đau bụng là chủ yếu. Ở thể này cũng không có nhồi máu ruột và viêm phúc mạc cũng như các triệu chứng biểu hiện nhẹ hơn thể cấp tính. Thể mạn tính có thời gian tồn tại dài hơn bằng những cơn đau bụng không điển hình và hay kèm huyết khối tĩnh mạch lách hoặc tĩnh mạch cửa. Nhìn chung, biểu hiện của huyết khối TMMT là rất không điển hình và không đặc hiệu nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác trong ổ bụng như viêm phúc mạc, viêm ruột, viêm dạ dày, viêm tụy cấp...

Chẩn đoán huyết khối TMMT dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm thấy lactate tăng cao và tình trạng toan máu nhưng chỉ ở giai đoạn muộn. Siêu âm doppler có thể thấy hình ảnh huyết khối trong TMMT. Chụp CT ổ bụng rất có giá trị trong việc xác định có huyết khối TMMT hay không với độ nhạy lên tới 90%. Chụp cản quang TMMT và nội soi thăm dò ổ bụng cũng có thể được áp dụng trong một số trường hợp khó chẩn đoán.

Điều trị huyết khối tĩnh mạch mạc treo thế nào?

Điều trị nội khoa sẽ được chỉ định nếu chưa có dấu hiệu nhồi máu ruột. Chống đông máu bằng heparin được áp dụng cho tất cả các trường hợp. Dùng kháng sinh khi bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Các biện pháp điều trị hỗ trợ như đặt ống thông dạ dày hút liên tục, bù nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch 100% để cho ruột được nghỉ ngơi cũng mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.

Phẫu thuật được chỉ định trong những trường hợp huyết khối TMMT có biến chứng viêm phúc mạc, nhồi máu ruột non hoặc ruột bị hoại tử nhiễm khuẩn nặng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được hồi sức tích cực, đặc biệt là điều trị tình trạng suy đa tạng và điều trị nội khoa để hỗ trợ qua cơn hiểm nghèo.

Tóm lại, huyết khối TMMT là một bệnh khó chẩn đoán trên thực tế lâm sàng. Vì vậy, cần chú ý phân biệt ngay với những bệnh khác trong ổ bụng khi có dấu hiệu nghi ngờ vì trong đại đa số các trường hợp, việc phát hiện ra huyết khối TMMT thường là ở giai đoạn muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

TS.BS. Vũ Đức Định


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]