Không nên "lợi dụng" trường công để kinh doanh

Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, trong khi chưa đủ điều kiện bao cấp, Bộ GD&ĐT nên tách biệt hoàn toàn các mô hình, không nên nhập nhằng, lẫn lộn công tư trong một trường học công lập.

15.606

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, một trường công lập phải tuân thủ đầy đủ những quy định của hệ thống giáo dục quốc gia, nghĩa là tuân thủ theo tiêu chuẩn chung cho tất cả. Ngoại trừ một số trường chuyên sẽ được hưởng theo chế độ đào tạo khác nhau. Ví dụ trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam mỗi năm Nhà nước đầu tư 17 triệu đồng 1 học sinh để đầu tư vào trang thiết bị dạy học, trong khi đó mức đầu tư ở công lập bình thường thì mỗi năm chỉ được 4 triệu đồng.

PGS Văn Như Cương

Theo quan điểm của PGS Văn Như Cương, không thể dựa vào tiền của cá nhân để đầu tư vào trường công rồi biến nó thành của riêng mình được. Và nếu nhà trường để điều đó xảy ra nghĩa là huy động nguồn lực của nhân dân một cách không ổn khi chưa biết chất lượng đào tạo ra làm sao.

Không phải cứ nhiều tiền là chất lượng cao, vì ngoài trang thiết bị, vật chất còn có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. "Do đó, không thể nhập nhằng mở lớp "VIP", lớp theo kiểu tư thục ngay trong lòng những trường công để "bao biện" rằng đẩy mạnh chất lượng giáo dục được”, PGS Cương nhấn mạnh.

Bản thân những người công tác trong ngành giáo dục cũng cho rằng, khi Nhà nước chưa đủ nguồn để xây dựng các trường thành chất lượng cao thì tốt nhất là đào tạo theo mô hình độc lập. Nếu để nhập nhằng lớp "VIP" trong trường công sẽ dẫn tới hệ quả là mối quan hệ tồn tại lâu nay trong ngành giáo dục sẽ tan vỡ. Mâu thuẫn trong quan hệ trò với trò, thầy với trò... chắc chắn sẽ khó tránh khỏi. "Nếu có điều kiện thì có thể cho con học tại các trường tư thục, trường quốc tế với điều kiện tốt nhất thay vì "tư thục hóa trường công" như vậy", một hiệu trưởng trường THPT trên địa bàn Hà Nội bức xúc.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thạch, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: "Nhà nước đầu tư ngân sách cho trường công lập là đảm bảo mọi học sinh đều có một mặt bằng chất lượng giáo dục như nhau. Nếu cho phép trường công mở lớp chất lượng cao, thu học phí cao thì thực chất là lớp học tư thục nhưng cơ sở giảng dạy và lương giáo viên là do Nhà nước trả. Điều này khác gì việc dùng ngân sách của Nhà nước để kinh doanh".

Theo ông Thạch, Bộ GD&ĐT cần tách biệt hoàn toàn các mô hình, không nên lẫn lộn, nhập nhằng như vậy. Bên cạnh đó, Bộ cần đưa ra tiêu chí quy định thế nào là đào tạo chất lượng cao, điều kiện nào để được công nhận trường chất lượng cao. Nếu chỉ được trang bị máy móc thiết bị tốt, cơ sở vật chất tốt thì không thể gọi là giáo dục chất lượng cao được.

Trong giáo dục, chất lượng cao ngoài cơ sở vật chất thì quan trọng hơn thì phải có đầu vào, giáo viên và giáo trình tốt, chất lượng ra trường cao. "Chỉ có quy định cụ thể mới chấm dứt được tình trạng "tự phong" trường chất lượng cao như hiện nay", ông Thạch nhấn mạnh.

Anh Văn - Trinh Phúc


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]