“Khuyết” quỹ dành cho người khuyết tật”: Thu chẳng được, chi chẳng xong

Giadinh.net - Lập được quỹ việc làm dành cho người khuyết tật đã khó, duy trì quỹ này còn khó... gấp vạn. Chế tài không có, việc truy thu từ các doanh nghiệp không nhận người khuyết tật đang là bài toán chưa có lời giải.

15.6014
>
 
Tỉnh thu được tiền tỉ đóng vào quỹ lại không biết chi tiền ra sao cho đúng quy định. Câu chuyện về quỹ việc làm dành cho người khuyết tật vẫn còn dài.
 
Thừa quy định, thiếu chế tài
 

Các cơ sở sản xuất, đào tạo nghề cho người khuyết tật luôn khát vốn và mặt bằng sản xuất. Ảnh: Chí Cường


Đến nay, việc lập quỹ việc làm dành cho người khuyết tật mới chỉ dừng ở con số 11 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Ngành lao động các tỉnh, thành nói trên đang hàng ngày phải “đánh vật” để duy trì nguồn quỹ này do phải đối mặt với nhiều khó khăn như doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số doanh nghiệp này cũng phải chịu cảnh “chìm – nổi” vì suy thoái kinh tế. Nhưng điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng không thể truy thu khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của Nghị định 81/CP khi các doanh nghiệp không nhận lao động khuyết tật, đó chính là chưa có chế tài cụ thể. Lãnh đạo ngành lao động các tỉnh cho rằng nếu truy thu được sẽ có một khoản tiền không nhỏ vào Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật. Ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, phần lớn trong số 3.500 doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện đóng góp theo quy định. Hiện Sở mới chỉ tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đóng góp, còn xử phạt rất khó. Theo ông Thi, cần có chế tài cụ thể khi đó mới “dọn đường” cho việc thực thi tốt nghị đinh 81/CP.

Cũng là địa phương đã tiến hành thành lập quỹ nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể đưa nguồn quỹ này vào hoạt động. Ông Vũ Ngọc Ẩn, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Đồng Nai cho biết: “Quỹ được thành lập cuối năm 2006 nhưng chưa thể truy thu số tiền từ các doanh nghiệp không nhận lao động khuyết tật. Hiện quyết định thu vẫn chưa được tỉnh phê duyệt nên chúng tôi chưa thể có cơ sở để thực hiện”. Theo ông Ẩn, toàn tỉnh Đồng Nai hiện chỉ có 4/11.000 doanh nghiệp tự nguyện đóng góp, số còn lại viện rất nhiều lý do để từ chối. “Họ chất vấn chúng tôi rằng tại sao các tỉnh thành lân cận như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa thu mà tỉnh đã thu?” – ông Ẩn than thở. Chính vì nguồn thu quá ít nên Sở LĐ,TB&XH Đồng Nai vẫn chưa thể chi cho các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật theo quy định. Câu chuyện về chế tài vẫn đang được cán bộ ngành lao động Đồng Nai trông ngóng.

Có quỹ, không biết chi vào đâu(?)

Hải Dương là một trong 3 tỉnh đến nay quỹ việc làm dành cho người khuyết tật còn hoạt động. Vậy nhưng, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thuấn, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: “Quỹ ít tiền lắm, chỉ có hơn trăm triệu đồng. Thực hiện Nghị định 81/CP, Sở đã làm công văn gửi trực tiếp tới các doanh nghiệp nhưng hàng năm chỉ có vài doanh nghiệp không nhận lao động là người khuyết tật đóng tiền theo quy định. Do quỹ quá ít nên thu mấy năm nay nhưng vẫn để nguyên vì chưa biết sử dụng vào mục đích nào cho hợp lý, có hiệu quả”.

Trái ngược với Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh mỗi năm thu được một số tiền không nhỏ là 1,5 tỉ đồng từ các doanh nghiệp không nhận lao động khuyết tật theo quy định. Có tiền nhưng ngành lao động của tỉnh này cũng chưa biết phải... chi số tiền trên như thế nào. Ông Hà Minh Tâm, Chánh văn phòng Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật của tỉnh thành lập, hoạt động được 3 năm nay. Mỗi năm thu của các doanh nghiệp không nhận lao động khuyết tật từ 1,3- 1,5 tỷ đồng. Với số tiền này, chúng tôi cũng chưa biết nên chi như thế nào cho đúng”.
 
Theo quy định của Nghị định 81 và Thông tư 19, nguồn quỹ trên sẽ được cung cấp để hỗ trợ và cho vay với lãi suất thấp đối với các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất dành riêng cho người tàn tật... Cũng theo quy định tại 2 văn bản này, cơ sở dạy nghề dành riêng cho người tàn tật phải thường xuyên có ít nhất 70% số học viên là người tàn tật và cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người tàn tật phải có từ 10 lao động trở lên, trong đó có trên 51% số lao động là người tàn tật. Ông Tâm cho rằng, nếu chiếu theo 2 quy định này để thực hiện thì trên địa bàn tỉnh hầu như không có cơ sở nào đủ tiêu chuẩn, do đều có tỉ lệ lao động là người khuyết tật dưới 70% và 51%. Mặt khác theo quy định trong Thông tư 19, mức chi tối đa không quá 540.000 đồng/học viên/tháng. Trong đó chi hỗ trợ dạy nghề cho cơ sở dạy nghề tối đa không quá 300.000 đồng/học viên/tháng. Chi hỗ trợ ăn ở, đi lại là 240.000 đồng/học viên/tháng là chưa hợp lý. Ông Tâm viện dẫn, học viên học tại các cơ sở lớn mà mức chi chỉ có 300.000 đồng là không thể đủ. Với 240.000 dành cho ăn ở, đi lại cũng không thể đủ trong khi phần lớn những cơ sở nhỏ đều không có kí túc hay nhà ở cho học viên.

Cùng cảnh không biết chi tiền như thế nào cho đúng theo quy định, ông Đinh Xuân Lịch, Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở LĐ,TB&XH Gia Lai) cho biết: “Mấy năm qua quỹ thu được hơn 400 triệu đồng nhưng triển khai để chi quỹ này quá khó. Với 2.500 doanh nghiệp lớn nhỏ, cùng rất nhiều các cơ sở dạy nghề, sản xuất cho người tàn tật nhưng tuyệt nhiên không có cơ sở nào có số lao động là người khuyết tật lớn như trong quy định. Thu nhiều, không biết chi vào đâu nên từ năm nay chúng tôi không dám làm mạnh với các doanh nghiệp không nhận người khuyết tật. Họ cho rằng tiền thu thì nhiều mà không sử dụng nên chúng tôi cũng rất ngại”.
 
Công Tâm
>

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]