- Giá mà ai cũng giác ngộ như cô về phòng bệnh. Cộng đồng đỡ phải hao tổn tiền bạc và công sức, sức khỏe các cháu nhỏ cũng được đảm bảo an toàn hơn. Tránh được tử vong đau lòng của trẻ nhỏ, đem lại hạnh phúc cho các gia đình.
- Nhưng dịch bệnh khó kiểm soát như thế, ngành y tế đã phải gồng mình lên lo chống dịch, lại còn có chung tay của các ngành khác để dùng truyền thông hướng dẫn cho người dân có thêm kiến thức dự phòng và chữa chạy.

- Cô đã thấy được một biện pháp tốt có tầm “chiến lược” để phòng chống bệnh rồi đấy. Thực ra, nguyên nhân gây bệnh đã được xác định rõ, phác đồ điều trị cũng đã tương đối hoàn chỉnh và được bổ sung qua từng năm đối phó với bệnh. Bệnh tay chân miệng do Coxackievirus A16 và Enterovirus 71 gây bệnh và lây nhiễm chủ yếu. 

Cho đến nay tất cả mọi loại virus đều không có thuốc đặc trị, hơn nữa cái nguy hiểm khó lường là các loại virus đều có khả năng thay đổi đặc tính sinh học và độc tố gây bệnh thường xuyên với tốc độ rất nhanh ngay trong từng vụ dịch. Đối phó hữu hiệu với đặc tình này của virus là không khả thi trong hoàn cảnh của ta. Cách tốt nhất là không để bị lây nhiễm, không may đã nhiễm thì phải chữa chạy chăm sóc tốt hạn chế đến mức thấp nhất các triệu chứng và biến chứng của bệnh.

- Đấy là bác nói lý thuyết, chứ trẻ con nó có tự phòng được đâu.
- Vấn đề là ý thức của người lớn. Từ ông bà đến bố mẹ, trong vụ hè này cần đặt chuyện vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể thành mối quan tâm hàng đầu. Bệnh lây truyền khi bị tiếp xúc với dịch từ mụn nước vỡ ra, dịch tiết của cơ thể, nước bọt, phân… kèm theo đó là tất cả vật dụng sinh hoạt hàng ngày từ quần áo tã lót chăn gối khăn tắm đồ vải trong phòng ngủ và nhà vệ sinh cho đến đồ chơi đồ dùng. Khi trông nom cháu nhỏ ở nhà hoặc khi đón cháu từ nhà trẻ, lớp mẫu giáo về phải nhanh nhạy phát hiện những dấu hiệu bất thường của trẻ. Vào vụ dịch, bố mẹ cũng cần trao đổi cẩn thận với các cô nuôi dạy trẻ để phát hiện và cách ly các cháu kịp thời.
- Nhưng hoàn cảnh bố mẹ các cháu phải đi làm tối ngày, nhiều nhà chỉ trông chờ vào ông bà hoặc các cô “ôsin” thì khó mà theo dõi sát các cháu được.
- Không có lựa chọn nào khác khôn ngoan hơn đâu. Bố mẹ phải biết hy sinh một phần thời gian kiếm sống, chịu giảm một ít tiền thu nhập để giữ cho trẻ khỏi ốm nặng. Cố làm thêm ít tiền sẽ không đủ chi cho tiền nằm viện, tiền thuốc men và nhiều chi phí phát sinh.
- Vậy ông bà chả giúp được gì con cháu?
- Ông bà giúp bằng cách làm trong sạch môi trường sống trong nhà ngoài sân vườn, giặt giũ phơi phóng quần áo chăn màn, lau dọn sạch sẽ đồ dùng đồ chơi của cháu… Chăm nom bữa ăn cho cả nhà được sạch sẽ, đủ chất, nhiều vitamine, nhiều nước uống. Chăm nom đủ nước sinh hoạt sạch cho cả gia đình. Cô cứ làm được ngần ấy việc là giúp ích rất thiết thực cho con cháu đấy!
- Nhưng kinh nghiệm vài năm nay, các cháu có nguy cơ cao chủ yếu là do biến chứng và lây lan nhanh trong môi trường đất chật người đông.

- Rút kinh nghiệm vụ sởi vừa rồi, để phòng chữa bệnh tay chân miệng cần hết sức tránh việc tập trung các cháu đang bị bệnh và cả các cháu mới ủ bệnh chưa phát triệu chứng vào một bệnh viện chật cứng. Không nhất thiết phải đến khám ở những cơ sở có tiếng tăm nhưng bị quá tải. Thông qua các kênh truyền thông, các đường dây nóng để có tư vấn và hướng dẫn đến khám nơi thuận tiện nhất.

 Thực ra, việc chẩn đoán xác định bệnh không khó lắm, chỉ cần y tế tuyến huyện trở lên là chẩn đoán được. Bệnh này đòi hỏi hàng đầu là sự chăm sóc nâng giấc cho trẻ, giữ gìn vệ sinh thân thể đúng cách, không để bị bội nhiễm vi khuẩn gây biến chứng. Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt chống bị tiêu chảy, cho ăn đủ vitamine, uống đủ nước. Giữ gìn kiêng cữ tốt chỉ sau 7 - 8 ngày bệnh sẽ lui và tự khỏi. Tốt nhất là sau khám xác định bệnh thì chăm sóc tốt tại nhà theo đúng y lệnh của bác sĩ.