"Ma trận" những lời khuyên mua sữa

Giadinh.net - Chọn sữa đã khổ, các bà mẹ còn phải loay hoay trong "ma trận" của những lời khuyên, mà lời khuyên nào nghe cũng có vẻ chí lý vì đều xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng khốn nỗi, càng nghe khuyên nhiều, càng thấy mù mịt.

15.6088

Kết hợp sữa theo kiểu “bổ dọc, bổ ngang”

Một trong những lời đồn đại đang được nhiều bà mẹ áp dụng, là chuyện cùng lúc cho trẻ ăn 2 loại sữa kết hợp. Ví dụ 1 phần Gain + 2 phần Dielac với lý thuyết “1 phần bổ dọc, 1 phần bổ ngang”. Như trường hợp của bé Hà Thanh, từ lúc bé 2 tháng tuổi, mẹ đã cho uống  kết hợp nhiều loại sữa chỉ vì cho uống loại sữa S... thì nóng quá làm bé bị táo bón. Thế là mẹ bé kết hợp Lactogen với Friso và cháu phát triển bình thường, lên cân tốt. Giờ Hà Thanh đã hơn 1 tuổi, bé vẫn tiếp tục uống 2-3 loại sữa cùng một lúc.

Kinh nghiệm của những bà mẹ theo cách pha chế này là cho bé uống chừng 2kg loại này rồi mới chuyển qua loại khác. Nếu bé khó ăn thì pha dần từng ít một vào loại sữa chính đang dùng. Ví dụ, đang dùng sữa chính của một hãng nhưng hay gây táo bón thì pha thêm một loại sữa mát khác vào.

Thường lúc bé mới vài tháng tuổi, các bà mẹ đã cho bé tập uống một loại sữa vì hệ tiêu hóa trẻ sơ sinh, còn yếu, thay đổi hoặc pha trộn nhiều loại sữa sẽ khiến bé bị rối loạn tiêu hoá. Khi bé ngoài 1 tuổi thì có thể thoải mái hơn.

Có những đứa trẻ cùng béo như nhau, cùng tuổi nhưng cơ thể bên trong đứa thì mang tính nhiệt, đứa lại âm hoặc cùng là gầy nhưng trẻ thì gầy vì gan nóng, trẻ lại gầy vì viêm đường hô hấp mãn tính hoặc đường tiêu hoá hấp thụ kém... Một số bà mẹ chỉ cần hỏi người quen về tác dụng của một loại sữa nào đó tốt với con họ là lập tức thay đổi theo.

Xung quanh những lời đồn đại

Thực tế các loại sữa bột cho trẻ em có thành phần tương tự nhau. Đắt hay rẻ chỉ là do sản phẩm đó được quảng cáo nhiều hay ít. Các bác sĩ dinh dưỡng khuyên rằng đừng nên cho trẻ uống những loại sữa có chữ Plus hoặc Sure vì quá nhiều đạm, làm trẻ bị đầy bụng và lười ăn. Những người bán hàng cũng bảo sữa càng đắt càng nhiều đạm, nhiều dinh dưỡng, do đó trẻ kém ăn không nên dùng loại này vì chậm tiêu, không tốt.

Rồi những lời khuyên đại loại như cháu bé có lên cân hay không còn phụ thuộc vào chuyện cháu có “hợp” loại sữa ấy không. Để biết con mình có “hợp” sữa, chắc các bà mẹ phải mở phòng thí nghiệm, hoặc biến trẻ thành vật thí nghiệm.

Có người thì thắc mắc rằng: “Bé nhà em uống sữa mãi mà chẳng thấy lên cân, đi khám bác sĩ bảo thiếu chiều cao 4 cm so với chuẩn”. Hay: “Nhóc nhà em lại lười uống sữa, cả ngày cố lắm cũng chỉ được khoảng 200 ml. Làm thế nào để cháu uống sữa nhiều hơn bây giờ?”.

Mỗi bà mẹ đều đưa ra những kết luận của mình về việc phân loại sữa. Loại này táo lắm, loại kia mát... nhưng có điều chẳng kết luận nào giống kết luận nào. Chung nhất, họ vẫn chuộng sữa ngoại hơn sữa nội. Người tiêu dùng đọc báo và thấy nơi nọ, nơi kia có ý kiến về chuyện sữa của các hãng trong nước bị nhão, có chất bảo quản... nên họ “rút ra kết luận” là sữa trong nước có độ rủi ro cao hơn dùng sữa ngoại.

Không có lời khuyên hoặc đáp án chính xác cho những đứa con yêu của các bà mẹ bởi một điều giản đơn là cơ địa của mỗi đứa trẻ một khác. Các nhà sản xuất sữa thường sản xuất trên tiêu chí chung nhất của trẻ em, họ không sản xuất sữa cho riêng một nhóm hay một số ít trẻ em.    

Chung Nhi

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]