Ngáy - tiếng kêu cứu của cơ thể

Việc tiếng ngáy xuất hiện bất ngờ nhưng càng lúc càng rõ nét là dấu hiệu báo động rằng một điểm nào đó trong cơ thể đang bị trục trặc.

0

Ngáy có thể gây đột tử.
Ảnh: Godubai.

Anh Tuấn, quê ở An Giang, nặng 80 kg, đến Khoa giấc ngủ, Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP HCM khám bệnh. “Người nhà nói tiếng ngáy của tôi không bình thường như người khác mà phành phạch như quạt mo. Mỗi lần tôi cất giọng 'ca hát' về đêm là làm cả nhà mất ngủ”, anh kể.

Nhiều người lầm tưởng ngáy là âm thanh báo hiệu một giấc ngủ ngon, ngủ sâu. Thực tế, nó bị coi là bệnh và còn có thể gây đột tử. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng, Trung tâm Ôxy Cao áp TP HCM giải thích, sự xuất hiện bất ngờ nhưng mỗi lúc một rõ của tiếng ngáy là triệu chứng có trục trặc trong cơ thể, nếu không thuộc bộ máy tim mạch như rối loạn nhịp tim thì cũng thuộc hệ biến dưỡng, như béo phì.

Một khi tiếng ngáy vượt quá giới hạn nào đó về biên độ và cường độ, "nó" đã bước qua lằn ranh mỏi mệt, mà bản thân người đó còn thờ ơ. Mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh ngáy. Bác sĩ Võ Quang Phúc, Trung tâm Tai Mũi Họng TP HCM, nhắc nhở rằng nếu thấy các cháu bé ngáy to khi ngủ, trằn trọc, tiếng ngáy rít, khó thở… thì cần đi khám ngay vì có thể bị viêm VA. Càng nhỏ tuổi, nguy cơ đột tử do nguyên nhân này càng cao.

Trong một buổi trò chuyện về bệnh ngáy tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ, một thính giả đã hỏi bác sĩ Võ Quang Phúc: “Mẹ tôi thường ngáy khi ngủ. Bà mất khi ngưng ngáy vài phút. Nếu lúc ấy cấp cứu kịp thời thì có cứu được mẹ tôi không?”.

Bác sĩ cho biết, khi đã ngưng thở thì cấp cứu cũng không mang lại kết quả gì vì não sẽ chết sau khi thiếu ôxy ba phút. Việc cấp cứu có thể làm là hà hơi thổi ngạt ngay khi ngưng thở, nhưng ít có hiệu quả. Tốt nhất vẫn là điều trị ngay từ khi bắt đầu cất giọng “hát” ban đêm, vì đó là lời kêu cứu của cơ thể.

Điều trị ngáy

Ngáy làm giảm chất lượng sống, giảm trí nhớ, suy tim, thiếu ngủ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, khiến đầu óc kém minh mẫn, dễ gây tai nạn lao động, giao thông…

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng hướng dẫn: Sau một ngày lao động, nếu tiếng ngáy ồn ào hơn bình thường nhưng liên tục như “sóng biển vỗ bờ” thì đó chỉ là dấu hiệu cho thấy người đó đang tìm lại sinh lực trong giấc ngủ ngon. Ngược lại, nếu tiếng ngáy chói tai, ken két như thắng xe, hoặc như nấc nghẹn trong giấc ngủ, thở khó khăn như hụt hơi... thì nên mang “ca sĩ” đến ngay thầy thuốc để điều trị. Tại Trung tâm Tai Mũi Họng TP HCM đã có không ít bệnh nhân mang ghi âm tiếng ngáy đến cho bác sĩ dễ chẩn bệnh.

Theo bác sĩ Đặng Văn Mon, Trung tâm Medic TP HCM, cần tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngáy (do khẩu cái mềm hay khối cơ vùng hầu họng to...) để xác định cách điều trị: Thay đổi thói quen (ngủ nằm nghiêng hoặc nằm sấp), dùng dược phẩm, giảm cân, mang dụng cụ chỉnh hỉnh hàm dưới, làm vững khẩu cái mềm bằng dụng cụ, phẫu thuật....

(Theo Phụ Nữ)

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]