Dấu hiệu 'kêu cứu' của cơ thể

Bụng sôi ùng ục, các khớp xương kêu răng rắc, ngáy to như sấm, hơi thở gấp gáp... Đó có thể tiếng kêu cứu của cơ thể, dấu hiệu của bệnh tật nguy hiểm.

15.0681

Ảnh: Medafarm.

Cơ thể chúng ta như một cỗ máy, các bộ phận cũng có thể gây tiếng động do ma sát, va chạm... Có khi bạn không cần bận tâm, nhưng cũng có trường hợp bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra.

Ngáy

Bình thường: Dẫu mẹ bạn than phiền rằng bạn "kéo bễ" khi ngủ thì những tiếng ngáy của bạn cũng không có gì đáng ngại.

Nguyên nhân của nó đơn giản. Khi bạn ngủ, các cơ họng được thả lỏng, phần mô dư phía cuống họng hạ xuống, cản đường đi lên của luồng khí. Vì vậy, bạn phải hít sâu hơn khiến mô này rung động, tạo thành tiếng ngáy. Tư thế ngủ nằm nghiêng sẽ giúp bạn đẩy phần mô dư lên, hạn chế được tiếng ngáy.

Bất thường: Nếu tiếng ngáy đi cùng với hơi thở gấp gáp thì đây là tình trạng làm lượng ôxy trong máu tụt xuống. Hãy chú ý nếu bạn thở gấp hơn mười lần trong một giờ hoặc dù đã ngủ rất nhiều nhưng vẫn mệt mỏi. Có thể bạn đã bị chứng hô hấp gián đoạn trong lúc ngủ, có nguy cơ dẫn đến chứng cao huyết áp hoặc bệnh tim. Cần đến bác sĩ để được kiểm tra giấc ngủ.

Nấc cụt

Bình thường: Khi cơn nấc kéo dài không quá bốn giờ, bạn chẳng cần lo lắng. Thường thì cơn nấc cụt bắt đầu khi bạn uống soda hoặc rượu. Ngoài ra, những lúc đột ngột phấn khích hay căng thẳng, cơ thể sẽ hít nhanh một lượng khí khiến nắp thực quản bị đóng lại.

Muốn hết nấc, bạn hãy thử súc miệng bằng nước đá lạnh, thở mạnh vào một cái bao hay cắn một quả chanh. Ngoài ra, bạn có thể dùng mẹo vừa nhịn thở vừa uống bảy hoặc chín ngụm nước. Theo các bác sĩ, những kinh nghiệm dân gian này đã tỏ ra hiệu quả với một số người.

Bất thường: Khi bị nấc liên tục trong 4 giờ liền, bạn nên nghĩ đến khả năng mình có khối u hay giọt mủ ở gần tim hoặc bên trong thực quản. Cần đến gặp bác sĩ để được chụp CT lồng ngực. Nếu mọi thứ bình thường mà bạn vẫn cứ nấc cụt, có thể bác sĩ sẽ kê toa cho bạn một số thuốc như Thorazine để làm dịu các dây thần kinh chức năng này.

Ù tai

Bình thường: Khi hiện tượng chỉ kéo dài trong vòng một tuần và chẳng gây phiền toái đáng kể, bạn không cần phải bận tâm.

Một trong những thủ phạm phổ biến nhất là chiếc máy earphone liên tục "oanh tạc" vào tai. Nếu bạn giảm âm lượng xuống đến 40% hoặc nhỏ hơn và giới hạn nghe trong khoảng một giờ mỗi ngày, tiếng ù sẽ không còn nữa. Uống quá nhiều cà phê hoặc dùng nhiều hơn bốn viên Aspirin trong vòng 24 giờ cũng gây ù tai, bởi nó làm giảm lượng máu luân chuyển đến tai trong.

Bất thường: Tiếng "vo ve" cứ lì lợm đến hơn tuần lễ hoặc chỉ một tai bị ù, kèm co giật hoặc bất chợt không nghe được. Có thể bạn bị viêm nhiễm vùng tai hoặc đường tuần hoàn máu đến tai trong có vấn đề. Nguyên nhân thường là bệnh tim, bệnh về tuyến giáp, cholesterol cao hay cao huyết áp. Cần đi khám tai.

Bụng sôi

Bình thường: Nếu bụng cứ "gầm gừ khe khẽ như gấu trong hang" thì đó là lúc các cơ quan ruột co lại để chuẩn bị đón nhận thức ăn.

Bất thường: Nếu bụng bạn sôi ùng ục, hay réo vang như bộ phận định vị của tàu ngầm, có thể bao tử đang cố ý đẩy thức ăn qua một đoạn ruột rất nhỏ. Đây là dầu hiệu của triệu chứng tắc ruột.

Khi gặp tình trạng này, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ, nhất là khi có kèm theo hiện tượng trướng bụng. Còn nếu bụng vừa kêu, vừa đau, bạn nên đến thẳng phòng cấp cứu, vì tắc ruột có thể sẽ rất nguy hiểm.

Các khớp xương kêu răng rắc

Bình thường: Các khớp xương kêu thành tiếng khi bạn vặn vẹo chúng theo một hướng nào đó.

Bất thường: Khi tiếng rắc kèm theo đau đớn, sưng phồng hoặc cửu động khó khăn. Đây là dầu hiệu các xương không ăn khớp với nhau hay kẹt khớp do sụn bị nứt. Chúng cũng có thể là triệu chứng của bệnh viêm khớp mãn tính. Nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

(Theo Thế Giới Văn Hóa)

 

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]