Người bệnh còn mù mờ về thuốc

Tiền thuốc chiếm gần 60% chi phí điều trị nhưng 90% bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện không được cung cấp thông tin về thuốc mà họ đang sử dụng

15.585

Tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, số bệnh nhân dị ứng thuốc, sốc phản vệ phải đến điều trị đang gia tăng một cách đáng lo ngại. Ngoài nguyên nhân như thuốc kém chất lượng, quá thời gian sử dụng…, có đến 60% trong số đó là do tự mua thuốc về điều trị.

 
Bác sĩ Phan Tuấn Anh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của BV Bạch Mai, cho biết: “Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh đang rất phổ biến. Đáng lẽ liều dùng từ 5-7 ngày thì người bệnh mới uống 2 ngày đã dừng do thấy đỡ bệnh, dẫn tới hiện tượng lờn thuốc. Khi mắc bệnh lại, họ phải tăng liều hoặc chuyển loại thuốc khác”.
 
50% bệnh nhân dùng thuốc không hợp lý
 
GS-TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Việt Nam, cho rằng hằng năm có hàng trăm loại thuốc đưa ra thị trường nhưng rất thiếu thông tin hướng dẫn người dân sử dụng an toàn, hợp lý nên đã làm gia tăng tai biến do dùng thuốc. “Ở nhiều nước trên thế giới, thuốc chỉ bán theo đơn và được quảng cáo ở sách, tạp chí chuyên khoa y học với những chỉ định và phản ứng phụ khi dùng thuốc. Trong khi ở Việt Nam, các loại thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt… được quảng cáo tràn lan, nhiều bệnh nhân tự mua về uống rất dễ bị phản ứng, sốc phản vệ”- GS-TSKH Nguyễn Năng An cảnh báo.
 

Kiểm nghiệm chất lượng thuốc tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương


Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được công bố tại hội thảo “Đào tạo thực hành dược” do Trường ĐH Dược Hà Nội tổ chức mới đây cho thấy hơn 50% thuốc đang được sử dụng không hợp lý và hơn 50% bệnh nhân dùng thuốc không hợp lý. Việc dùng thuốc theo lời mách bảo của người khác, dùng lại đơn thuốc cũ hoặc tự chẩn bệnh rồi mua thuốc về điều trị… đang diễn ra khá phổ biến.
 

Phản ứng ngược nhiều nhất: Thuốc kháng sinh

Cục Quản lý dược cho biết những ghi nhận về phản ứng ngược của thuốc cho thấy nhóm kháng sinh chiếm nhiều nhất (gần 46%), kế đó là thuốc điều trị lao 14,7%... Một nghiên cứu tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai trên 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị cũng cho thấy trong 28 nhóm gây dị ứng thì kháng sinh chiếm 75,7%; thuốc đông y: 6%; các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm: 5,2%.

Hầu hết các chủng loại thuốc đang được sử dụng ở Việt Nam từ kháng sinh, nội tiết, thuốc bổ, giảm đau… đang được sử dụng rất thoải mái mà gần như không có thông tin cảnh báo về phản ứng có hại của thuốc. Chỉ khi nào những phản ứng ngược gây ra khiến bệnh nhân tìm đến bác sĩ thì những thông tin này mới được ghi nhận.
 
1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong
 
“Theo quy định, dược sĩ phải là người trực tiếp đứng ra bán thuốc. Thế nhưng, theo một số khảo sát cho thấy nhà thuốc ở Việt Nam rất nhiều mà dược sĩ thì rất ít, đặc biệt ở tuyến tỉnh và huyện” - đại diện của WHO bày tỏ lo ngại.
 
PGS-TS Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Bộ Y tế), cho biết năm 2010, cơ quan này nhận được hơn 1.800 báo cáo từ các BV và phòng khám trên toàn quốc nhưng không thấy ghi nhận phản hồi nào của chính người dân về những ảnh hưởng tiêu cực của thuốc.
 
Các nhà sản xuất, phân phối thuốc hầu như chỉ chú trọng đến quảng bá sản phẩm mà xem nhẹ thông tin về phản ứng có hại của thuốc. Ở nhiều BV, dù có trung tâm thông tin thuốc nhưng không có cán bộ chuyên trách hoặc kiến thức của cán bộ chuyên khoa còn hạn chế.
 
Theo Bộ Y tế, hiện kênh thông tin về thuốc đã có mặt ở 90% các BV nhưng thực tế, hệ thống này chỉ là hình thức bởi thông tin thì chưa đạt hiệu quả. Ở nước ta, tiền thuốc chiếm gần 60% trong chi phí điều trị. Thế nhưng, theo một công bố của WHO có tới 90% bệnh nhân đang điều trị trong các BV không được cung cấp thông tin về thuốc mà họ đang sử dụng. Theo cảnh báo của Trung tâm Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc: Tác dụng không mong muốn của thuốc là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân, kéo dài thời gian nằm viện và làm tăng chi phí điều trị.
Bài và ảnh: KHÁNH ANH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]