Người chị nghèo tần tảo chăm em bệnh nặng

15.5926

Mẹ bị điếc, chậm hiểu biết, bố qua đời vì ung thư phổi, chị gái đầu bị tâm thần, chỉ còn cô là lao động chính trong nhà với đồng lương chưa đến 2 triệu một tháng. Giờ đến lượt đứa em út 11 tuổi, bị bệnh nặng, liệt tứ chi, không biết đến bao giờ mới đi lại được.

Vừa kể, cô gái 21 tuổi Phạm Thị Hương, ở Tế Xuyên, Đình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội vừa nắn chân, nắn tay, xoa bóp cho cậu em trai Phạm Công Mừng bị liệt, thi thoảng lại nhăn nhó vì đau.

Hiếm có bệnh nhân nào ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lại có tập hồ sơ dày cộp như của Mừng. Vào viện cấp cứu từ ngày 19/6, trong tình trạng hôn mê sâu, liệt tứ chi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, đến nay đã hơn 3 tháng, cậu vẫn phải thở máy.

Theo lời kể của Hương, mới đầu Mừng chỉ sốt cao, co giật, sau đó liệt 2 chân, 2 tay, hô hấp. Quá trình bệnh diễn biến nặng rất nhanh, chỉ trong 2-3 ngày. Ngày đưa em vào bệnh viện đa khoa huyện khám, cô đã linh cảm có điều không hay.

"Em sợ lắm, từ trước đến nay nó vốn khỏe mạnh, ít đau ốm thế mà tự dưng lần này lại nặng thế. Đến khi chuyển viện thì em thực sự suy sụp. Đứng ngoài phòng cấp cứu, em và mẹ chỉ biết ôm nhau khóc. Ngay cả các bác sĩ khi đó cũng phải thừa nhận 10 phần thì chết đến 9, khó có khả năng qua khỏi", Hương kể lại.

Mừng sẽ phải điều trị tiếp tại viện 1-2 tháng nữa trước khi có thể xuất viện. Ảnh: N.P.

Nhưng không vì thế mà cô từ bỏ hy vọng cứu em. Suốt thời gian em trai nằm viện là bằng đấy đêm cô thức trắng trông em. Mang tiếng là chị nhưng cô không khác gì người mẹ thứ hai. Mọi việc chăm em từ tấm bé đến nay đều do một tay cô đảm nhận vì "mẹ em không biết chăm con", Hương cười nói.

Đến giờ khi bác sĩ thông báo Mừng đã qua cơn nguy hiểm, cô mới có thể thở phào nhẹ nhõm dù biết trước việc hồi phục cho em sẽ còn nhiều khó khăn.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, người trực tiếp điều trị cho Mừng cho biết, cháu bé bị viêm não - màng não - tủy, là một bệnh rất hiếm gặp, một năm chỉ có một trường hợp. Nhưng khi đã mắc thì rất nặng, virus tấn công cả vào não và tủy.

"Những trường hợp cứu được như Mừng là rất ít. Bệnh nhân hôn mê suốt một tháng, nằm viện hơn 3 tháng thì bằng đấy thời gian phải thở máy, phổi bị nhiễm trùng, rồi lại bị loét do nằm lâu...", tiến sĩ Dũng nói.

Cũng theo ông, bệnh nhân đã tỉnh, gọi, hỏi đều biết nhưng cơ quan hô hấp rất yếu, chưa thể tự thở được. Ngoài ra, Mừng mới chỉ máy được đầu ngón chân, tay, chưa co duỗi được. Việc cai máy thở về sau sẽ rất khó khăn vì bé thở máy quá lâu, thử bỏ máy một lần thì bé lại bị sốt, hôn mê lại.

"Cứu sống được bệnh nhân đã khó, việc chăm sóc, phục hồi chức năng về sau còn khó khăn gấp bội, để trẻ có thể đi lại như bình thường được có lẽ phải tính bằng năm. Có trẻ 2 năm mới tập được ngồi xe lăn, có cháu thì chết vì bị loét, nhiễm trùng do nằm lâu, thiếu dinh dưỡng...", tiến sĩ Dũng cho biết.

Dự kiến Mừng sẽ phải điều trị 1-2 tháng nữa mới có thể hồi phục được. Nhưng có lẽ điều khiến cả bác sĩ trăn trở nhất lúc này là hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn. Bố mới mất được 3 năm vì ung thư phổi, chị gái đầu năm nay 22 tuổi bị bệnh tâm thần từ nhỏ, còn mẹ năm nay gần 50 tuổi, nhưng sức khỏe yếu, bị điếc, chậm hiểu biết nên chỉ ở nhà làm ruộng.

Dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải chi trả 20% phí điều trị. Vì thời gian thở máy dài, chế độ ăn uống, chăm sóc, hậu phẫu đặc biệt, dùng toàn thuốc đắt tiền... nên số tiền phải đóng thêm lên đến trăm triệu.

"Chị gái Mừng đã viết đơn xin miễn giảm viện phí gửi bệnh viện nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể miễn giảm tiền một số loại thuốc, cho tiền ăn... Còn việc chăm sóc, phục hồi chức năng về sau cho trẻ như thế nào là tùy thuộc vào khả năng của gia đình", tiến sĩ Dũng nói.

Đến nay, gia đình Mừng đã đóng hơn 60 triệu đồng viện phí. Đó là chủ yếu là số tiền cầm sổ đỏ nhà đi cắm, cộng với tiền bán thóc, lúa, đàn lợn...

"Những gì trong nhà có thể đem bán, cầm cố thì em đã đem đi hết rồi. Tiền vay đợt chạy chữa cho bố đến giờ gia đình vẫn chưa trả hết lại, giờ đến số tiền nợ này. Suốt 3 tháng nay, em luôn túc trực ở bệnh viện nên cũng chả kiếm phụ thêm được đồng nào", Hương buồn bã chia sẻ.

Trước cô làm quét dọn cho một khu di tích, tháng cũng chỉ kiếm được 1,5 triệu nhưng vì nghỉ suốt 3 tháng liền nên họ cũng cho thôi việc. Mới lấy chồng được vài tháng thì em mắc bệnh nặng, Hương cũng đành bỏ gia đình nhà chồng mà ở viện chăm em.

"Em chưa nghĩ xa đến việc mọi chuyện sau này sẽ như thế nào. Gia đình nhà chồng may cũng thông cảm nên không nói gì. Hiện tại là như thế còn tương lai đến đâu hay đến đấy. Nhưng em đã xác định rồi, không ai bằng em mình, em sẽ chăm nó đến khi nào nó trở lại bình thường, không được 10 phần thì cũng được 7, 8", Hương nói.

Hiện bé Mừng vẫn đang nằm phòng cấp cứu, Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Độc giả hảo tâm xin liên hệ: Chị Hương, chị gái Mừng theo số điện thoại: 0922773463.  

Nam Phương

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]