Nhiều nguy cơ suy giảm sức khỏe sinh sản

LTS: Hôm nay (29-3), hội nghị khoa học và đào tạo chuyên ngành ký sinh trùng toàn quốc diễn ra tại TPHCM. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu bài viết của bà Nguyễn Thị Bích Thủy, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ TPHCM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, liên quan đến tình hình sức khỏe sinh sản của lao động nữ

0

TPHCM có 50,3% lao động nữ tham gia ở hầu hết các ngành nghề. Trong đó, trên 65% làm việc trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản, điện tử...  và hầu hết đang độ tuổi sinh sản. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, viêm nhiễm đường sinh sản, trong đó có viêm nhiễm đường sinh dục dưới ở phụ nữ, là bệnh phổ biến toàn thế giới, tập trung ở độ tuổi sinh sản và là vấn đề y tế công cộng toàn cầu. Ở nước ta, viêm nhiễm đường sinh dục dưới là bệnh chiếm tỉ lệ rất cao và đang là mối quan tâm chính về sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Nguy cơ cao với lao động ngành dệt may

Sức khỏe lao động nữ phụ thuộc rất lớn vào chế độ làm việc, thời gian nghỉ ngơi trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và những ngày hành kinh. Do đó, môi trường lao động, tính chất công việc và chính sách bảo hộ lao động cùng với đặc điểm sinh học của nữ giới là vấn đề cần được quan tâm để phòng bệnh phụ khoa.


Do môi trường làm việc đặc trưng, lao động ngành may rất cần được quan tâm về sức khỏe sinh sản. Ảnh: Vĩnh Tùng

Khảo sát về điều kiện lao động của công nhân ngành dệt may cho thấy thời gian làm việc trung bình trên 8 giờ/ngày và từ 10-12 giờ/ngày (khi tăng ca). Yêu cầu của ngành này đòi hỏi nhịp độ công việc phải nhanh. Tần số cúi của đầu và thân mình quá lớn gây chèn ép khoang bụng, lồng ngực, hạn chế lưu thông tuần hoàn hô hấp, ảnh hưởng đến kinh nguyệt và thai nghén. Nhiều cơ sở sản xuất chưa có nhà vệ sinh kinh nguyệt cho lao động nữ. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nữ xuất thân từ nông thôn, học vấn thấp nên thói quen sinh hoạt và nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế.

Không chỉ ngành dệt may mà một số ngành nghề khác cũng thường xuyên phải làm việc trong điều kiện khí hậu nóng hoặc lạnh quá, thông thoáng kém, lao động nữ không có điều kiện nghỉ ngơi và thực hiện vệ sinh cá nhân; một bộ phận lao động làm việc văn phòng nhiều giờ trong điều kiện phòng máy lạnh, ghế ngồi không thoáng khí, khi có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm không khí là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập gây nên những triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, đau rát do độ pH âm đạo mất cân bằng khi nhiệt độ xuống thấp hoặc lên cao, gây viêm nhiễm sinh dục.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh phụ khoa

Bệnh phụ khoa là các bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục nữ, bao gồm cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung) và cơ quan sinh dục trên (tử cung, vòi trứng, buồng trứng). Ngoài ra, lao động nữ là một trong những đối tượng có nguy cơ cao trong quan hệ tình dục không an toàn; thiếu hiểu biết về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; nạo phá thai, kế hoạch hóa gia đình… Đây là các vấn đề xã hội cần quan tâm.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh phụ khoa, có thể là do nhiễm virus, nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng, vi trùng… hoặc đồng thời nhiều tác nhân cùng một lúc. Bình thường, có rất nhiều nấm, vi trùng, ký sinh trùng sống trong âm đạo, trong đó có vi khuẩn có hại lẫn có lợi ức chế lẫn nhau, tạo sự cân bằng. Khi sự cân bằng bị phá vỡ, vi khuẩn có hại bùng phát quá mức sẽ gây bệnh.
Các thao tác vệ sinh sinh dục thiếu khoa học, nhận thức chưa đầy đủ về vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh khi quan hệ tình dục cũng dễ dẫn đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Những thủ thuật khi thực hiện kế hoạch hóa gia đình như nạo hút thai, đặt vòng, khâu vòng cổ tử cung, chụp cổ tử cung vòi trứng... không tuân theo quy trình vô khuẩn cũng góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh.
Hơn nữa, cơ quan sinh dục nữ thông với ổ bụng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm tử cung, vòi trứng, phúc mạc; nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại các di chứng như viêm dính vòi trứng, vô sinh, thai ngoài tử cung, sẩy thai, sinh non…

Thực tế hiện nay, một số chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với lao động nữ trong các KCX - KCN chưa được thực hiện nghiêm túc; một số doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho lao động nữ. Môi trường lao động vẫn còn ô nhiễm bụi, tiếng ồn, hơi khí độc... là những vấn đề cần nhận được sự quan tâm của hệ thống Công đoàn các cấp trong kế hoạch chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CNVC-LĐ.

Nhiều chị em phụ nữ do mắc phải một số sai lầm sau đây nên đã dẫn đến hậu quả là viêm nhiễm đường sinh dục: không vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục; không đến bác sĩ khám ngay khi có dấu hiệu bất thường; không thay quần áo lót hằng ngày; không phơi đồ lót ra nắng, không là (ủi) nên không diệt được vi khuẩn; không lau khô bằng khăn, giấy sạch sau tiểu tiện.

Nguyễn Thị Bích Thủy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]