Tránh xa khói thuốc lá

Thuốc lá chứa hơn 60% chất gây ung thư (carcinogen). Khói thuốc lá không chỉ hại người nuốt khói mà cả những người “hút ké”, gây ra hơn 15 loại ung thư (phổi, miệng, họng, thanh quản, nguy cơ gia tăng ung thư dạ dày, tuyến tụy, ruột, vú…). Cứ 3 người ung thư thì có một người là do khói thuốc lá. Tin mừng là ngưng hút thuốc lá làm giảm các tổn thương tiền ung thư và giảm dần nguy cơ ung thư phổi. Nếu việc cai thuốc lá quá khó khăn, người hút có thể tìm đến các trung tâm cai nghiện thuốc lá được thành lập tại một số bệnh viện, cơ sở y tế.

Ăn nhiều rau củ quả

Ngày nay, y học biết được ung thư và nhiều bệnh có liên quan đến nếp sống của con người. Các loại ung thư liên quan đến ẩm thực là: ung thư vú, nội mạc tử cung, ruột già, thận, miệng, họng, thanh quản, thực quản.

Một chế độ ăn lành uống sạch cho cơ thể có thể ngừa được ung thư. Chế độ ăn nên ưu tiên cho các loại rau quả tươi, hạt, củ, đậu nguyên hạt. Thực vật nên chiếm phân nửa hoặc 2/3 bữa ăn. Vì rau củ quả ít chất béo, nhiều chất xơ, nhiều chất kháng ung thư. Đặc biệt là rau trái có màu đậm sáng. Ngoài ra, nên bổ sung vào bữa ăn một số loại gia vị tốt có khả năng ngừa ung thư như tỏi, gừng, bột cà ri.

Giảm thịt đỏ và thịt chế biến

Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ăn nhiều thịt đỏ làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Cách chế biến thịt như xông khói, dăm bông có nhiều ảnh hưởng sức khỏe. Chất gây ung thư có thể được hình thành trong quá trình bảo quản thịt bằng hóa chất, phơi hay muối. Nên dùng cá, thịt gà nhiều hơn thịt đỏ (bò, heo, cừu)...

Một chế độ ăn có chất béo lành cũng giúp ngăn ngừa ung thư. Nên tránh dùng mỡ trong thịt đỏ, thức ăn từ sữa, thức ăn nhanh. Chất béo thay thế khuyến khích dùng là dầu thực vật (dầu oliu, đậu nành, hướng dương…)

Uống đủ nước

Nước kích hoạt miễn dịch, có chức năng đưa chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể, rửa sạch được độc tố (trong đó có nhiều độc tố gây ung thư). Do đó, uống đủ nước mỗi ngày là một cách làm tốt góp phần ngừa ung thư. Tuy nhiên, nước giải khát có đường, rượu, bia là những chất không được khuyến khích.

Giữ cân tốt

Dư cân, béo phì làm tăng nguy cơ nhiều loại ung thư do cơ thể sản xuất nhiều estrogen và insulin – các hormone kích hoạt ung thư. Giữ cân tốt không chỉ làm giảm nguy cơ ung thư mà còn ngừa được các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, tim mạch. Tính chỉ số BMI dựa vào mối liên hệ giữa chiều cao và cân nặng cơ thể. Cần giữ chỉ số này dưới 25.

Vận động mỗi ngày

Thể dục không những làm giảm cân dư thừa mà còn điều hòa hormone và giúp tăng cường hệ miễn dịch. Không cần tập luyện quá cầu kì, quá cật lực. Một chế độ vận động vừa phải, đều đặn (30 phút mỗi ngày) như: đi bộ, đạp xe, làm vườn, làm việc nhà, hít thở sâu… có thể giúp ngừa ung thư.

Nâng niu giấc ngủ

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã xác định, việc xáo trộn giấc ngủ có thể làm giảm lượng hormone mêlatônin do tuyến tùng điều khiển. Mêlatônin giúp các tế bào của cơ thể chống lại các chất oxi hóa, sửa chữa phân tử DNA, từ đó kiềm chế các tế bào ung thư. Mêlatônin còn giúp hệ miễn dịch tăng sản xuất các tế bào tiêu diệt ung thư. Theo nhà khoa học, một giấc ngủ lý tưởng giúp cơ thể khỏe mạnh là giấc ngủ kéo dài từ 7-8 giờ/đêm, ngủ đúng giờ mỗi đêm, thức cùng giờ vào mỗi buổi sáng.

Phòng bệnh nhiễm, tiêm vaccine ngừa ung thư

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, 20% gánh nặng ung thư của loài người là do bệnh nhiễm. 50-60% các trường hợp ung thư dạ dày có bị nhiễm vi khuẩn helicobacter pylori . Các loại virus viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV) là thủ phạm gây ung thư gan. Virus HPV là thủ phạm gây 70% ung thư cổ tử cung. Virus EBV gây ung thư vòm họng…

Hiện nay, với một số loại ung thư đã có vaccine phòng bệnh, nên lưu ý phòng bệnh với vaccine (chống HBV, HPV). Bên cạnh đó, việc kiểm tra sức khỏe định kì cũng giúp phát hiện sớm và điều trị một số tác nhân, bệnh nhiễm gây ung thư. 

Xem clip Thuốc lá - nguyên nhân của nhiều bệnh ung thư: