Những điều cần biết về bệnh bướu Wilms ở trẻ

Bướu Wilms ở trẻ xảy ra do sự tăng sinh bất thường và không thể kiểm soát của một loại tế bào, mà trong trường hợp này là tế bào nguyên bào thận.

0

Trang thông tin điện tử Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bướu Wilms còn gọi là u nguyên bào thận, là một trong những ung thư thường gặp nhất ở trẻ em. Bướu thường được phát hiện trên trẻ từ 1 đến 5 tuổi, là ung thư thận thường gặp nhất ở độ tuổi này.

Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh bướu Wilms ở trẻ

Cũng như những loại ung thư khác, bướu Wilms xảy ra do sự tăng sinh bất thường và không thể kiểm soát của một loại tế bào, mà trong trường hợp này là tế bào nguyên bào thận. Tuy nhiên, nguyên nhân xảy ra sự tăng sinh bất thường thì chưa được biết rõ.

Một số gen đột biến thường gặp trên bệnh nhân bướu Wilms đã được tìm ra. Chỉ một số nhỏ trường hợp các gen đột biến này được di truyền từ cha mẹ sang con, còn trong đa số trường hợp các nhà khoa học không tìm thấy mối liên hệ di truyền giữa các thành viên trong gia đình.

Một số yếu tố như giới tính nữ, chủng tộc da đen, trong gia đình có người bị bướu Wilms được coi là yếu tố nguy cơ, tăng khả năng bị bướu Wilms trên trẻ. Bướu Wilms cũng được phát hiện với tỉ lệ cao hơn trên những trẻ có dị tật không có mống mắt, phì đại 1 phần hoặc 1 bên cơ thể, trẻ có tinh hoàn ẩn hoặc lỗ tiểu thấp.

Hình minh họa bệnh u nguyên bào thận

Thông thường bướu Wilms được phát hiện khi cha mẹ thấy trẻ đau bụng hoặc bụng to,  hoặc bác sĩ khám thấy bướu ở bụng. Hiếm gặp hơn, trẻ có thể nhập viện vì tiểu máu hoặc tăng huyết áp, dãn tĩnh mạch thừng tinh ở bìu.

Có những trẻ hoàn toàn không có triệu chứng và dấu hiệu gì, tình cờ phát hiện khối bướu qua siêu âm bụng. Một số bệnh lý mắt ( vd đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, co giật nhãn cầu), bất thường hệ tiết niệu, bất thường tai mũi họng, chậm phát triển tâm thần có thể gặp trên bệnh nhân bướu Wilms.

Điều trị bệnh bướu Wilms ở trẻ như thế nào?

- Điều trị phẫu thuật

Theo Trang thông tin điện tử Bệnh viện K, phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị ban đầu cho hầu hết các trường hợp u Wilms. Phẫu thuật viên có trách nhiệm thực hiện lấy bỏ an toàn và toàn bộ khối u. Những yếu tố trong mổ có thể làm tác động xấu tới thời gian sống của bệnh nhân bao gồm: làm gieo rắc u ra ngoài, lấy bỏ không hoàn toàn và các biến chứng của phẫu thuật.

Lấy bỏ cẩn thận khối u không làm vỡ vỏ hoặc gieo rắc u là nguyên tắc quan trọng bởi nếu không sẽ làm tăng nguy cơ tái phát trong ổ bụng. Cắt bỏ được khối u hoàn toàn sẽ cải thiện thời gian sống.

Phẫu thuật viên không những phải lấy u nguyên phát nguyên vẹn mà còn phải đánh giá chính xác mức độ lan rộng của u. Xếp giai đoạn chính xác rất cần thiết để xác định sự cần thiết của xạ trị và sử dụng phác đồ hoá chất thích hợp.

Phương pháp phẫu thuật qua phúc mạc được coi là chuẩn hiện nay bởi đánh giá được tình trạng hạch và các cơ quan khác trong ổ bụng bao gồm cả bên thận đối diện. Các biến chứng hay gặp nhất là chảy máu và tắc ruột.

Đối với bệnh biểu hiện ở cả hai bên, sinh thiết thận hai bên và đánh giá giai đoạn cho từng thận để sau đó điều trị hoá chất là phương pháp hợp lý hiện nay. Phẫu thuật cắt thận một phần để giữ chức năng thận hiện nay đang còn tranh cãi và thường chỉ dành cho các trường hợp có một thận cà các trường hợp chức năng thận không đủ nếu cắt toàn bộ.

- Điều trị tia xạ

U Wilms là loại u nhạy cảm với tia xạ nên xạ trị được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị u Wilms. Cũng theo nguyên tắc chung của xạ trị trên trẻ em, cần phải lưu ý cả đến các biến chứng muộn.

Trường tia cần phải vượt qua đường giữa để hai bên thân các đốt sống chịu liều tia như nhau. Trẻ sẽ không cong vẹo cột sống khi phát triển. Dựa vào chụp tiết niệu có thuốc cản quang và các chẩn đoán hình ảnh khác lúc đánh giá ban đầu, xác định vị trí và kích thước thận cùng khối u.

Do vậy có thể xác định các vùng là diện u sau phẫu thuật và đặt được các giới hạn trên, dưới, bên của trường tia. Liều tia cần điều chỉnh theo tuổi, trẻ ít tuổi cần liều tia thấp hơn bởi khả năng chịu đựng của mô lành thấp hơn. Xạ trị toàn bộ phổi cũng được chỉ định cho các trường hợp di căn phổi.

- Điều trị hoá chất

U Wilms là khối u đặc đầu tiên ở trẻ em đáp ứng với thuốc hoá chất dactinomycin. Farber là người tiên phong sử dụng dactinomycin trong điều trị bổ trợ u Wilms. Các thuốc khác cũng được thấy là có hoạt tính với bệnh là vincristine với tỷ lệ đáp ứng là 63%, doxorubicin với tỷ lệ đáp ứng 60% và cyclophosphamide với tỷ lệ này là 27%.

Điều trị hoá chất trước mổ chỉ dành cho các trường hợp không mổ được (u xâm lấn rộng, không thể cắt bỏ). Chỉ định điều trị hoá chất bổ trợ và phác đồ sử dụng tuỳ thuộc giai đoạn và mô bệnh học.

Thuốc tham khảo: Vincran

Thuốc tiêm Vincristine Sulphate được dùng như là một phần của liệu pháp phối hợp trong bệnh bạch cầu cấp dòng nguyên bào lymphô (đặc biệt ở trẻ em).

Bệnh Hodgkin, u lymphô ác tính không-Hodgkin (loại dòng lymphô, tế bào hỗn hợp, dòng mô bào, kém biệt hoá, dạng hạch và dạng lan tỏa), sarcom cơ vân, u nguyên bào thần kinh, bướu Wilm's, sarcom tạo xương, u sùi dạng nấm, sarcom Ewing, ung thư cổ tử cung hay ung thư vú, u sắc tố ác tính, ung thư phổi và các bướu thuộc về phụ khoa ở trẻ con.

Thùy Linh

Nên đọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]