Nỗi buồn lớn nhất là bó tay nhìn người bệnh "ra đi"

Giadinh.net - 84 cá nhân thuộc các gia đình tiêu biểu, 99 học sinh học giỏi sẽ được tôn vinh trong Hội nghị biểu dương gia đình tiêu biểu và Học sinh học giỏi ngành Y - đó là con số khiêm tốn trong số hàng chục vạn gia đình cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) của ngành... Ai cũng có khó khăn trong cuộc sống và để vượt qua, đòi hỏi một sự nỗ lực, đôi khi là phi thường.

15.6019
Trong số báo này, Báo GĐ&XH trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số tấm gương gia đình tiêu biểu và các em học sinh học giỏi - đây là những nét chấm phá để độc giả hiểu rõ hơn những cuộc đời sau chiếc áo blouse...

Nỗi buồn lớn nhất là bó tay nhìn người bệnh “ra đi”

Mặc dù gia đình không có ai làm trong ngành y, bố mẹ định hướng cho học kinh tế nhưng BS chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Thuỷ lại đột ngột rẽ lối thi vào trường y sau khi đến thăm một người bạn bị viêm cầu thận. Tính đến nay, chị đã gắn bó với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ được hơn 16 năm.
 
BS Nguyễn Thị Thu Thuỷ sinh năm 1971, là con gái Hà Nội. Bố mẹ và 2 anh chị trong nhà đều theo nghề kinh doanh. Khi biết tin chị Thuỷ quyết định thi vào trường ĐH Y Hà Nội, mọi người trong gia đình đã rất băn khoăn bởi không biết ra trường có xin được việc hay không vì trong nhà không có ai làm nghề y. Thế nhưng, sau khi ra trường chị vẫn xin được về làm việc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ. 1 năm làm việc không lương, sau đó chị được vào chính thức.

Tại nơi làm việc, chị đã gặp người bạn đời của mình. Quê anh ở Nam Định, hơn chị 10 tuổi. Tuy không cùng khoa nhưng những ca trực đêm vất vả đã kéo 2 người lại gần nhau hơn. Đến thời điểm này, gia đình chị có 4 thành viên. Anh chị bận suốt nhưng 2 con đều rất ngoan, học giỏi. Không ít lần chị chạnh lòng khi các con hỏi: “Tại sao các bạn khác đi chơi đều có cả bố, mẹ còn nhà mình thì không?” mỗi lần như thế, vợ chồng chị lại phải cố gắng sắp xếp công việc để cùng đi chơi với các con - nhưng những lần như thế rất hiếm hoi...
 

Chị Thủy đang điều trị cho bệnh nhân.


Mặc dù làm việc trong môi trường có nguy cơ bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân rất cao nhưng cả hai vợ chồng chị Thuỷ không có ý định chuyển công tác sang bệnh viện khác, lý do bởi nơi đây có quá nhiều kỷ niệm.

Bệnh nhân nghèo gần đây nhất của BS Thuỷ là một người phụ nữ quê ở Hà Nam, lên giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội. Khi chủ nhà biết chị bị bệnh lao đã thuê taxi chở đến bệnh viện rồi bỏ mặc chị ở đó. Chị Thuỷ đã cùng các đồng nghiệp của mình vừa chữa bệnh, vừa giúp đỡ bệnh nhân sinh hoạt, ăn uống hàng ngày cho tới khi bệnh nhân tỉnh táo để liên hệ được với người nhà. 

Bệnh nhân để lại ấn tượng sâu sắc nhất với BS Thuỷ là một phụ nữ quê Hải Phòng. Khi tuyến dưới chuyển lên, bụng của bệnh nhân chướng to. Chị Thuỷ và các đồng nghiệp chẩn đoán bệnh nhân bị lao màng bụng. Tuy nhiên, sau khi điều trị tích cực 1 tháng tại khoa Lao ngoài phổi của Viện Lao và Bệnh phổi TƯ, bụng của bệnh nhân vẫn không hề xẹp.
 
BS Thuỷ nghi bệnh nhân bị ung thư buồng trứng nên đã đề nghị chuyển sang Viện Phụ sản TƯ (Viện C) để sinh thiết, nhưng bệnh nhân nhất định không chịu chuyển. Sau khi BS Thuỷ động viên, phân tích, người phụ nữ này mới chịu thu xếp hành lý chuyển viện. Sau đó, BS Thuỷ cũng xung phong lên Điện Biên tăng cường cho y tế cơ sở 1 tháng rưỡi.  Thời gian này, chị nhận được điện thoại của nữ bệnh nhân trên cho biết mình đã làm sinh thiết, kết quả là ung thư buồng trứng. Tiếp đó, bệnh nhân này được chuyển về Hải Phòng. Khi trở lại Hà Nội, công việc bận rộn lôi cuốn, BS Thuỷ đã quên bẵng câu chuyện về người bệnh này.

Một đêm rất khuya năm 2008, điện thoại di động của BS Thuỷ đổ chuông. Đầu dây là tiếng một người phụ nữ rất nhỏ, giọng thều thào, chị này nói mình có thể không qua khỏi. Người này cảm ơn BS Thuỷ đã giúp đỡ trong thời gian điều trị ở bệnh viện. Mặc dù người ở đầu dây nói rất nhỏ nhưng BS Thuỷ vẫn nhận ra đó là bệnh nhân bị ung thư buồng trứng. Cuộc nói chuyện rất ngắn, khi BS Thuỷ chưa kịp hỏi thăm nhiều thì bên kia đã cúp máy. BS Thuỷ cố điện lại số máy vừa gọi, nhưng chỉ nghe thấy những tiếng tút dài. “Có thể bây giờ chị ấy đã không còn nữa, với tôi, nỗi buồn lớn nhất là bó tay nhìn người bệnh “ra đi” – BS Thuỷ  chia sẻ.
 

Chị Trần Thị Thảo sinh năm 1963 - 2 lần Giải Nhất hội thi “Y tá - Điều dưỡng giỏi, thanh lịch toàn Bệnh viện”, (1992, 1995); 2 lần Giải Ba “Y tá - Điều dưỡng giỏi, thanh lịch toàn Bệnh viện” (1988, 2000); 1 Giải Khuyến khích hội thi “Y tá - Điều dưỡng giỏi thanh lịch toàn quốc” lần thứ Nhất 1995; Được bình chọn là người phụ nữ xuất sắc nhất Bệnh viện giai đoạn 1995-2000.

 
Mai Thúy - Hà Thư
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]