Nỗi buồn và bệnh tật

GiadinhNet - Bệnh tật và nỗi buồn là hai thứ mà người ta hay nói với những người xung quanh nhiều nhất. Ở mức độ vừa phải thì đó là sự chia sẻ giúp vượt qua khó khăn, quá một chút lại thành sự than vãn, kêu ca.

15.6014
>
 
Nhưng nhiều khi người ta không nhận ra rằng than vãn gây ảnh hưởng xấu đến người khác và chính bản thân mình. Thậm chí, nó có thể tiêu diệt cảm hứng và sáng tạo.
 
Sống lạc quan, vui vẻ giúp bạn giải tỏa nhiều căng thẳng trong cuộc sống.

Than vãn thành bệnh

Mỗi chúng ta chắc chắn từng có lúc nào đó đã oán trách hay than phiền về một người khác hoặc than vãn với những người xung quanh về một nỗi lo âu, vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Nhưng ở một chừng mực nào đó, những lời kể lể đó chính là sự chia sẻ nỗi buồn, chia sẻ khó khăn để vợi bớt nỗi buồn trong lòng hoặc mong tìm ra những giải pháp tốt đẹp nhất.
 
Ngược lại, nếu bày tỏ một cách quá mức, quá thường xuyên những trục trặc, những vấp váp mà bạn gặp phải thì khi ấy bạn đã thành một người hay kêu ca, than vãn. Những than vãn quá mức đó sẽ chỉ khiến người xung quanh cảm thấy bạn là người yếu đuối, không tự tin, kém cỏi. Bản thân những người thường xuyên bị "trút" lên đầu những lời than vãn, kêu ca, rắc rối cũng dần dần cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, bực bội. Và chẳng ai muốn tiếp xúc nhiều hay gần gũi với những người hay than vãn, kêu ca, ngoại trừ những người ưa than trách, kể lể.

Một trong những vấn đề mà người ta hay kêu ca, kể lể nhiều nhất là bệnh tật và nỗi buồn. Có những người mắc hội chứng luôn kể lể về những nỗi buồn, những vấp váp, khó khăn trong cuộc sống của mình. Cơn giận dỗi với người bạn đời cũng khiến họ bặm môi, dậm chân kể lể ròng rã hết ngày này qua ngày khác với những người xung quanh. Có những người mắc phải chứng bệnh khó chữa nào đó thì lại luôn tỏ ra bi quan và lúc nào cũng kể về bệnh tật đó. Họ nói nhiều đến nỗi không nhận ra rằng mình đã sa đà vào sự than vãn chứ không phải là sự chia sẻ cảm thông. Lúc đó, những người xung quanh sẽ nghĩ bạn thật là yếu đuối và cần sự thương hại của người khác.

Theo các chuyên gia tâm lý, thực chất, sự than vãn sẽ không thể cải thiện được tình trạng thực tế. Thậm chí, còn khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi tâm trí ta cứ tụt lùi mãi với những phiền muộn hay oán trách.
 
Theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý Lê Thị Hiền (Trung tâm tư vấn 1900585868) nếu thay đổi được hoàn cảnh cho tốt hơn hãy cố gắng thay đổi bằng tất cả nỗ lực của bản thân. Nhưng nếu biết chắc là không thay đổi được bằng bất kỳ cách nào thì hãy đừng để chúng ảnh hưởng đến tinh thần của bạn. Bởi thật vô nghĩa khi phải đau khổ, giận hờn, oán trách vì những vấn đề mà ta không kiểm soát được, không thay đổi được.
 
Nhưng thực tế, đôi khi sự quan tâm thái quá đến những thiệt thòi, ức chế thì tinh thần ta sẽ không còn khách quan để vượt qua những khó khăn. Khi đó, tốt hơn hết là hãy chuyển sự quan tâm đến những vấn đề khác hay làm một việc gì đó có ý nghĩa với bản thân và gia đình, như vậy tinh thần của chúng ta dần dần sẽ tốt hơn lên. Bởi đơn giản là sự than vãn về hoàn cảnh sống không bao giờ giải quyết được những thách thức của cuộc đời. Thậm chí, nếu than vãn, kêu ca về tất cả mọi thứ thì nó sẽ giết chết cảm hứng và sự sáng tạo lớn lao trong tâm hồn mỗi con người.
 
Ảnh minh họa.
 
Đừng tự thương hại bản thân
 
Danh ngôn nổi tiếng thế giới từng có câu, đại ý: Sự lo phiền, suy nghĩ tiêu cực cũng như những thói xấu, lớn lên nhờ được nuôi dưỡng, dung túng. Với những người hay có thói than vãn thì chỉ cần một cơn mưa bất ngờ đổ ập xuống trong trời nắng ráo cũng khiến người ta thốt lên những lời kêu ca buồn chán. Những lời kêu ca từ cả những việc nhỏ nhặt như vậy sẽ khiến những người xung quanh nghĩ đó là một người yếu đuối, không thể đối phó với vô vàn biến cố, khó khăn trong cuộc đời, trong sự nghiệp.
 
Các nhà tâm lý phân tích rằng, những người hay kêu ca thường thiếu một tầm nhìn bao quát về mọi việc. Họ thường chỉ quan tâm đến những vấn đề, sự việc vặt vãnh và thường quan trọng hóa chúng lên thành những sự việc to tát, nghiêm trọng. Từ việc nâng quá mức bản chất vấn đề hay sự việc khó khăn nào đó, họ lại quay ra thương hại cho chính bản thân mình.
 
Cảm xúc tự thương hại chính bản thân mình bề ngoài là một cảm xúc hoàn toàn tự nhiên mà hầu như ai cũng có đôi lần trải qua. Nhưng trong khi những người ít kêu ca, than vãn thường làm chủ rất nhanh cảm xúc tự thương hại bản thân, để chú ý đến những điều thực sự có ý nghĩa sống còn trong cuộc sống, thì những người hay than vãn lại thường chìm đắm triền miên trong những cảm xúc tiêu cực. Và rút cục, những cảm xúc thương hại bản thân chỉ làm chúng ta thêm hèn yếu và trở nên thiếu sáng suốt.
 
Có thể trong cuộc sống có muôn vàn những điều bất trắc, có những lúc ta thực sự cần phải kêu ca một chút, than vãn một chút. Đó cũng là lẽ thường ở mỗi người. Nhưng quan trọng là sau đó, chính ta phải nhận ra vấn đề của mình và đối diện với sự thật để tìm ra giải pháp. Sự im lặng và trầm tĩnh vượt qua mọi chuyện, ban đầu có thể khiến ta cảm thấy mệt nhọc và vất vả nhưng điều đó sẽ giúp ta trở nên bản lĩnh hơn trước bất kỳ sóng gió nào của cuộc đời.
 
Tất nhiên, có những hậu quả tinh thần xảy đến một cách đau đớn hay một khó khăn lớn trong đời mà ta vẫn cần sự giúp đỡ, chia sẻ của người thân và bạn bè để vượt qua. Trong những trường hợp được coi là chia sẻ đó, thì những động viên, giúp đỡ từ những người thân thiết có giá trị vô cùng to lớn, giúp ta vượt qua được khó khăn.
 
Các nhà tâm lý phân tích rằng, không hề có một khuôn khổ nào quy định các cách để vượt qua nỗi đau đớn, sự tổn thương hay nỗi buồn nhưng có một giải pháp tốt nhất, giải pháp đầu tiên nhất chính là hãy dùng hết sức mình để giải quyết một cách đúng đắn nhất. Chỉ có sức mạnh nội tại trong tâm hồn mới là liều thuốc hữu hiệu nhất, nhanh nhất chữa trị cho nỗi buồn của chính chúng ta. Khi ấy, hãy suy nghĩ về những cơ hội may mắn trong hiện tại và tương lai, chứ không phải là về những bất hạnh trong quá khứ.
 

Hãy chia sẻ những điều lạc quan

Một trong những giải pháp mà các chuyên gia tâm lý khuyên làm để tránh những cảm xúc tiêu cực, tránh gây ra những lời than vãn ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh là, hãy thường xuyên chia sẻ với mọi người bằng những câu chuyện lạc quan. Đó không phải là cách chúng ta "làm ngơ" trước những vấn đề mình đang gặp phải mà đơn giản là cách để chúng ta ngừng than thở.

Nếu cảm thấy mệt mỏi, thay vì kêu ca với mọi người về sự mệt mỏi đó thì bạn hãy nghỉ ngơi, ăn uống, làm việc điều độ và thư giãn một chút để lấy lại được sức khỏe và sự hưng phấn. Bởi cho dù bạn có than vãn, kêu ca cả ngày thì sự mệt mỏi đó cũng không bao giờ tự hết, mà chúng chỉ làm cho bạn trở nên đáng thương hơn mà thôi. Chưa kể, khi bạn kêu ca, than vãn thì sẽ có những người chẳng hề quan tâm chút nào, nghe tai này ra tai kia; thậm chí có những kẻ còn đắc chí trong lòng vì bạn đã vướng phải những phiền muộn, rắc rối đó. Và rút cục, sự kêu ca, than vãn chẳng giúp ta thoát khỏi vấn đề đang vướng phải mà còn khiến ta thành trò vui cho một số người xung quanh. Thay vào đó, hãy chia sẻ những câu chuyện vui, lạc quan. Như vậy, bạn đã mang lại cho chính mình và những người xung quanh sự vui vẻ, yêu đời.

Bảo Vân

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]