Phòng bệnh cúm ở trẻ

SKĐS - Con tôi 4 tuổi, rất hay bị cúm, nhất là khi thời tiết thay đổi. Xin bác sĩ tư vấn cách phòng bệnh cúm hiệu quả và bệnh này có thể gây biến chứng nguy hiểm không?

0

Con tôi 4 tuổi, rất hay bị cúm, nhất là khi thời tiết thay đổi. Xin bác sĩ tư vấn cách phòng bệnh cúm hiệu quả và bệnh này có thể gây biến chứng nguy hiểm không?

Lê Thu Hải (Yên Bái)

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh và dễ bị các biến chứng liên quan đến cúm. Khi trẻ bị cúm cần phải được điều trị sớm, nếu trẻ bị sốt có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, súc miệng bằng nước muối, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorid 0,9%. Có thể điều trị tại nhà nhưng dưới sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ.

Bệnh cúm ở trẻ em nếu không được điều trị ngay, để nặng dễ dẫn tới những biến chứng như: viêm phổi tiên phát và thứ phát, trong đó viêm phổi tiên phát là nặng nhất với triệu chứng khó thở, thở gấp, tím tái, khạc đờm có khi lẫn máu, có thể nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp, suy tuần hoàn...

Bệnh cúm dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, nhất là trong các phòng kín, tập trung đông người như phòng học, phòng họp, nhà ga, bến xe, chợ, siêu thị... Để phòng bệnh, cần đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng, khi tiếp xúc với bệnh nhân cúm. Thường xuyên rửa tay mỗi khi tiếp xúc với đồ vật nơi công cộng như tay cầm chốt cửa, vòi nước, dụng cụ lao động hoặc các đồ vật của người bệnh bị cúm... Giữ ấm cơ thể: cần mặc quần áo ấm, chú ý giữ ấm vùng cổ ngực bằng cách quàng khăn khi trời lạnh, tránh bị ướt, dầm nước trong thời tiết lạnh. Súc miệng, họng bằng nước sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý. Tránh hoặc hạn chế đến những nơi đông người hoặc nơi có dịch bệnh. Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ, chú ý không bỏ bữa sáng. Khi có triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, đau mình mẩy, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS. Hồng Hà

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]