Quyết chiến với ung thư để được làm cô giáo

Mất một mắt, bị ung thư máu và đủ bệnh kèm theo, dứt lòng chia tay người yêu vì bệnh tật... nhưng Lê Thị Minh Nguyệt chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buông xuôi. Cô quyết chữa khỏi bệnh để được sống và thực hiện khao khát lớn của đời mình: đứng trên bục giảng.

0

Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí khám và tư vấn cho Nguyệt sáng 15/7. Ảnh: T.N.

Đỗ cả 3 trường đại học với điểm cao, nhưng Lê Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1984, quê Quốc Oai, Hà Tây) đã chọn Đại học sư phạm Hà Nội 2 vì luôn mơ ước trở thành cô giáo dạy toán. Đầu 2007, khi sắp làm khóa luận tốt nghiệp thì cô gái nằm trong top 5 sinh viên giỏi nhất khóa này được phát hiện có u ở hốc mắt trái, phải mổ.

Đối với Nguyệt lúc đó, điều đáng sợ nhất chỉ là không đi thực tập và viết khóa luận được, nên cố xin bác sĩ thu xếp thời gian mổ sao cho phù hợp. Nhưng rồi những cơn đau nhức ngày một tăng đã khiến cô thực tập sinh phải bỏ dở những ngày đi dạy để lên bàn mổ. Và thực tế ghê gớm hơn tưởng tượng, khiến Nguyệt kinh hoàng: Mắt trái cô không cứu được, phải múc bỏ. Chưa hết, kết quả xét nghiệm cho thấy đó khối u là ác tính.

Được các bác sĩ chuyển từ bệnh viện mắt sang Viện Huyết học & truyền máu Trung ương, Nguyệt nghĩ mình chỉ bị thiếu máu. Những ngày mệt mỏi vì phải truyền hóa chất trở nên nhẹ nhàng hơn khi cô biết khóa luận của mình được chấm điểm 10 dù không thể trực tiếp bảo vệ. Nhưng niềm vui thật ngắn ngủi.

Một hôm, vô tình nhìn góc đơn thuốc, thấy ghi "Khoa Ung thư máu", Nguyệt bàng hoàng không tin ở mắt mình. Những ngày sau đó, cô tìm đủ lý do để biện minh là mình không mắc bệnh đó. Đến một ngày khi đi siêu âm và chụp tim phổi, cô đọc tờ giấy của bác sĩ, thấy ghi chẩn đoán bệnh bạch cầu cấp dòng tủy: "Tôi lặng người, mặt mày tím tái. Bạch cầu cấp nghĩa là ung thư máu rồi còn gì!".

Tiếp theo là những đợt truyền hóa chất triền miên khiến cô gái nhỏ mang tên vầng trăng thấy mình kiệt quệ, đến nỗi Nguyệt kinh sợ cái màu đỏ của bịch hóa chất. Bây giờ hễ cứ nhìn thấy màu đỏ ấy là cô bủn rủn cả chân tay. Rồi các bệnh dạ dày, sỏi mật, viêm gan... nối nhau xuất hiện. Nguyệt hỏi các bác sĩ, được biết rằng với bệnh ung thư của cô, chỉ có thể kéo dài cuộc sống bằng hóa chất. Nếu ra nước ngoài ghép tủy, cô có cơ may khỏi, nhưng chi phí thì không thể với tới.

Dứt tình, nhưng không bỏ sự nghiệp

Trong những ngày nằm viện, Nguyệt tận mắt chứng kiến bao nhiêu cuộc tử biệt sinh ly: Nhiều người bị bệnh viện trả về, nhiều người do truyền hóa chất mà bị hỏng phổi quá nặng, không còn khả năng cứu chữa... Những giường bệnh xung quanh cô thường xuyên được đón người mới, đồng nghĩa với việc có những người cũ ra đi...

Nguyệt nghĩ rất nhiều đến sự sống và cái chết, đến tương lai của mình. Người yêu cô lúc đó là bộ đội công tác xa và chỉ biết cô bị ốm. Anh liên tục đòi về thăm nhưng Nguyệt tìm mọi cách khước từ. Không muốn anh thiệt thòi khi gắn bó với mình, cô liên tục đổi số điện thoại và rồi đã cắt được liên lạc.

Những ngày đầu, Nguyệt buồn và nhớ vật vã, thỉnh thoảng lấy thư cũ của anh ra đọc, hoặc viết nhiều thư, tin nhắn cho anh dù không gửi đi. Về sau, cô buộc mình phải làm quen với cảm giác trống vắng đó và nhờ bạn bè đã làm dịu đi nỗi cô đơn.

Nhưng có một điều Nguyệt quyết không từ bỏ, đó là cuộc sống và nghề giáo. Kiên trì truyền hết 4 đợt hóa chất, ngay khi khám lại có kết quả khá hơn, cô xin đi dạy ở trường cấp 3 trong xã. Chưa lên lớp buổi nào, cô giáo trẻ đã lại đổ bệnh. Trong những ngày nằm viện, cô liên tục hỏi bác sĩ liệu có thể xuất viện trước thứ 2 để kịp lên lớp không.

Và mong đợi đó thành hiện thực. Nguyệt đã đứng trên bục giảng truyền tình yêu môn toán cho bao học trò. Được một thời gian, bệnh lại tái phát, khiến cô phải chia tay học sinh để điều trị, nhưng cô giáo trẻ tin chắc mình sẽ quay lại.

"Tôi không tuyệt vọng đâu, vì Phật dạy tài sản lớn nhất của con người là sức khỏe, nhưng phá sản lớn nhất của đời người là sự tuyệt vọng" - Nguyệt viết trong cuốn tự truyện mà cô vừa hoàn thành. 

Chuẩn bị cho "trận đánh" lớn nhất với bệnh ung thư

"Nguyệt còn ở trên đời đến bây giờ một phần cũng nhờ khát vọng sống mạnh mẽ của em. Nguyệt có quyết tâm sắt đá trong việc điều trị, tưởng như không điều gì có thể khiến em từ bỏ hy vọng được sống" - tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, nói.

Cô gái có giọng nói nhỏ nhẹ và dáng điệu trầm tĩnh này khiến tiến sĩ Trí khâm phục bởi nhiều bệnh nhân của ông khi biết bị ung thư máu đã ngã lòng tìm đến cái chết, gần đây nhất là một trường hợp thắt cổ tự tử. Còn Nguyệt, ngay cả khi nghĩ bệnh của mình không chữa được, cô vẫn tâm niệm sẽ có ngày khoa học tìm ra cách, để tình yêu và sự nghiệp trở về với cô.

Chính vì thế mà Viện Huyết học & Truyền máu đã chọn Nguyệt làm bệnh nhân của ca ghép tế bào gốc máu đồng loại thứ hai, hoàn toàn miễn phí. Các bác sĩ cho rằng niềm tin và lòng ham sống của em sẽ làm tăng khả năng thành công.

"Em biết rằng mình sẽ vượt qua ca ghép sắp tới để chiến thắng bệnh ung thư máu, tiếp tục sống và gặp gỡ học trò của mình", Nguyệt cười nhẹ nhõm. Còn các bác sĩ thì tin rằng, ngay cả nếu ca ghép không thành công, cô gái ấy cũng sẽ quý từng ngày còn lại của mình và cố gắng chiến đấu đến giây phút cuối.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí cho biết, để chuẩn bị cho ca ghép tế bào gốc, Nguyệt cần có 300 người thuộc nhóm máu B hiến máu. Những người hảo tâm có thể liên hệ với Viện Huyết học & truyền máu Trung ương (78 đường Giải Phóng, Hà Nội, ĐT: 04 8686008).

Độc giả có thể chia sẻ với Lê Thị Minh Nguyệt qua email: [email protected].

Hải Hà

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]