Rút ngắn đường về Hà Thành cho đặc sản mọi miền

Trong bối cảnh thị trường nông sản thực phẩm tại các đô thị bị đe dọa bởi quá nhiều hiểm họa từ các loại rau củ quả ngoại lai không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng ngày càng hướng về những sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền trong nước. Tuy nhiên, hành trình để đưa hàng nông sản từ nông thôn lên các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội lại không hề đơn giản.

15.5949

Hoa quả vùng miền được bán tại các siêu thị Hà Nội

CôngThương - Hoạt động xúc tiến thương mại trăn trở tìm giải pháp

Ngoài các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như lúa, ngô, khoai, sắn, những năm qua nhiều khu vực tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã hình thành các vùng rau, hoa sản xuất hàng hóa chất lượng cao như: Mộc Châu, Mường La (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn, Quản Bạ, Bắc Quang (Hà Giang) cung cấp cho Hà Nội và các địa phương khác. Các dự án trồng mới cây có múi theo hướng VietGAP cũng được triển khai tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, góp phần thúc đẩy hình thành những vùng sản xuất cây có múi hàng hóa theo hướng thâm canh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/héc-ta/năm và tạo sản lượng hàng hóa có chất lượng ngày càng tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài vùng. Thực tế, bà con nông dân phải bỏ ra nhiều công sức, song lợi nhuận thu được lại chưa tương xứng do từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khâu trung gian.

Do đó, nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của ngành nông nghiệp Thủ đô là tìm giải pháp rút ngắn đường đi của nông sản, tăng lợi nhuận cho bà con. Trung tâm XTTM Nông nghiệp Hà Nội từ đầu năm tới nay đã tiến hành thu thập thông tin về sản xuất, kinh doanh của hơn 600 cơ sở sản xuất, tiêu thụ nông sản, đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp của Thủ đô và các tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát, tổng hợp danh sách, địa chỉ các cửa hàng, siêu thị và chợ đang kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố để phục vụ việc xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị và điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Về hợp tác với các tỉnh, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm cho biết, đến nay, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với 5 tỉnh gồm Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Sơn La. Đồng thời, kết nối chuỗi tiêu thụ sản phẩm từ các địa phương về Hà Nội và ngược lại, chủ yếu là rau an toàn, thịt, trứng, thủy sản, nước ngọt...

Vẫn còn nhiều khó khăn

Việc tiêu thụ nông sản từ các địa phương về Hà Nội vẫn chưa tập trung về một đầu mối, còn nhiều chồng chéo. Theo ông Phan Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để khắc phục hạn chế này, cần khảo sát, xác định rõ chu kỳ sản xuất nông sản theo mùa để bà con nông dân không bị thương lái ép giá còn người dân nắm được nguồn gốc sản phẩm, tránh mua phải hàng kém chất lượng. Đồng thời, xây dựng các điểm bán hàng nông sản tại các quận, huyện, thị xã, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp để giảm bớt khâu trung gian. Cần tổ chức các sàn giao dịch điện tử về nông sản và vật tư nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, để góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đưa sản phẩm nông sản miền núi về xuôi, nhất là thủ đô Hà Nội - một địa bàn tiêu thụ lớn, các địa phương miền núi phía Bắc cần tổ chức, hoặc tham gia nhiều hơn nữa các Hội chợ nông nghiệp – thương mại ngay tại Thủ đô Hà Nội để trưng bày, giới thiệu những đặc sản của địa phương.

Đã có nhiều ý kiến, giải pháp để "mở cửa" thị trường đô thị, nhưng cuối cùng, sự nỗ lực vẫn là người sản xuất nông sản, cộng thêm hỗ trợ của các nhà phân phối. Bà con cần nắm bắt đầy đủ các thông tin minh bạch và tìm được những nhà phân phối có uy tín, đây sẽ là chiếc cầu nối thật sự hiệu quả, ít tốn kém nhất, rút ngắn quá trình đưa hàng nông sản từ các vùng miền về thủ đô.

Bảo Thy

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]