Sai lầm 4: “Mua chuộc” quá thường xuyên
“Thiên thần Bim Bim 2 tuổi của tôi kén ăn lắm. Có lần tôi thỏa thuận nếu bé chịu ăn hết bữa trưa thì sẽ được thưởng kẹo sô cô la. Phần thưởng có tác dụng ngay tức khắc và bé nhanh chóng ăn hết gà và rau, thế nhưng Bim Bim lại đòi được ăn sô cô la vào bữa tối. Quả thật đây là sai lầm của tôi vì giờ cứ mỗi khi tôi muốn bé ăn gì là y như rằng bé đòi sô cô la hoặc kẹo. Đó là chưa kể bé còn có hành động chỉ ăn một miếng rồi đòi thưởng thì mới ăn tiếp”, chị Quyên, mẹ bé Bim Bim phàn nàn.
Điều nên làm: Các bậc phụ huynh cần phải xem xét việc dỗ con bằng biện pháp “mua chuộc” cho hợp lý, chẳng hạn như cho con đi siêu thị, xem chương trình tivi. Các chuyên gia khuyên các ông bố bà mẹ nên cố gắng tăng cường các thái độ ứng xử tốt là cách hay hơn. Ví dụ, thay vì nói “nếu con ngoan khi đến nhà bà ngoại thì mẹ sẽ mua đồ chơi cho con”, các mẹ hãy thử nói “Mẹ rất tự hào vì con của mẹ đã ngoan ngoãn ngồi yên khi cả nhà ăn tối ở nhà bà”. Và các mẹ cũng đừng xem thường sức mạnh của sự thất vọng, nếu bạn nói “Mẹ rất buồn vì con đã làm hư món quà mà ba cho con” sẽ khiến con bạn cảm thấy hành vi của bé là sai trái. Trong trường hợp này, bạn có thể cảm thấy mình là một người mẹ hay một người cha thật tệ, nhưng thực tế là bạn đang giúp con mình phát triển đúng hướng.
Sai lầm 5: Phá vỡ quy định riêng
Câu chuyện của gia đình chị Vân lại là một câu chuyện khác. Khi bé Quang nhà chị làm điều không được làm như lấy chìa khóa của mẹ hoặc lôi sách từ trên kệ xuống chẳng hạn, chị Vân thường khẽ vào tay con và nói “Không được!” với giọng khó chịu. Chị kể: “Rất có tác dụng, cho đến khi cô giáo bảo mẫu ở nhà trẻ gọi chị lên để nói về việc bé Quang có hành động đập vào tay bất kỳ ai lấy đồ chơi của bé hoặc chen vào trước hàng của bé!”. Chị Vân mau chóng nhận ra vấn đề là chị không thể nói với con rằng hành động đập vào tay bạn là sai trái trong khi chị và chồng chị đều làm điều tương tự với con. “Chúng tôi đều phải tự kiểm điểm”, chị buồn rầu nói.
Điều nên làm: Trẻ không chỉ bắt chước những hành vi xấu của bạn, mà chúng còn lấy bạn làm gương cho những điều đó. Đó là điều mà chị Trang phát hiện ra. Bé Bo 2 tuổi nhà chị biết rằng ném đồ chơi trong nhà là hành vi nằm trong “quy định cấm”. “Vậy mà một ngày nọ, anh Vinh chồng mình đã quẳng con chó đồ chơi vào phòng để khỏi vướng chân”, chị kể. “Bo lập tức yêu cầu bố phải bị cấm túc! Kể từ đó, vợ chồng bảo nhau phải cẩn thận hơn và tuân thủ đúng những quy định riêng của gia đình”, chị than.
Trẻ con học hỏi rất nhanh qua những hành động của người lớn.
Sai lầm 6: Mất tự chủ
Chăm sóc một đứa trẻ đang ở tuổi chập chững đi thích khám phá thế giới đòi hỏi rất nhiều sự nhẫn nại. Nhưng có những lúc mà chị Minh cảm thấy ngoài sức chịu đựng với bé Liên 2 tuổi ở nhà. Bà mẹ căng thẳng vì áp lực giữa công việc và chăm con này tiết lộ: “Có một lần mệt quá sức tớ không chịu nổi nữa và hét toáng lên với bé. Kết quả là bé Liên thấy mẹ hét toáng lên liền tìm cách… đẩy tớ về phòng!”
Điều nên làm: Cấm túc không chỉ dành cho trẻ em, bạn biết đấy, nó cũng có tác dụng tốt với người lớn nữa. Tốt nhất là bạn nên tự cho phép mình rũ bỏ mọi việc. Các mẹ hãy thử làm theo lời khuyên của MarryBaby nhé, đầu tiên hãy hít một hơi thật sâu, sau đó đếm từ 1 đến 10, và bạn sẽ thấy mình bỗng nhiên phạt bé… hiệu quả hơn rất nhiều. Các mẹ cũng có thể bỏ sang phòng khác nếu thấy cần, miễn là con bạn vẫn an toàn trong nôi hoặc phòng đã được đảm bảo an toàn cho bé là được. Thỉnh thoảng, việc thay đổi không gian cũng sẽ giúp bạn và con cùng dịu lại. Trong tình huống này, nếu có bạn bè, chồng bạn hay người nhà bên cạnh, các mẹ có thể nhờ họ trông chừng bé để bạn nghỉ ngơi một lúc. Nên nhớ, trẻ con là chuyên gia khiến các bậc phụ huynh phải nổi điên, nhưng nếu bạn có thể tránh để tình trạng này xảy ra, bằng cách đưa ra lời cảnh báo và sau đó phải có hình phạt thích đáng ngay, nó sẽ giúp cả bạn và con bĩnh tĩnh lại.
Linh Lan