Sinh mổ nhiều - nguy cơ nhau cài răng lược càng cao

GiadinhNet - Thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đã nỗ lực cấp cứu nhiều trường hợp sản bệnh nguy kịch,trong đó có các ca nhau cài răng lược, cứu sống được mẹ và bé đem lại niềm vui cho các cặp vợ chồng.

15.5654

BS Vũ Đăng Khoa, Phó Trưởng khoa Sản bệnh (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) chia sẻ: Bình thường các gai nhau chỉ bám đến một phần lớp nội mạc tử cung, sau khi sinh, bánh nhau sẽ bong ra một cách dễ dàng. Tuy nhiên, một số trường hợp bánh nhau không bám như bình thường mà có thể vượt qua lớp nội mạc tử cung, bám sâu và chắc vào lớp cơ tử cung, thậm chí xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột… Tình trạng này gọi là nhau cài răng lược,  là bệnh hiếm gặp. Trong vài thập niên gần đây, tỷ lệ mắc bệnh này đã tăng lên đáng kể (khoảng từ 1/2.000 đến 2.500 ca sinh). Sự gia tăng này liên quan với tỷ lệ mổ lấy thai (theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh).

Có 3 dạng nhau cài răng lược, tùy mức độ xâm lấn của bánh nhau. Mức độ nhẹ: Bánh nhau bám và xâm lấn một phần lớp cơ tử cung; Mức độ trung bình: Bánh nhau bám sâu vào lớp cơ tử cung, nhưng chưa xuyên qua các cơ quan lân cận; Mức độ nặng: Bánh nhau ăn xuyên hết lớp cơ, lớp thanh mạc tử cung và ăn lan đến các cơ quan lân cận như: Bàng quang, ruột...

Những trường hợp nhau cài răng lược sau khi sinh nhau sẽ không bong và chảy máu không cầm được nên có những nguy cơ: Băng huyết sau sinh có thể phải truyền máu, đe dọa tính mạng của sản phụ; Sót nhau gây nhiễm trùng hậu sản; Sinh non do chảy máu nhiều (thường là trong tam cá nguyệt 3 của thai kỳ; Cắt tử cung. Nếu nhau cài đến bàng quang hay trực tràng thì đôi khi phải cắt bỏ một phần bàng quang hay trực tràng mới cầm máu được…

Do vậy, khi chẩn đoán nhau cài răng lược sau lúc thai nhi ra đời, tùy sinh thường hay sinh mổ, cần nghi ngờ nhau cài răng lược nếu thấy nhau không bong tự nhiên sau khi em bé ra đời. Các bác sỹ sẽ lấy phần nhau bằng cách bóc nhau, cầm máu khi có chảy máu quá nhiều (bằng thuốc hay bằng phẫu thuật), hoặc có thể dùng thuốc tiêu diệt phần nhau còn lại. Nhưng nói chung, chẩn đoán lúc này là khá bị động, xử trí cụ thể tùy tình trạng nhau bám, tình trạng mất máu của mẹ.  Nguyên nhân gây nhau cài răng lược thường do thành tử cung nơi nhau bám bị suy yếu, không đủ dinh dưỡng nên các gai nhau phải tăng cường phát triển. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị nhau cài răng lược: Thứ nhất nhau tiền đạo: Nhau bám phần dưới của thân tử cung, vốn là nơi có lớp cơ mỏng (khoảng 1/3 tử cung). Thứ hai có tiền sử mổ lấy thai: Tỷ lệ tăng theo số lần mổ lấy thai trước đó. Mổ lần 1 tăng nguy cơ cho mang thai lần sau là 4,5 lần, mổ lần 2 tăng 11,3 lần. Nhau cài răng lược tăng khi sản phụ bị nhau tiền đạo và có sẹo mổ lấy thai. Ở sản phụ không có vết mổ cũ, nhau tiền đạo kèm nhau cài răng lược chiếm 9,4%, nhưng ở người có 1 lần mổ lấy thai tần suất là 21,1%, nếu 2 lần mổ lấy thai tỷ lệ này là 47,6%. Ngoài ra, nhau cài răng lược thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; Đẻ nhiều lần, có tiền sử nạo phá thai nhiều…

Các chuyên gia sản khoa khuyến cáo: Thai phụ bị nhau tiền đạo; Có sẹo mổ lấy thai; Tiền căn bóc nhân xơ tử cung; Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; Sinh con nhiều lần; Tiền sử nạo phá thai nhiều lần… là những đối tượng có nguy cơ cao bị nhau cài răng lược trong cuộc sinh nở. Do vậy, thai phụ cần thăm khám thai định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe mẹ và thai nhi.

Thu Sương/Báo Gia đình & Xã hội

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]