Thực phẩm chức năng - Khi nào cần?

Thị trường thuốc hiện đang có nhiều sản phẩm được gọi tên là “thực phẩm chức năng”. nhưng hầu như vẫn còn rất ít người biết tường tận về chúng trước khi sử dụng.

15.5981

Hiện nay, tại bất kỳ một tiệm thuốc tây, chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khoẻ hay siêu thị nào, người ta đều có thể bắt gặp thực phẩm chức năng (TPCN) với nhiều nhãn hiệu và tác dụng khác nhau.

 

Phòng bệnh, tăng cường sức khoẻ

 

Sản phẩm trong nước và ngoài nước đều có đủ và mặc dù có hình thức đóng gói, cách trình bày như thuốc (viên nén, viên nhộng, sủi bọt…), nhưng TPCN lại không phải là thuốc. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, TPCN không chỉ là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khoẻ.

 

Thật ra, các chất trong TPCN đều có sẵn trong thực phẩm tự nhiên, qua công nghệ bào chế được cô đặc lại, khử mùi để người tiêu dùng dễ sử dụng.

 

Không nên tự ý sử dụng

 

EGCG làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hoá, ngăn ngừa bệnh tim mạch; lycopene giảm nguy cơ một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới; chất béo omega-3 giảm nguy cơ bệnh tim mạch; chitosamin giúp điều trị bệnh thoái hoá khớp; diallyl sulfide làm giảm cholesterol máu; "viên đạm" chứa axit amin và một số vitamin B, C, E, selenium dùng ngăn chặn tình trạng lão hoá hay thậm chí bột dinh dưỡng, sữa bổ sung vitamin và nguyên tố vi lượng dùng cho người suy kiệt, người bệnh mới ốm dậy, trẻ suy dinh dưỡng.

 

Dù có ích như thế, nhưng giới chuyên môn lưu ý cần cảnh giác với TPCN vì nhiều quảng cáo của chúng không trung thực. Tại hội thảo về vai trò của TPCN cuối năm qua, một đại diện của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết hiện nay không ít TPCN đã nói quá mức tác dụng của chúng, thậm chí ca ngợi đó là một loại "thuốc kỳ diệu" có thể ngăn ngừa được những bệnh thời thượng như rối loạn chuyển hoá mỡ, tiểu đường, ung thư  dù những công dụng này chưa ai kiểm chứng.

 

Ngoài ra, theo ông Chu Quốc Lập, cố vấn Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều TPCN của VN chế biến có chất lượng nguyên liệu không đồng nhất, độ ổn định khi sản xuất và chế biến chưa đạt yêu cầu vì thế nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến "lợi bất cập hại".

 

Gần đây, trên thị trường còn xuất hiện những TPCN quảng cáo là có thể chống hấp thu chất béo, làm giảm cân, ngăn ngừa tăng cân trở lại, thu hút sự quan tâm của không ít phụ nữ. Tuy nhiên, theo ThS-BS Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Bồi dưỡng và đào tạo cán bộ y tế TP.HCM, thực tế không có một sản phẩm nào có tính năng như thế.

 

Để giảm cân, BS Yến Phi cho rằng biện pháp tốt nhất vẫn là dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục. Nếu bỏ qua những biện pháp này, dù "thuốc tiên" cũng không mang đến hiệu quả mong muốn, chưa kể còn lãnh thêm những hậu quả tai hại.

 

Khuyến cáo của chuyên gia

 

Tuy TPCN không phải là thuốc, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo người tiêu dùng một số điểm khi sử dụng chúng:

 

1. Không nên tự ý dùng vì một số thành phần của chúng có thể tương tác với những loại thuốc trị bệnh. 

 

2. Tính năng của một số TPCN còn gây tranh cãi (trước đây viên chống ôxy hoá được cho là kéo dài tuổi thọ, nay người ta thấy chúng có thể làm tăng nguy cơ tử vong!).

 

3. Sử dụng lâu dài có thể dẫn đến thừa chất này, thiếu chất kia.

 

4.Chỉ dùng sản phẩm của thương hiệu có uy tín, có bằng chứng nghiên cứu khoa học chắc chắn, đọc kỹ nhãn trước khi sử dụng.

 

5. Một chế độ ăn cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng tự nhiên vẫn có lợi hơn sử dụng nhiều TPCN nhưng không cân đối.

 

Theo Vân Hà

 Sài Gòn tiếp thị

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]