Thuốc bổ não có ích gì cho người ôn thi không?

Theo một khảo sát gần đây của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, có đến hơn 20% học sinh THPT bị rối loạn trầm cảm. Theo BS Lâm Xuân Điền, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, triệu chứng quan trọng và đáng lo nhất ở những học sinh này là hay quên

0

Bác sĩ Lâm Xuân Điền cho biết trí nhớ là tổng hợp các hệ thống sinh học của bộ não, cho phép mã hóa và dự trữ các thông tin, sau đó tái hợp (nhớ lại) thông tin. Vì vậy hiện tượng hay quên không phải là mất thông tin hoặc hoàn toàn mất trí nhớ mà là sự thất bại trong việc tái lập thông tin. Nhiều người nghĩ rằng con em mình còn nhỏ nên trí nhớ sẽ còn phát triển thêm, do đó cố nhồi nhét cho trẻ nhiều thông tin, kiến thức. Chính từ quan điểm sai lầm này mà nhiều trẻ học nhiều nhưng nhớ không được bao nhiêu.

SGK... nhồi nhét phản khoa học

Một lý do khác, theo BS Điền, đó là tất cả sách giáo khoa hiện nay đều quá tải về lượng thông tin và từ ngữ. Đối với học sinh tiểu học, chỉ cần nhớ khoảng 2.500 từ thì lượng từ mà chúng buộc phải nhớ luôn trên 3.000. Còn đối với “bộ nhớ” của học sinh THCS, lượng từ cần nhớ tối đa là 6.000 nhưng trên thực tế luôn hơn mức này. Đây là một trong những nguyên nhân cần lưu ý, chứ không đơn thuần là do trẻ lo ra, ham chơi...

Thuốc bổ não chẳng lợi gì trong ca này

Nếu trẻ có vấn đề về trí nhớ, tốt nhất nên đưa trẻ đến khám bác sĩ thay vì la rầy, áp đặt hay bắt trẻ... uống thuốc bổ não! Theo TS- DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc thần kỳ này. Trước đây có thuốc được cho là có tác dụng “bổ óc” là Cervotonic, gần đây là Glutaminol, Glutaminol – B6, Pho – L... Nhưng theo DS Đức, chính các nhà sản xuất thuốc này cũng công bố “thuốc chỉ công dụng trong chứng suy nhược chức năng, chưa có một tác động đặc hiệu nào được chứng minh cụ thể.

Đừng nhầm chứng “lẫn” ở người già với việc hay quên!!.

Một số loại thuốc như Citicholin, Phiracefam, Ginkgo biloba (hoạt chất lấy từ cây bạch quả), Galantamin được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não, thực ra chỉ để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người già hoặc người bị chấn thương sọ não. Chúng không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho người học thi hoặc những người bình thường.

Nhất Phương

------------------------------------------------------------

3 quan niệm đúng - sai về trí nhớ

1. Có người nhớ dai, có người mau quên?

SAI: Nhớ nhiều hay nhớ ít là do biết tập trung, sắp xếp thông tin và lặp đi  lặp lại thông tin. Có những người nhớ rất nhiều và nhớ lâu nhưng gần như loại trí nhớ này không giúp gì cho sự phát triển trí tuệ.

2. Học tập nơi yên tĩnh sẽ giúp nhớ lâu hơn?

ĐÚNG: Để nhớ lâu, ngoài việc phải hiểu ý nghĩa của vấn đề thì khi học cũng cần chọn nơi yên tĩnh, không có tiếng ồn. Âm thanh gây khó khăn cho trí nhớ, nhưng xu hướng hiện nay là trẻ vừa học bài vừa nghe nhạc hoặc xem tivi, điều này làm cho thông tin khó “gắn” vào não.

3. Học thuộc lòng là “học vẹt”, để nhớ lâu thì không cần thiết học thuộc lòng?

SAI: “Học vẹt” để chỉ những người học ra rả nhưng không hiểu nội dung thông tin. Còn nếu học thuộc lòng mà hiểu sẽ giúp nhớ nhiều hơn. Đọc thông tin trong miệng và lặp đi lặp lại cũng được đánh giá là có lợi cho trí nhớ.

N.P (ghi theo ý kiến BS Lâm Xuân Điền)

----------------------------------------------------------------------------------

4 cách ăn uống để có trí nhớ tốt

1. Khôâng nên bỏ bữa vì bỏ bữa làm đường trong máu thấp, não không đủ năng lượng để làm việc dẫn đến tình trạng mất tập trung. Ngoài ra, cần chú ý đến chất lượng bữa ăn, phải đầy đủ tinh bột, thịt, cá, rau, đậu...

2. Nên dùng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương vì chúng rất tốt cho các hoạt động của hệ thần kinh.

3. Nên uống thêm 1-2 ly sữa mỗi ngày vào các bữa phụ và bữa tối trước khi ngủ để tăng thêm năng lượng và dinh dưỡng. Sữa giúp bạn duy trì sức khỏe, bền bỉ và tránh được cảm cúm, suy nhược, rối loạn tiêu hóa.

4. Để có trí nhớ tốt, còn phải lưu ý đến ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ, xen kẽ với vận động thể lực tốt và có phương pháp học tập, tư duy hợp lý. Tránh học dồn, đợi gần đến kỳ thi mới thức khuya học, hoặc lạm dụng các chất kích thích như trà, cà phê, thuốc lá.

N.A (Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]