Tuyệt đối không nên tùy tiện truyền dịch

Đã có rất nhiều trường hợp bị biến chứng do tự ý truyền dịch hoặc lạm dụng việc truyền dịch.

15.6028
Truyền dịch tùy tiện: Hậu quả khôn lường

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, với các tác dụng dùng trong điều trị, dịch truyền là dạng thuốc rất quý, rất cần thiết trong trường hợp bệnh nặng cần được cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc.

Tuy nhiên, do có nhiều loại dịch truyền, dùng loại dịch truyền nào sẽ tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể, với liều lượng truyền vào trong cơ thể sẽ được cân nhắc tính toán cho từng người, có sự theo dõi của thầy thuốc chứ không phải loại nào cũng truyền được và truyền với bất cứ liều lượng nào.

Điều đặc biệt lưu ý là khi truyền dịch, với bất cứ dịch truyền nào, đều cũng có thể xảy ra các tai biến, đôi khi rất trầm trọng nguy hiểm đến tính mạng. Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể.

Các bệnh nhiễm như: HIV/ AIDS, viêm gan siêu vi B, C... đều có thể lây nhiễm qua con đường tiêm chích, đặc biệt qua truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng.

Trả lời trên Báo điện tử Petrotimes, PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ nhiệm Bộ môn Thận - Niệu Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TP HCM cho biết thêm, nguy hiểm nhất của truyền dịch không đúng là nguy cơ bị sốc dịch truyền, có thể dẫn đến tử vong. Sốc này sẽ nguy hiểm hơn ở trẻ em, người lớn tuổi và người có nhiều bệnh đi kèm.

Người bệnh thận và người có bệnh tim mạch thì khi truyền dịch phải đặc biệt cẩn trọng. Như với bệnh nhân suy tim thì quả tim đã bóp yếu mà truyền dịch vào nhanh quá thì tim không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp, bệnh nhân tử vong.

Còn với người bị suy thận, đặc biệt ở thể thiểu niệu hay vô niệu mà đưa dịch truyền vào nhanh quá, thận sẽ không thải nổi, cũng gây ứ nước trong cơ thể, gây phù, làm phù phổi, suy hô hấp và cũng có thể gây tử vong.

Còn nhiều trường hợp truyền dịch không đúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Cụ thể, nếu một bệnh nhân choáng do chạy bộ đổ mồ hôi, mất nước nhiều vô truyền dịch thì cơ thể bệnh nhân mất cả muối lẫn nước.

Nếu thầy thuốc lúc này lại truyền một chai dung dịch ngọt thì chỉ bù nước mà không bù ion. Lượng nước này vô cơ thể có thể khiến bệnh nhân bị ngộ độc nước, gây phù não làm bệnh nhân lên cơn co giật mà chết. Do đó, chuyện truyền dịch không phải là dễ, xét về khoa học thì đây là việc rất khó.

Chính vì vậy, khi thầy thuốc chỉ định cho dùng dịch truyền là đã có sự cân nhắc rất kỹ, thấy đó là việc rất cần thiết và khi truyền dịch, thầy thuốc phải theo dõi chặt chẽ để có tai biến xảy ra sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.

Khi nào thì truyền dịch đúng yêu cầu điều trị?

Truyền dịch có nhiều loại tùy theo tác dụng, có thể chia làm 4 loại như sau: Dịch truyền cung cấp nước, các chất điện giải: dùng trong trường hợp cơ thể bị mất nước, mất chất điện giải.

Dung dịch loại này có dung dịch "ngọt" chứa đường glucose, dung dịch "mặn" chứa muối natri clorid, hoặc dung dịch chứa nhiều chất điện giải có tên ringer lactat. Từ "nước biển" ban đầu được dùng chính để chỉ dung dịch mặn chứa muối natri clorid giống như nước biển nhưng về sau bà con ta dùng từ "nước biển" để gọi tất cả các dịch truyền khác.

Dung dịch tái lập cân bằng kiềm toan: dùng trong trường hợp cơ thể bị bệnh hoặc thừa toan (tức dư chất acid hay còn gọi "toan huyết") hoặc thừa kiềm (tức dư chất base). Truyền dịch loại này sẽ có tác dụng trung hòa sự thừa toan hay thừa kiềm, như khi người bệnh bị toan huyết, bác sĩ chỉ định tiêm truyền dung dịch kiềm là natri bicarbonat.

Dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng: dùng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh không thể ăn qua đường tiêm tĩnh mạch và đây là loại dịch truyền hay bị lạm dụng. Dịch truyền loại này cung cấp các acid amin thiết yếu (là chất dinh dưỡng cơ bản lấy từ chất đạm), các vitamin và chất khoáng, một số chất béo (như dầu đậu nành tinh lọc nhằm cung cấp năng lượng).

Dịch truyền thay thế máu: dùng trong trường hợp người bệnh bị mất máu. Dịch truyền loại này là các dung dịch keo chứa các chất có phần tử lớn như dextran, có tác dụng tái lập khối lượng chất lỏng trong máu

Ngoài 4 loại dịch truyền kể trên, người ta cần dùng dịch truyền có chứa thuốc như thuốc kháng sinh để tiêm truyền trong trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng, vì dùng kháng sinh dạng uống sẽ không hiệu quả.

Theo Thùy Linh - Gia Đình Việt Nam
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]