Khắc tinh của bệnh “tay, chân, miệng”

GiadinhNet - Chưa có vaccine và thuốc đặc trị nên thời gian gần đây, tại TP HCM số trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng gia tăng, song tỷ lệ tử vong do bệnh này đã được hạn chế tối đa. Có được điều này là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ bác sĩ làm công tác điều trị trên cả nước, trong đó có BS Trương Hữu Khanh...

15.6051

Khoa Nhiễm-Thần kinh (BV Nhi Đồng 1) luôn tất bật những ngày này.  Ảnh: T.G

 
“Mùa tất bật”

Tháng 7/2011, một phác đồ điều trị bệnh tay, chân, miệng cụ thể, chi tiết về mức độ nặng nhẹ đã được Bộ Y tế ban hành. Trước đó, năm 2008, một phác đồ tương tự nhưng lược giản để các địa phương dễ dàng áp dụng cũng đã được Bộ Y tế ban hành. Chính những phác đồ điều trị nói trên đã giúp cứu sống hàng nghìn cháu bé không may mắc bệnh tay, chân, miệng. Một trong những người tiên phong xây dựng những phác đồ điều trị được xem là “khắc tinh” của bệnh tay, chân,  miệng chính là BS Trương Hữu Khanh (Khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi Đồng 1). Bác sĩ gốc Thừa Thiên Huế (sinh năm 1963) này còn được giới chuyên môn và báo giới “phong” danh hiệu “Khắc tinh của vi trùng, vi khuẩn gây bệnh”.

Nếu ngành Y có thuật ngữ “mùa dịch bệnh” để mô tả khoảng thời gian mùa hè, thì những người làm công tác điều trị tại Khoa Nhiễm-Thần kinh (BV Nhi Đồng 1) cũng có thuật ngữ tương tự để mô tả công việc của mình: Mùa tất bật. Khoảng thời gian này, không dễ chút nào để gặp được BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh bởi ông không chỉ điều hành một khoa rất đông bệnh nhân mà còn bận bịu với hoạt động nghiên cứu-giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm tại các hội thảo chuyên ngành. Những ngày này, Khoa Nhiễm-Thần kinh mỗi ngày tiếp nhận  khoảng 100 trẻ nhập viện điều trị các bệnh liên quan, nhiều nhất là mắc tay, chân, miệng và bệnh sởi. Cao điểm như ngày 2/6 có đến 254 bệnh nhi điều trị, trong khi đó cả khoa chỉ có 13 bác sĩ, 47 y tá, điều dưỡng viên.

Ngày lại ngày, vị bác sĩ Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cứ đúng 6h30 sáng là có mặt tại khoa để “coi bệnh nặng”. 7h5 thì giao ban khoa. Sau khi “coi bệnh nặng” xong, từ trưởng khoa đến các bác sĩ lại tỏa đi khắp các phòng để “coi bệnh nhẹ”. “Mùa này nhiều trẻ mắc bệnh, cơ sở hạ tầng, nhân sự cũng chỉ có từng này. Để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, điều trị thì anh chị em vừa phải chắc chuyên môn, khỏe thể chất, lại phải vững tinh thần lắm! Còn nhớ hồi năm 2011 khi dịch tay, chân, miệng hoành hành, một số anh chị em trong khoa quá mỏi mệt, căng thẳng đến đổ bệnh, phải chuyển sang nơi khác một thời gian mới hồi phục được...”, BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.
 
 “Cực mà vui”
 

BS Trương Hữu Khanh.


“Đây là nơi tiếp nhận trẻ mắc bệnh gần như của cả khu vực phía Nam, mà khoa này là một trong những địa chỉ nhận nhiều trẻ nhất...”, BS Trương Hữu Khanh chia sẻ với chúng tôi.

Thế nhưng vị  trưởng khoa lại nở ngay nụ cười chân thành khi tâm tình về “niềm vui Khoa Nhiễm” sau những tất bật trong việc điều trị cho trẻ: “Hầu hết trẻ được khoa tiếp nhận đều trong tình trạng bệnh đã nặng. Nhìn các bé “vằn vện, đốm đỏ đốm xanh” khắp mình, thương đến trào nước mắt! Bệnh nhân của mình toàn trẻ con mà anh chị em trong khoa không ít người đã là bố là mẹ nên ngoài quan hệ bác sĩ-bệnh nhân, còn có tình cảm của cha mẹ đối với con cái. Khi thấy bé nào được xuất viện, da dẻ lành lặn, tươi tắn, sức khỏe ổn định, nói cười tíu tít... là chúng tôi vui lắm”.

Niềm vui giúp bệnh nhân lành bệnh hoặc giành dật lại mạng sống của bệnh nhân từ tay tử thần là tâm trạng chung của tất cả các thầy thuốc. Riêng với những người ở Khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi Đồng 1, niềm vui ấy như nhân lên gấp bội bởi bệnh nhân ở đây toàn là trẻ em. Bên cạnh đó, các bệnh nhiễm thường khiến trẻ “thấy đó mất đó” bởi tốc độ phát bệnh dẫn đến tử vong rất nhanh. “Cứu được sinh mạng các bé là chúng ta giúp cuộc đời này giữ được từng mầm sống...”, BS Trương Hữu Khanh trải lòng.

BS Trương Hữu Khanh báo cho PV một tin “không thể vui hơn”: “Từ đầu năm đến thời điểm này, có khoảng 3.000 trẻ điều trị bệnh tay, chân,  miệng tại khoa đều lành lặn xuất viện, không có trường hợp nào tử vong...”.
 
Thông tin từ Bộ Y tế, đến thời điểm này gần 21.000 trẻ em trên 62 địa phương mắc bệnh tay, chân, miệng, nhưng chỉ có 2 trường hợp tử vong (tại Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu).

Nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh trong năm 2014, Bộ Y tế đã phân công BV Nhi Đồng 1 phụ trách việc điều trị sốt xuất huyết trẻ em, sởi trẻ em, bệnh tay, chân, miệng trên địa bàn 12 quận, huyện thuộc TPHCM và 13 tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời phụ trách chỉ đạo chuyên môn đối với 3 loại bệnh trên.
 
Thanh Giang
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]