Bí quyết tìm lại niềm vui trong công việc

(Webphunu.net) - Có những giai đoạn, bạn cảm thấy mình như không còn một chút nhiệt tình nào dành cho công việc. Nếu rơi vào tình trạng này bạn cần phải có những hành động để cải thiện tình thế trước khi quá muộn.

0
Dưới đây là những mách nhỏ Webphunu.net dành cho bạn:
 

1. Hạn chế tiếp xúc với người có suy nghĩ tiêu cực


Trong cơ quan hay tổ chức nào cũng luôn có một vài người “mở mồm ra là chê mọi thứ”. Với quan điểm cực kỳ hoài nghi và bi quan, họ sẽ “nhấn chìm” bạn bằng những câu chuyện rằng sếp dốt ra làm sao, công ty sẽ sa thải bạn, các nhân viên còn lại toàn là những người đần, công việc thật nực cười và vô nghĩa… Khi nghe những câu chuyện như vậy, bạn có thể cảm thấy đôi chút thoải mái vì quan điểm cho rằng, “tất cả họ đều xấu, trừ bọn ta”, nhưng về lâu về dài, chính những câu chuyện này khiến bạn cảm thấy bất hạnh.
 

Hình minh họa.
 
Nếu bạn chỉ nghe những chuyện tiêu cực về nơi làm việc của mình, bạn sẽ không thể nhìn ra những điều tích cực đang tồn tại. Rốt cục, bạn sẽ có cảm giác tồi tệ về chính bản thân mình (nếu như nơi này toàn những người không ra gì, tại sao mình vẫn ở đây?). Bởi thế, hãy hạn chế và tốt hơn hết là dừng những cuộc trò chuyện với các đồng nghiệp ghét việc. Thay vào đó, bạn nên dành thời gian cho những đồng nghiệp có quan điểm cân bằng hơn. Khi đó, phản ứng cảm xúc của bạn đối với công việc chắc chắn sẽ dịch chuyển theo chiều hướng tốt hơn.
 

2. Thử đảm nhận các công việc mới


Hãy tìm kiếm những thách thức mới. Một trong những lý do khiến bạn cảm thấy “bất an” trong công việc đôi khi đơn giản chỉ là sự nhàm chán. Hãy suy nghĩ nhiều cách khác nhau để công việc của bạn thú vị hơn. Bạn có thể xung phong làm người cố vấn (mentor) cho một nhân viên mới, giúp họ nhanh chóng hòa nhập với môi trường và công việc; hay tìm hiểu quan sát đồng nghiệp ở những bộ phận khác để có tầm nhìn bao quát hơn về mô hình kinh doanh của công ty. Trước khi thực hiện những điều này, hãy trao đổi với sếp trực tiếp của bạn để nhận được sự giúp đỡ từ sếp.
 

3. Học thêm những kỹ năng mới


Nếu bạn cảm thấy chưa đủ hào hứng về mặt tinh thần, hãy tham gia các khóa học liên quan đến công việc. Các khóa học này sẽ giúp bạn mở rộng tầm nhìn, mang lại nhiều điều mới mẻ trong công việc, và hơn nữa, đây sẽ là thông tin bổ sung hữu ích trong hồ sơ tìm việc khi bạn sẵn sàng tìm công việc mới.


4. Tạo niềm vui ở nơi làm việc


Hãy tạo ra những niềm vui nhỏ ở nơi làm việc của bạn. Đó có thể đơn giản là mang ít đồ ăn vặt đến công ty và cùng thưởng thức với đồng nghiệp, hay ăn trưa với đồng nghiệp hoặc rủ họ tham gia các hoạt động giải trí ngoài giờ. Đồng nghiệp không hẳn là những người bạn tri kỷ, nhưng bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi có một chút không khí vui vẻ xung quanh. Công việc của bạn cần sự nghiêm túc nhưng điều đó không có nghĩa bạn không thể có chút niềm vui nào khi làm việc.
 

Hình minh họa.
 

5. Nghỉ ngơi một thời gian


 Mặc dù một chút căng thẳng có thể làm bạn hưng phấn hơn với công việc, khiến năng suất làm việc hiệu quả hơn, nhưng bạn cũng nên nhận ra khi nào tâm trí và thể lực của bạn cần được nghỉ ngơi.

Trên thực tế dù cho bạn có yêu thích công việc của mình, nhưng sự căng thẳng kéo dài rồi sẽ làm bạn kiệt sức và cảm thấy không hạnh phúc. Bạn nên lên kế hoạch đi nghỉ một vài ngày hoặc tìm một nơi xả hơi sau giờ làm việc hoặc cuối tuần để được vui vẻ và thư giãn đầu óc, nạp năng lượng cho bản thân.
 

6. Mở rộng các mối quan hệ


Hãy xây dựng nhiều mối quan hệ hơn. Nếu việc gặp gỡ những người mới chưa phải là một phần trong công việc của bạn, nên tìm cách biến nó thành nhiệm vụ của bạn. Gặp gỡ mọi người và tiếp thu những quan điểm mới không những giúp công việc thú vị hơn mà còn giúp bạn trở nên thu hút hơn.

Nếu nơi bạn làm việc không có nhiều cơ hội xây dựng các mối quan hệ, hãy chủ động tạo ra cơ hội! Chẳng hạn như, tổ chức những buổi dã ngoại với nhóm, sắp xếp cùng đồng nghiệp đến gặp gỡ nhân viên ở những chi nhánh khác của công ty.
Nhật Hoa (Tổng hợp)


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]