Bí quyết trường thọ của người Nhật Bản

Giadinh.net - Với quyết tâm đi tìm lời giải cho câu hỏi "Tại sao người già ở Nhật Bản luôn có tuổi thọ cao nhất thế giới?", bài viết "Đi tìm tuổi trẻ vĩnh cửu ở Nhật Bản" của phóng viên Michael Booth trên tờ The Sunday Times (Anh) hôm 7/6 cho thấy, bí quyết rất đơn giản, ở ngay cách sống hàng ngày.

15.5739

Bí quyết sống lâu

Michael Booth đã lên đường tới Nhật Bản và dừng chân ở Okinawa, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Ryukyu, tây nam Nhật Bản. Nhiều năm qua, người dân Okinawa luôn được biết đến là những người sống lâu nhất trên thế giới. Đặc biệt, phụ nữ Okinawa hiện nay có tuổi thọ trung bình là 86,88, cao hơn hẳn tuổi thọ trung bình của phụ nữ ở một số quốc gia khác (ví dụ ở Anh chỉ là 81,5 tuổi).
 
Theo quan sát của Booth, ấn tượng đầu tiên chính là sự dẻo dai của người già ở Okinawa rất tự nhiên, không hề có sự hỗ trợ của các loại máy móc y tế thường thấy ở các quốc gia phương Tây. Theo thống kê của chính quyền địa phương, Okinawa hiện có hơn 800 người trên 100 tuổi, nhiều người trong số đó sống một mình, khỏe mạnh và vẫn tham gia lao động.

“Tại sao họ sống lâu như vậy?”, Booth đặt câu hỏi với Tiến sĩ Craig Willcox đến từ Canada, người đã dành hơn 10 năm nghiên cứu bí mật sống lâu của người dân Okinawa. “Những kết quả xét nghiệm chung cho thấy người già ở Nhật nói chung và ở Okinawa nói riêng có ít cholesterol trong máu hơn dân cư ở những khu vực khác, ít bị các căn bệnh về tim mạch, đặc biệt là ung thư. Thực ra chẳng có bí quyết gì cả, tất cả nằm ở lối sống và môi trường được thiên nhiên ưu đãi”, Tiến sĩ Willcox phân tích.

Đảo Okinawa bên biển Thái Bình Dương có vị trí địa lý như một cây cầu nối Trung Quốc với Nhật Bản. Người dân Okinawa sống thanh bình và tách biệt giữa các đảo san hô chạy dài. Theo Tiến sĩ Craig Willcox, người Okinawa ăn nhiều cá, rau, kombu (một loại cỏ biển), tảo biển và đậu phụ hơn bất kì nơi nào khác trên thế giới.
 
Những nghiên cứu xã hội cũng cho thấy, việc duy trì được các giá trị tinh thần truyền thống, một mạng lưới các mối quan hệ xã hội chặt chẽ, không nghĩ nhiều về thời gian và tuổi tác, thói quen tập thể dục đều đặn, không phải sống cùng nhau trong những nhà dưỡng lão... góp phần quan trọng giúp người dân ở Okinawa có được sức khỏe dẻo dai.
 
Theo chân người dân địa phương đến làng Ogimi - được mệnh danh là “Làng trường thọ”, nơi có 1/3 trong số 3.000 dân trên 65 tuổi và hơn 100 người trong số đó trên 100 tuổi, phóng viên Booth đã gặp cụ bà Matsu Taira, 99 tuổi. Bà Taira nói: “Tôi vẫn làm vườn, trồng khoai lang tím và đậu tương. Ở đây chúng tôi tổ chức lễ thượng thọ 97 tuổi to hơn cả khi 100 bởi chúng tôi luôn coi mình vẫn còn rất trẻ khi chưa đến 100 tuổi”.
 
Với người già Nhật Bản, tập luyện luôn là một phần quan trọng để nâng cao tuổi thọ.

Nguy cơ đến từ lối sống phương Tây

“Nhưng thật đáng buồn, sự trường thọ của người dân Okinawa và người Nhật Bản có thể sẽ không tồn tại lâu nữa khi bánh kẹp thịt và đồ ăn nhanh đang tràn ngập khắp Nhật Bản. Số người sống dưới 65 tuổi đang tăng lên nhanh chóng” - Tiến sỹ Willcox nhận định sau nhiều năm nghiên cứu - “Văn hóa ăn nhanh đã ăn sâu hơn vào cuộc sống của thế hệ trẻ Nhật Bản, khiến họ quên đi nguyên tắc ăn uống truyền thống “bằng vàng” Hara Hachi Bu của người Nhật Bản (có nghĩa là “chỉ ăn no 80%”).

Trong bài nghiên cứu “Tuổi thọ người Nhật Bản đối mặt với nguy cơ từ lối sống phương Tây” đăng trên tạp chí quốc tế Natural News tháng 11/2007, nhà nghiên cứu Ruth Rendely chỉ ra rằng, việc tuân theo nguyên tắc Hara Hachi Bu sẽ giúp cơ thể hạn chế các độc tố tự do trong quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ ung thư.
 
Ngoài ra, việc đi chợ hàng ngày để có những bữa ăn đa dạng và thức ăn tươi thay vì sử dụng thức ăn đông lạnh cũng góp phần đem lại sự dẻo dai cho cơ thể. “Tuy nhiên, sức khỏe và lối sống của người Nhật Bản đang bị bánh pizza, pho mát, kem, đồ ăn nhanh... đe dọa. Họ còn có thể duy trì sự trường thọ của mình trong bao lâu nữa?”, bà Rendely phân tích.
 
Phóng viên Michael Booth đã có được một bài học vô giá nhiều hơn những gì ông mong đợi sau chuyến đi tới Okinawa. “Tôi đã học được gì từ người dân Okinawa ư? Tôi đã ăn nhiều rau, cá, đậu phụ hơn. Nhưng quan trọng nhất là tôi đã tìm ra nguyên tắc đơn giản, nhưng mang tính cách mạng với cuộc đời tôi, đó chính là: Hara Hachi Bu”.
 
Tháng 7/2007, sách kỉ lục thế giới Guinness đã đồng thời ghi nhận cụ ông Tanabe Tornoji (111 tuổi) và cụ bà Minagawa Yone (114 tuổi), người Nhật Bản là những người già nhất thế giới. Số liệu năm 2006 của Cục Thống kê Nhật Bản cho thấy, 1,15 triệu người Nhật sống trên 90 tuổi, với khoảng 29.000 người trên 100 tuổi.
 
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc chăm sóc người cao tuổi. Người già ở Nhật đang ngày càng cô đơn, mất đi vị trí truyền thống trong gia đình do ảnh hưởng của lối sống hiện đại và gặp khó khăn trong tài chính do chi phí sống tăng cao. Nhiều người già Nhật Bản đã tự tử để giải thoát mình khỏi áp lực cuộc sống.

Nhi Anh (Tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]