Bổ sung phác đồ điều trị cúm A/H1N1

Bộ Y tế đã quyết định bổ sung phác đồ điều trị cúm A/H1N1. Nguyên nhân là do những diễn biến mới của dịch cúm A/H1N1 với chiều hướng phức tạp hơn từ số ca tử vong hiện đã là 2 người, cho tới tình trạng quá tải ở các bệnh viện có xét nghiệm virus cúm.

15.578

Trong giờ nghỉ trưa, vẫn còn khá đông người chờ đăng ký khám bệnh tại phòng khám của Viện các bệnh truyền nhiễmnhiệt đới Quốc gia. Con số bệnh nhân dương tính với virus cúm A/H1N1 tăng lên từng ngày khiến cho không ít người dân lo lắng cho sức khỏe của mình.

Các chuyên gia cho rằng, người dân cũng không nên lo lắng quá vì hiện nay ngành y tế vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Lời khuyên của các bác sĩ là người dân chỉ nên vào viện khám kiểm tra khi có biểu hiện cúm như sốt, ho... sau khi có đi lại trong vùng dịch bệnh, tiếp xúc gần, trực tiếp với người bệnh. Ngoài ra, những đối tượng có bệnh mãn tính hoặc bị suy giảm sức đề kháng cũng cần hết sức chú ý.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: "Trong hướng dẫn chuẩn đoán chúng ta cũng đã đưa ra những đối tượng nguy cơ cao là những người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai; những người mắc các bệnh từ trước như những bệnh phổi mãn tính, bệnh tiểu đường, xơ gan, HIV và một số bệnh khác...".

Do diễn biến dịch cúm có nhiều thay đổi, Bộ Y tế đã bổ sung thêm một số điểm mới trong phác đồ điều trị. Điểm mới thứ nhất là chỉ cần căn cứ vào yếu tố dịch tễ của người bệnh, các biểu hiện lâm sàng điển hình của cúm A/H1N1, các cơ sở y tế tiến hành điều trị ngay mà không cần xét nghiệm; Điểm mới thứ hai về tiêu chuẩn ra viện là: sau khi hết sốt 3 ngày, tình trạng lâm sàng ổn định và xét nghiệm vào ngày thứ tư âm tính.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại người bệnh vẫn còn khả năng lây bệnh ra cộng đồng nếu chỉ sau 3 ngày hết sốt đã cho ra viện. Quá trình điều trị cho hơn 108 bệnh nhân dương tính tại Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia cho thấy, 25% số bệnh nhân sau 7 ngày điều trị vẫn còn virus, tỷ lệ này sau 5 ngày lên đến gần 50%.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: "Tại những nơi không có điều kiện xét nghiệm thì nên kéo dài thời gian theo dõi cách ly tại viện, có thể là 10 ngày hoặc hơn. Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân người bệnh và cho cả cộng đồng".

Thông tin từ Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết, trong những ngày gần đây Viện tiếp nhận một số trường hợp bệnh không rõ nguồn lây. Có bệnh nhân chỉ sống trong khu vực có người bệnh, không có tiền sử tiếp xúc gần hoặc đi từ vùng dịch về cũng cho kết quả dương tính. Và như vậy tình trạng dịch lây lan trong cộng đồng vẫn có nguy cơ phức tạp hơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]