Đấu chiêng - Nguy cơ mai một

SKĐS - Nghệ thuật đánh chiêng độc đáo. Trong đó, đấu chiêng - được người Kor nâng lên tầm tuyệt kỹ của nghệ thuật đánh chiêng.

15.6033

Nằm trong vùng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đồng bào Kor - một dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đại ngàn Tây Nguyên, định cư lâu đời ở các huyện Trà Bồng, Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn gìn giữ được nhiều bộ chiêng cũng như nghệ thuật đánh độc đáo. Trong đó, đấu chiêng - được người Kor nâng lên tầm tuyệt kỹ của nghệ thuật đánh chiêng. Nhưng vũ điệu tuyệt vời của những “Đam San - Xinh Nhã” này lại đang đứng trước nguy cơ không có thế hệ tiếp nối.

Vũ điệu sử thi Tây Nguyên

Cũng như nhiều dân tộc khác trên dải đất của “sử thi Đam San - Xinh Nhã”, chiêng gắn bó với người Kor suốt một đời. Trong các nghi lễ đều không thể thiếu tiếng chiêng. Từ lễ đặt tên khi mới chào đời, đến lúc lập gia đình và cuối cùng là về với cõi vĩnh hằng, chiêng luôn hiện hữu. Người Kor đã thổi vào nhạc cụ chiêng tâm hồn và nhựa sống của dân tộc mình. Chính điều đó đã làm nên sự khác biệt, tạo nên bản sắc rất riêng, rất độc đáo trong cách chơi nhạc cụ chiêng của dân tộc Kor. Bộ chiêng người Kor cũng khác nhiều so với các vùng lân cận, gồm hai chiếc chiêng và một chiếc trống. Chiêng lớn tiếng Kor gọi là Puô (chiêng đực); chiêng nhỏ hơn bỏ lọt lòng chiếc lớn, gọi là Pi (chiêng cái) và chiếc trống gọi là Agor.

Chiêng truyền thống của người Kor ngày xưa có nhiều bài. Thế hệ trẻ ngày nay còn chơi được 4 bài cơ bản, là: chiêng chào khách; chiêng tiễn khách, chiêng hội và chiêng cúng thần linh. Mỗi bài chiêng có nhịp đánh khác nhau, âm điệu cũng khác nhau theo bài bản. Riêng nghệ thuật đấu chiêng thì có yêu cầu cao hơn, đầy ngẫu hứng và sáng tạo.

Một màn đấu chiêng diễn được các nghệ nhân thể hiện.

Theo nghệ nhân Hồ Văn Vương (Trà Bồng, Quảng Ngãi), đấu chiêng hay, trước hết người nghệ sĩ phải thật sự là người chơi nhạc cụ chiêng điêu luyện; phải khỏe mạnh và dẻo dai. Bởi đấu chiêng là nghệ thuật, nhưng cũng vừa thể hiện bản lĩnh và sức mạnh của người đàn ông. Nét đặc trưng, tạo nên sức hấp dẫn của đấu chiêng là sự ngẫu hứng và sáng tạo. Hai người tham gia đấu chiêng thông qua những bài chiêng để đối đáp liên tục với nhau. Âm điệu trong các cuộc đấu chiêng vang lên rất lớn để khiêu khích, thách đố đối phương cùng so tài cao thấp.

Cũng theo nghệ nhân Hồ Văn Vương, đối tượng đấu chiêng chỉ dành cho đàn ông, mỗi trận đấu chiêng gồm 3 người, trong đó có hai người thách đấu chính sẽ dùng chiêng, trọng tài của trận đấu là người dùng trống. Người diễn tấu có thể ngồi, đứng, di chuyển thoải mái, đánh bằng dùi, một tay nắm giữ dây đai, một tay cầm dùi đánh từ phía “bụng” chiêng (phía trong). Đấu chiêng là một hình thức đối đáp những mô típ, câu nhạc với nhau, người có khả năng nghệ thuật đấu chiêng là người có những ứng tác, “phiêu” trong các mô-típ, câu nhạc, đoạn nhạc chiêng để đáp lại câu của đối phương; đồng thời thách đố với đối phương. Bên nào bị hạn chế, không có khả năng ứng tác những mô-típ, câu nhạc, cứ lặp đi lặp lại thì được xem là bị thua. Trong mỗi trận đấu chiêng, người vỗ trống không chỉ có vai trò là trọng tài mà còn là chủ công dẫn dắt trận đấu chiêng qua nhịp của trống: nhịp trống dồn dập, tốc độ nhanh thì nhịp chiêng cũng càng đanh mạnh và quyết liệt. Cùng với đó những người múa xung quanh trận đấu cũng phải dừng lại để cổ vũ cho mọi người, cứ thế cuộc đấu chiêng giữa chiếc Puô và chiếc Pi ngày càng quyết liệt, sôi động, gay cấn, hấp dẫn, kéo dài mãi như không có điểm dừng.

Và nỗi lo mai một

Trong nhiều chuyến công du biểu diễn nghệ thuật tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nghệ nhân Hồ Văn Thái - một trong số rất ít những nghệ nhân còn biết đấu chiêng nổi tiếng của người Kor chia sẻ: Trong điều kiện giao lưu rộng rãi đang diễn ra, niềm tin yêu nhạc cụ chiêng đang bị mai một dần trong lớp trẻ. Trong khi những nghệ nhân người Kor biết chơi nhạc cụ chiêng hay không còn nhiều. Đặc biệt nghệ nhân biết đấu chiêng hay lại càng hiếm. Học các bài đánh chiêng đơn thuần trong các lễ hội thi không khó, không mất nhiều thời gian, song để có thể cầm chiêng ra thi đấu và thách đấu thì lại khác. Nó đòi hỏi người học đấu chiêng phải có sự rèn luyện ở mức khổ luyện, quan trọng nhất không chỉ đơn thuần dựa vào “cơ bắp” mà phải có sự tinh tế, linh hoạt trong âm nhạc.

Để có thể cầm chiêng thi đấu đòi hỏi sự khổ luyện.

Nghệ nhân Hồ Văn Thái phân tích nghệ thuật đánh chiêng được người Kor nâng lên tầm tuyệt kỹ như sau: Trong diễn tấu của một trận đấu chiêng, điệu Unh talac (của vùng đường nước) và điệu Ayoot (của vùng đường rừng), chiếc Puô dẫn đầu vang lên âm thanh đầu tiên và được quyền quyết định kết thúc bài diễn tấu. Rồi đến chiếc trống (Agor) làm chủ công nhịp và cuối cùng là chiếc chiêng Pi bám theo tiết tấu nhịp trống. Đánh cho điệu múa, tiết tấu trống mở đầu bao giờ cũng chậm thong thả, sau đó tăng dần tốc độ và về sau càng thúc giục, dồn dập hơn. Điệu múa cũng vậy, đoạn đầu thì nhẹ nhàng, uyển chuyển, cũng động tác đó càng về sau càng tăng dần tốc độ, tạo nên không khí diễn tấu âm nhạc - điệu múa rộn rã, sôi nổi.

Để tạo cho không khí vui tươi, sôi động hơn, đến đoạn giữa và cuối bài diễn tấu, người đánh chiếc Puô chủ động tạo nên những mô típ, câu nhạc để đua tài với chiếc Pi và thể hiện khả năng ứng tác, biểu diễn âm nhạc của mình trong quá trình diễn tấu. Do đó, người đánh chiếc chiêng Puô thường là những người khỏe mạnh, có quá trình tập luyện, khả năng diễn tấu chiêng và dĩ nhiên phải có năng khiếu về âm nhạc thì mới tạo nên những mô-típ, đoạn nhạc phong phú, hấp dẫn và có thể giành phần thắng cuộc.

Bài, ảnh: Nguyễn Chuẩn Ly

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]