Kỳ 2 : Trò Ổi lỗi trước nguy cơ mai một

Ông Sòng còn nhớ, có một thời người ta có chủ trương “bài phong”, hoạt động múa rối Ổi lỗi bị cấm, có lúc các cụ phải mang tượng rối đi giấu, biểu diễn tập tành cũng giấu giếm chính quyền. Khoảng những năm 1960, Bảo tàng tỉnh về mượn tượng rối và một cây đèn thờ bằng sắt to 100 ngọn, để chật một gian nhà (Vân Tràng là làng có nghề rèn nổi tiếng, thợ rèn ở đây đánh ra cây đèn này bằng sắt nướng chín gá vào nhau, gọi là kỹ thuật “ẩu” sắt. Cùng với ống pháo lệnh, cũng rèn bằng cách “ẩu” đó - hiện để ở đình thờ tổ nghề rèn, thì đây là hai “tuyệt tác” của nghề rèn theo phương pháp cổ truyền của Vân Tràng). Mãi không thấy bảo tàng trả tượng, các cụ bèn khăn gói đi đòi, đòi được tượng rối thì bị vặt hết cả râu tượng, còn cây đèn thờ thì cho đến giờ vẫn chưa đòi được…

0
(TT&VH Cuối tuần) - Ông Đoàn Hữu Sòng năm nay đã 70 tuổi, tiếng là phó trùm nhưng đảm nhiệm hết những công việc của cụ Chánh trùm Đoàn Quanh đã già yếu. Phường rối của chùa Bi là một tổ chức rất thú vị có từ nhiều đời. Đó là tổ chức của nam giới trưởng thành, được lên đình chùa hầu việc tế tự.
 
 Ông Đoàn Hữu Sòng đang
giở The (áo mặc cho
tượng rối) ra xem
Muốn xin vào phường rối phải có lễ, đã vào là không được xin ra, và số lượng người không giới hạn. Khi biểu diễn, thì mỗi thôn (Vân Tràng, Giáp Tư, Giáp Ba) cử ra 10 người, gọi là mười ông “thập nhân”. Chánh trùm phường rối bao giờ cũng là người của thôn Vân Tràng, ai vào phường trước, hát giỏi, múa giỏi, gõ nhạc tốt sẽ kế nghiệp dần dần từ phó cho đến chánh trùm. Ngày xưa, chùa Bi có 20 mẫu ruộng để làm tư điền lo việc thờ tự, thì phường rối được chia tới 5 mẫu để lấy “kinh phí” để lo việc tập và biểu diễn. Những người tham gia phường rối sẽ được ghi tên, khắc vào bia để trong chùa. Bia phường rối hiện nay ghi tên các nhân vật từ năm 1922 cho đến nay…
Khoảng năm 1976, thì phường rối chùa Bi mới được khôi phục. Ông Sòng đi bộ đội, từng kinh qua đủ các loại binh chủng, công binh, trinh sát, pháo binh, bộ binh… ở các chiến trường Lào, Campuchia, B2… Đêm đêm, ông vẫn nhẩm nhớ những lời ca và làn điệu của trò Ổi lỗi ông được cha chú dạy từ nhà. Năm 1979, ông ra quân phục viên với hàm đại úy, may nhờ phúc tổ cũng không sứt mẻ gì, về lại làng cũ làm nghề rèn của cha ông, vào phường rối…

Tuy trò Ổi lỗi được khôi phục, nhưng ruộng chùa đã mất, kinh phí để tập tành hoạt động cũng không có nơi chi trả. Các cụ, các ông trong phường rối phải tự góp tiền cho hoạt động, mua quần áo, chè nước. Ngày thường thì ai cũng bận nghề rèn, việc nông nên không mấy khi họp mặt được, các cụ trùm bèn bàn nhau dịch lời kinh văn từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ, phát cho mọi người để ai nấy tự ôn luyện. Việc đánh trống gõ nhạc cũng tự ai nấy luyện. Hàng năm, chỉ có 3 ngày, từ 12 – 15 tháng Giêng là toàn phường rối họp lại để “phối tấu”. Đến ngày 20 thì “phát tấu”, qua ba đêm hội, xong việc, lại cất the, cất tượng đợi năm sau. Học cái này phải có tâm mới học thuộc được, ông Sòng bảo, vì khi hát thì không được cầm sách. Chưa kể đến đánh nhạc đúng sai, múa tượng đúng điệu. Tuy số lượng người trong phường rối hiện nay có tới gần năm chục, nhưng có tới 30% là không gõ không hát được (ngày xưa có ruộng cúng, hát xong mọi người được chia lộc cúng rất to, mỗi người nhiều ít tùy uy tín và năng lực biểu diễn, nên có sức động viên rất lớn. Nay thì oản chuối chút chút chia đều nhau). Những ông vào phường rối không biểu diễn được, thì được gọi là những ông “đánh bóng cột chùa” làm việc sai vặt. Có người xin vào phường rối chỉ để… đẻ được con trai (tương truyền cứ vào phường rối thì chắc chắn sẽ có con trai!!!). Ví dụ như ông Đoàn Thành, đẻ bốn con gái, xin vào phường một cái được ngay thằng cu chống gậy…

Hôm về phường rối chùa Bi, tôi gặp ba cụ trong phường rối là các ông Đoàn Hữu Sòng, Trần Giao (62 tuổi), và Nguyễn Tiến Dũng (55 tuổi). Các ông kể ngày xưa chưa có phim ảnh, giải trí, thì mỗi mùa lễ hội, trò Ổi lỗi là được người ta xem đông nhất, dân tình chen nhau xem… bẹp ruột. Bây giờ phường rối toàn các ông trung niên và các cụ sắp đi gặp đức thánh Từ, hát tới 4 - 5 tiếng đồng hồ chẳng có mấy người chịu nghe đến cuối buổi… Thanh niên không thấy hay thấy thích như hồi trước, nên không chịu xin vào phường rối. Nghe ý nghĩa lời kinh văn hay, ý nghĩa giáo dưỡng tinh thần rất cao, các cụ muốn có một bộ loa để phát ra ngoài chùa cho nhân dân nghe, cũng chưa đủ tiền mua. Đã có hồi, một số cụ phó trùm muốn đề nghị đem trò Ổi lỗi đi biểu diễn ở đền Đức Thánh Trần trên Nam Định để quảng bá, nhưng nội bộ cản trở cũng không đi được. Vì càng ngày càng thưa người kế cận phường rối, nên nguy cơ mai một là sực đến ngay trước mắt. Bởi ngoài lời ca ra, thì còn làn điệu tấu nhạc và cách thức múa, thuộc lời ca không mà không biết chơi nhạc và múa hát thì có lời cũng “chết cứng”…
 
Ba hình pho tượng trên là sáu pho tượng Chúa Lộng
 
Do biểu diễn được trò Ổi lỗi phải có một tổ hợp nhân vật hòa tấu, hát, múa, lễ nghi rất phức tạp, nên chúng tôi không được xem trực tiếp, chỉ được các cụ bật cho xem qua đĩa hình của Viện âm nhạc quay xong gửi về. Các cụ trong phường, vốn là những cụ thợ rèn gân guốc, vừa xem vừa chỉ chỉ trỏ trỏ thấy mình trong hình, nghe lời ca của mình, mắt ai cũng như mờ mờ say sưa rất khoái chá thoát tục... Từ lời ca, cho đến âm nhạc, quả thật nghe và cảm thấy rất bình hòa, rộn rã, vui tươi mà tiết chế, trang trọng, rõ ra là lễ nhạc làng xã của một đời thịnh trị ở thôn quê trong quá khứ, mà xã hội bây giờ đang nỗ lực hướng tới. Chắc rằng những bậc tiền nhân (không phải một người mà làm nổi) sáng chế ra thể thức sinh hoạt văn hóa thanh cao như vậy, hẳn phải là những người rất an tĩnh trong tâm hồn, lại được sống trong thời cuộc thái bình mới có thể đặt ra những sáng tạo thuần chất, đậm đặc tâm hồn người Việt như thế.
 

Khoảng năm 2002, Viện âm nhạc đã về Nam Giang, ghi âm và quay lại toàn bộ chương trình biểu diễn của Trò Ổi lỗi để lưu hình ảnh với mục đích bảo tồn. Nhưng nghiên cứu của Viện cũng chỉ chú ý về mặt diễn xướng và âm nhạc, nên không có tìm hiểu sâu về nguồn gốc và lý do của Trò Ổi lỗi. Các cụ trong Phường Rối học nhau theo kiểu truyền khẩu, người xưa làm thế nào nay cứ thế, nên cũng chỉ ước đoán về nguồn gốc và cách thức. Ý nghĩa của trò rối vừa mang tính phục vụ tín ngưỡng thờ các vị thần thánh bảo trì nghề nông cấy lúa chăn tằm, vừa là diễn tấu mang tính lễ hội dân gian mừng xuân…

Vũ Lâm

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]