Điều trị nửa vời, người thân mắc bệnh lao

Có bệnh lao mà không tuân thủ điều trị, không biết cách phòng tránh có thể sẽ làm lây bệnh cho chính người thân của mình.

15.5519
Bệnh nhân lao cần được điều trị triệt để để tránh tái phát.
(Trong ảnh: Khám lao tại Trạm y tế xã Thụy An). Ảnh: N.Hằng

Cả nhà mắc bệnh

Vượt qua quãng đường đất đỏ lầy lội, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Văn Tuấn (40 tuổi), ở thôn Yên Khoái, xã Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội). Anh Tuấn đang điều trị lao ở tháng thứ 6 nhưng sức khỏe vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Thân hình gầy gò, dáng đi đờ đẫn, ngay cả cách anh Tuấn nói chuyện cũng rất chậm chạp và lộn xộn. Mặc dù theo quy định, người bệnh sẽ không được uống rượu hay dùng các chất kích thích như thuốc lá trong khi đang dùng thuốc chống lao, song vợ anh Tuấn cho biết, mỗi ngày anh uống khoảng 1 lít rượu, có thể hút một bao thuốc lá.

Sau lần mắc lao đầu tiên vào năm 2009 và đã khỏi bệnh, đây là lần tái phát bệnh của anh Tuấn. Để chữa trị lao, gia đình anh đã từng bán trâu, bán lợn "non", thậm chí bán đất. Hiện tài sản có giá trị duy nhất của gia đình anh trong ngôi nhà nhỏ chỉ là chiếc tivi đen trắng 14 inch cũ.

Vợ anh Tuấn dáng người gầy gò, mặt phảng phất nét buồn. Chị hiện là lao động chính trong gia đình. Ngoài làm 5 sào ruộng và nuôi thêm gia súc để tăng thu nhập, chị còn phải tranh thủ đi làm thêm cho các nông trường trồng dứa. Con gái anh Tuấn đã hơn 5 tuổi, đáng lẽ đã có thêm em giống như các bạn, nhưng bé vẫn đang phải tha thẩn chơi một mình. "Cháu đã lớn, sao chị chưa có thêm con nữa?", chúng tôi hỏi - "Em cũng muốn lắm, nhưng chỉ sợ có thêm con thì sẽ không kham nổi. Gia đình kinh tế eo hẹp, chồng lại bệnh, có thêm một con không biết cuộc sống sẽ ra sao?", chị Tuyết buồn bã trả lời.
 
Khó kiểm soát

BS Đỗ Văn Vân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thụy An cho biết, những năm gần đây, mỗi năm địa phương có khoảng 5 - 6 ca mắc mới, trong khi đó khoảng 10 năm trước chỉ 2 - 3 trường hợp. Các trường hợp được phát hiện khi ho dài ngày, trạm y tế nghi ngờ đều được giới thiệu lên Bệnh viện huyện Ba Vì xét nghiệm. Năm 2011 xã phát hiện và chuyển gửi khoảng 70 trường hợp lên tuyến trên để khám, điều trị nhưng chỉ có khoảng 50 trường hợp đi khám. Chưa có thống kê chính xác nhưng theo ông Vân có khoảng 30% số người được chuyển gửi không tiếp tục đi khám để phát hiện và điều trị sớm.

Theo BS Đinh Văn Tần, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, đặc trưng của bệnh nhân lao là cần được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, không bỏ trị thì bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn. Nhưng vẫn còn nhiều người đã mắc lao nhưng do còn chưa hiểu về bệnh, thậm chí mặc cảm, sợ kỳ thị nên vẫn chưa đến bệnh viện kiểm tra.

Thống kê của chương trình chống lao quốc gia cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 180.000 người mắc lao các thể mới. Không được điều trị kịp thời, mỗi năm cũng có hơn 30.000 người tử vong. Con số hơn 60% bệnh nhân lao còn chưa được phát hiện và điều trị, đó sẽ là những nguồn lây bệnh cho gia đình, cộng đồng, khiến cho căn bệnh này ngày càng khó kiểm soát hơn.
 
AloBacsi.vn
Theo Hoài Nam - Hà Mỹ
Gia đình & Xã hội
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]