Ghép gan thành công trên người trưởng thành

0

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức ghép gan thành công cho một bệnh nhân nam 44 tuổi ở Đà Nẵng, ca phẫu thuật kéo dài 13 giờ. Việc cắt - ghép gan ở người lớn phức tạp và nhiều rủi ro hơn so với trẻ vì phải lấy ít nhất một nửa gan của người hiến.

Theo các bác sĩ, gan của bệnh nhân đã bị xơ hóa giai đoạn cuối nên chức năng rất kém. Bệnh nhân thường xuyên bị nôn ra máu, chán ăn, bụng chướng to... Nếu không được ghép sớm nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân được nhận phần gan hiến từ người em họ 34 tuổi. Các bác sĩ đã lấy hơn 60% thùy gan bên phải của người cho để ghép cho người nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, tại Việt Nam trước đây có nhiều ca ghép gan được thực hiện thành công nhưng bệnh nhân chủ yếu là trẻ em. Việc ghép gan cho người trưởng thành phức tạp, rủi ro hơn nhiều so với ghép cho trẻ vì sẽ phải lấy ít nhất một nửa gan của người hiến, trong khi đó với trẻ chỉ lấy khoảng một phần ba.

Đây là lần thứ hai ở Việt Nam, phẫu thuật này được thực hiện trên người trưởng thành. Ca ghép đầu tiên trên người lớn cũng được thực hiện thành công tại Bệnh viện này cuối năm 2007.

Các bác sĩ tiến hành ghép gan cho bệnh nhân nam 44 tuổi ở Đà Nẵng. Ảnh: Trần Phương.

"Ngoài việc hòa hợp về các chỉ số giữa người cho và người nhận, trọng lượng gan lấy ghép là yêu cầu rất quan trọng. Thực tế, có nhiều trường hợp lượng gan người cho không đáp ứng yêu cầu để ghép cho người nhận", tiến sĩ Quyết cho biết.

Bước đầu, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Trước đó, tháng 5/2010, Bệnh viện cũng thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan, thận, van tim từ người cho chết não.

Theo tiến sĩ Quyết, tại bệnh viện Việt Đức cũng như ở nhiều bệnh viện khác của Việt Nam nói chung, kỹ thuật ghép tạng không hề thua kém bất cứ nước nào trên thế giới.

"Ghép thận giờ đã trở thành thường quy tại bệnh viện, hầu như tuần nào cũng có ghép. Hay như với ghép gan, kỹ thuật ghép khó nhất hiện nay thì các bác sĩ của Bệnh viện cũng đã hoàn toàn làm chủ", tiến sĩ Quyết chia sẻ.

Đặc biệt, với cùng kỹ thuật đó, người bệnh được hưởng lợi hơn rất nhiều bởi chi phí rẻ. Hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng một phần ba khu vực và trên thế giới.

Chẳng hạn, chi phí cho một ca ghép thận ở các nước cùng khu vực là khoảng 35.000 USD (khoảng hơn 700 triệu đồng), trong khi tại bệnh viện Việt Đức chỉ từ 200 đến 230 triệu đồng. Ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí cũng chỉ hết 500 triệu, trong khi ở các nước trên thế giới là 1-1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên vấn đề ở Việt Nam cũng như nhiều ngước trên thế giới là khan hiếm nguồn tạng. Trên thế giới, 90% nguồn tạng cho được lấy từ người chết não, chỉ khoảng 10% là từ người cho sống. Ngược lại ở Việt Nam, các ca ghép thận, gan vẫn chủ yếu là từ người cho sống.

“Tại Việt Nam, luôn có hàng chục nghìn người bệnh chờ ghép thận, gan, tim nhưng nguồn cho thì rất hiếm do tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong khi đó, chỉ riêng tại bệnh viện mỗi năm có gần 1.000 người tử vong do chết não nhưng người nhà không đồng ý cho tạng. 3 ca hiến tạng trong năm vừa rồi là cực kỳ hiếm, sau khi vận động hàng nghìn ca mới có 3 gia đình đồng ý", tiến sĩ Quyết nói.

Sắp tới, Việt Nam sẽ xây dựng trung tâm điều phối ghép tạng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cởi mở hơn với việc hiến tạng cho y học.

Hải Phong

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]