Làm sao để kiềm chế tủi thân những ngày ở cữ?

(Nuôi con) - Mẹ nào có kinh nghiệm thì chia sẻ giúp mình với!

15.5999

Mình vừa sinh em bé được gần 4 tuần nay. Nhưng từ ngày sinh con, những tưởng  có thêm thành viên mới, cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn. Nào ngờ, dù đã chuẩn bị tâm lý hàng 9-10 tháng trời, mà khi con sinh ra, cuộc sống của 2 vợ chồng mình vẫn có sự đảo lộn nhiều quá. Thế là vợ chồng đã 4-5 trận cãi nhau, và cãi nhau khá to từ ngày đón con từ bệnh viện về rồi.

Tháng đầu ở cữ, sao ngày và đêm nó cứ dài lê thê thế các mẹ nhỉ? Ngày nào ở nhà chăm con, mình cũng phải đếm từng giờ, từng ngày để mong đến tối chồng đi làm về. Nhưng khi chồng đi làm về, hắn cũng chả thèm trò chuyện với vợ. Hắn súy bế con rồi hỏi han con một chút là lại cắm đầu vào cái máy tính chơi game hoặc đi chơi với bạn bè. Mọi chuyện ở nhà để mặc vợ và mẹ lo.

Mẹ chồng mình dù tâm lý với con dâu lắm, bà cũng giúp chăm cháu rất nhiều thế nhưng cứ thấy chồng nhơn nhơn chẳng khác gì như lúc vợ chồng còn son mà mình bực mình và ghen tị quá. Có lẽ vì thế mà mình thấy bí bách trong người nên lúc nào mình cũng thấy khó chịu.

Nhiều lúc chồng đi làm hay đi chơi về, dù chẳng muốn cãi vã gì đâu nhưng không hiểu sao lúc ấy lại sổ một tràng dài trong tâm trạng bức xúc và tủi thân khủng khiếp.

Có những lúc, mình phải đấu tranh tư tưởng là phải tập trung vào con, nhìn vào con lớn lên là thấy vui mà bỏ qua những điều vặt vãnh. Nói chung là phải sống vì con. Nhưng mình cứ thấy 1 tháng ở cữ bị giam cầm trong phòng này mệt mỏi và xì trét quá.

Mình buôn chuyện với chị gái mình về điều này. Chị bảo rằng, cố gắng lên, con tròn tháng là mình có thể đi ra ngoài chơi, mua sắm hay bế con đi chơi nhà ngoại, nhà các cô, bác ở gần. Như vậy sẽ đỡ buồn chân buồn tay mà đỡ xì trét hơn. Giờ thấy bực bội như vậy vì mới sinh xong không được ra ngoài. Lại chỉ suốt ngày quanh quẩn với ị, tè, ăn, trớ của con. Trong khi đó, bản thân mình người ngợm thì yếu, không được nhanh nhẹn. Nếu so sánh với chồng vẫn phơi phới thì đúng là thấy tủi thân, bực mình và bức xúc thật.

Chị gái mình cũng bảo, đó cũng là tâm lý bình thường của phụ nữ sau sinh thôi. Cố gắng đừng xì trét quá, bực chuyện gì thì đi uống cốc nước, nựng con hay ra ngoài tí cho hết bực. Khi con ngày một lớn hơn, con sẽ có phản ứng rõ rệt lại khi mẹ trò chuyện, lúc này mình sẽ thấy tâm trạng chán chường giảm rõ rệt. Vì thế chị bảo cứ phải cố vui vẻ lên mà chăm con.

Mình hiểu những gì chị mình nói. Nhưng tháng ở cữ này, mình muốn về nhà ngoại quá. Song nhà ngoại mình tận Thái Bình, còn nhà chồng mình ở Hà Nội. Vì thế mình không dám cho con về ngoại sợ ông bà nội nhớ và lo lắng cho cháu.

Bố mẹ chồng mình tính cẩn thận lắm. Việc tắm con hàng ngày, ông bà vẫn thuê hộ lý đến tận nhà tắm cho con. Rồi tiêm phòng, ông bà cũng không cho cháu ra ngoài tiêm. Ông bà bắt bố mẹ cháu gọi người đến tận nhà tiêm dịch vụ…

Vì thế, chưa hết 1-2 tháng ở cữ nhà chồng, dù có mệt mỏi thì mình vẫn ngại không dám hỏi vụ cho con về nhà ngoại chơi. Ngày nào cũng đối diện với con khóc, con trớ, con ị, con tè mà mình thấy nhiều lúc mệt mỏi quá. Chồng thì cứ đi làm về rồi nhơn như đàn đúm bạn bè hoặc thể dục thể thao như bình thường. Thậm chí, tần suất nhậu nhẹt buổi chiều tan sở cùng mấy ông bạn thân còn tăng lên theo cấp số x nữa.

Cứ thế, nhìn mọi người thoải mái tự do tự tại với công việc và thú vui hàng ngày mà mình thấy tủi thân kinh khủng. Mình thì chỉ quanh quẩn trong cái phòng hơn 30m2. Ti vi không được bật xem, ăn ngủ phụ thuộc vào con, ăn gì cũng phải kiêng khem… Nhiều lúc buồn và tủi thân quá, mình cứ phải lén lên phòng thờ trên tầng 3 ngồi khóc một lúc một mình cho nhẹ lòng hơn.

Mình biết là bản thân nên nghĩ thoang thoáng, phiên phiến thôi. Chưa kể giai đoạn này, vợ thì đang ở cữ nên lôi thôi, lếch thếch, con thì chỉ mới biết oe oe, ngủ thức, thức ngủ lộn tùng phèo. Chồng thì cứ ỡm ờ rồi có lúc chê bai vợ không chỉn chu mà chán.

Làm sao để kiềm chế tủi thân những ngày ở cữ như này hả các chị em? Kiểu này chắc em không thể nghỉ ở nhà đến 6 tháng như đã định. Khoảng 3 tháng ở cữ là đã quá đủ với em rồi. Bao giờ cho hết những ngày ở cữ buồn bực thế này đây?

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]