Mổ lấy thai: Lợi và hại cho mẹ và con

Sinh nở là hiện tượng sinh lý bình thường, đa số các trường hợp sẽ được thực hiện qua ngả âm đạo. Tuy nhiên, một số trường hợp bác sĩ phải mổ lấy thai để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.

15.5823

Vì sao ngày nay tỷ lệ mổ lấy thai gia tăng đáng kể?

Theo Giadinh.net, trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh theo phương pháp mổ lấy thai gia tăng đáng kể , với rất nhiều nguyên nhân như sau:

- Số người sinh con đầu lòng tăng nhanh làm tăng nguy cơ sinh khó. - Sản phụ trên 35 tuổi sinh con đầu lòng cũng nhiều hơn.

- Y học ngày càng hiện đại, nhờ vào máy đo nhịp tim, giúp phát hiện ra được nhiều trường hợp thai nhi bị suy thai và phải dùng đến phương pháp mổ lấy thai để an toàn cho trẻ.

- Những trường hợp thai ngôi bất thường ngày càng nhiều, nhiều nhất là thai ngôi mỏng.

- Mổ lấy thai xảy ra trong trường hợp bà mẹ đã có vết mổ cũ. Bác sĩ thường có khuynh hướng sẽ mổ lấy thai lập lại trong những lần mang thai tiếp theo.

- Mổ theo yêu cầu của sản phụ và gia đình ở các bệnh viện tư. Một lý do tế nhị nữa là một số bác sĩ cũng có tâm lý thích mổ vì đỡ mất thời gian theo dõi chuyển dạ dài.

Những trường hợp nên mổ lấy thai

Khi bác sĩ quyết định mổ lấy thai thường rơi vào những trường hợp:

- Về phía sản phụ: do khung xương chậu hẹp hoặc lệch, dị dạng đường sinh dục, bất thường cơn tử cung, sinh khó do cổ tử cung có vết mổ cũ mà không có điều kiện để sinh ngã âm đạo, chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung…

- Về phía thai nhi: do thai to, ngôi thai bất thường, thai suy, mạng sống của thai nhi trong tử cung bị đe dọa (vỡ ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai quá ngày…)

- Về những phần phụ của thai: do sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non…

Những nguy cơ khi mổ lấy thai

Cũng chia sẻ trên Tuổi trẻ Online, PGS.TS Vũ Thị Nhung - chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM cho biết, người ta thường lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trẻ tử vong từ lúc sinh ra cho đến 28 ngày sau sinh) ở các ca mổ lấy thai cao hơn so với các ca sinh thường.

Tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng gấp bốn lần nếu mổ lấy thai so với sinh thường, ngay cả mổ chủ động, tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng 2,84 lần so với sinh thường.

Vì sao tử vong mẹ khi mổ lấy thai lại cao hơn sinh thường?

Nguyên nhân những nguy cơ của mổ lấy thai là do tai biến gây tê, gây mê, do chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con, nhất là nếu thời gian giữa hai lần mang thai quá gần. Mổ lấy thai còn có thể để lại những tai biến xa hơn như bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột.

(Ảnh minh họa)

Gần đây do tỉ lệ mổ sinh cao, đã xuất hiện khá nhiều trường hợp thai ở vết mổ cũ, nhau tiền đạo cài răng lược trong lần có thai sau. Những bệnh lý này rất nguy hiểm vì gây chảy máu rất nặng mà có khi phải cắt tử cung mới cứu được mẹ.

Ngoài ra, khi sinh mổ, thời gian nằm viện của sản phụ sẽ dài hơn, tốn kém nhiều hơn, đau đớn hơn, sự chăm sóc và cho con bú cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn so với sinh thường. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi có chỉ định mổ lấy thai để tạo sự an toàn tối đa cho mẹ và con.

Về phía thai nhi, bé ra đời bằng cách mổ lấy thai có nguy cơ gì?

Mổ lấy thai nếu đúng chỉ định sẽ giúp giảm tỉ lệ tai biến cho thai nhi. Tuy nhiên, mổ lấy thai cũng là nguyên nhân của những tai biến khác đối với trẻ như hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh.

Mổ lấy thai chủ động không qua chuyển dạ thì nguy cơ hội chứng suy hô hấp cấp cao gấp 2,6 lần, có chuyển dạ rồi mới mổ lấy thai nguy cơ này cao gấp 1,9 lần so với sinh thường. Trong khi hội chứng suy hô hấp cấp và sinh non là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, trẻ sinh mổ còn bị suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường. Nguyên nhân là khi sinh mổ, trẻ giảm tiếp xúc với vi khuẩn trong những ngày đầu tiên sau sinh vì điều kiện vệ sinh vô trùng chặt chẽ khi mổ, trẻ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể mẹ và vi khuẩn chủ yếu từ môi trường bệnh viện (khi bé nằm trong bệnh viện).

Trong khi đó, nếu sinh thường thì trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể người mẹ khi đi qua đường âm đạo (vi khuẩn có sẵn ở âm đạo, phân) và môi trường xung quanh.

Trước khi ra đời, đường tiêu hóa của trẻ vô khuẩn. Đối với trẻ sinh thường, chỉ vài giờ sau khi sinh, loại vi khuẩn mà trẻ tiếp xúc khi đi qua âm đạo thường gặp là Bifidobacteria đã đến bám vào thành bộ máy tiêu hóa của trẻ sơ sinh, tạo nên một hàng rào bảo vệ không để những vi khuẩn gây bệnh đến sau có thể bám vào những chỗ này.

Sự có mặt của các vi khuẩn “thân thiện” này giúp thành lập hệ thống miễn dịch, tạo đề kháng tốt cho trẻ và rất cần thiết cho sự phát triển cũng như điều hòa hệ thống miễn dịch của trẻ.

Trong khi trẻ sinh mổ phải mất sáu tháng mới có được hệ vi khuẩn đường ruột giống như trẻ sinh thường. Sự chậm trễ này khiến trẻ sinh mổ dễ mắc một số bệnh như tiêu chảy, dị ứng (trong đó có hen suyễn).

Cũng theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ trên báo Tin tức, đã đến lúc chúng ta phải cảnh báo và phê phán khuynh hướng lạm dụng mổ lấy thai. Song song với điều này, cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhất là những người chuẩn bị làm mẹ và cha kiến thức về sức khỏe sinh sản. Vì hiện nay, hiểu biết về mổ lấy thai của nhiều sản phụ hết sức mơ hồ.

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Việc bổ sung acid folic phải được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ trong điều trị thiếu máu ác tính nguyên hồng cầu khổng lồ. Vì triệu chứng thiếu acid folic dễ che lấp triệu chứng thiếu hụt B12 nên thường người ta dùng B12 trước để điều trị thiếu máu ác tính, nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang dùng acid folic.

Tú Liên

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]