'Ngày Tết người bị tiểu đường chỉ nên ăn 70% bao tử'

15.6093

Người đái tháo đường ngày Tết vẫn dùng được bánh mứt, thịt chả, rượu bia, trái cây, nhưng chỉ ăn vừa phải, khoảng 70% dung lượng bao tử, không ăn quá no uống quá say; theo hai bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình và Nguyễn Thị Bích Đào tư vấn với độc giả VnExpress.net sáng 27/1.

- Người bệnh đái tháo đường cần có thời khóa biểu ăn như thế nào cho hợp lý nhất? Trường hợp người bị đái tháo đường là cán bộ công nhân viên, phải ăn uống thường xuyên ở bên ngoài thì nên xử lý như thế nào? Nếu có thể, vui lòng cung cấp thực đơn ăn hàng tuần cho người bệnh để áp dụng cho thích hợp chế độ ăn. (Quang Đức Thông, 44 tuổi, Hà Tĩnh)

- Thạc sĩ - Bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa nội tiết Đại học Y dược: Chào bạn. Người bệnh đái tháo đường nên ăn 3 bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều), vào những thời gian nhất định (đừng vì bất kỳ lý do gì mà quên ăn hoặc ăn dồn vào bữa kế tiếp). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đái tháo đường phải điều trị bằng insulin thì có thể ăn thêm 2 hoặc 3 bữa phụ. Bữa ăn thêm vào buổi tối chỉ nên ăn trước 9h.

Lượng ăn mỗi bữa không nên quá chênh lệch nhau, nhằm tránh đường huyết tăng vọt sau mỗi bữa ăn - đây là nguyên nhân gây xơ vữa mạch máu.

Người bệnh cũng nên chú ý tuân thủ đúng thời gian uống thuốc có liên quan đến bữa ăn (uống trước khi ăn, trong hoặc sau khi ăn) theo chỉ định của bác sĩ.

Bạn cần tránh những thức ăn nhiều tinh bột, chất béo hoặc quá ngọt, nếu thường xuyên đi công tác bên ngoài.

Bạn có thể mang theo một số thức ăn dành cho người đái tháo đường trong trường hợp đã đến giờ mà bạn vẫn chưa kịp đi ăn, tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra.

Thực đơn ăn hàng tuần cho người bệnh, bạn có thể liên hệ với Phòng khám nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược để được tư vấn chế độ ăn thích hợp với chính bản thân bạn.

Sáng 27/1, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy, và Thạc sĩ - Bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình, Trưởng khoa nội tiết Đại học Y dược TP HCM, tư vấn trực tuyến với độc giả VnExpress.net về dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường. Ảnh: Thiên Chương

- Loại đường dành cho người tiểu đường tôi thấy rất ngọt. Không biết nếu người bình thường không bị bệnh dùng đường đó có tốt không? Có gây hại gì không? Loại đường đó có thể sử dụng trong nấu ăn hằng ngày được không? (Huỳnh Thị Thu Thủy, 37 tuổi, Nam Định)

- Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, hiện là Trưởng khoa nội tiết bệnh viện Chợ Rẫy: Đường dành cho người tiểu đường chỉ có vị ngọt, không sinh năng lượng. Do đó giúp cho người bệnh có cảm giác ngon miệng khi sử dụng các sản phẩm cần có vị ngọt như: nước trái cây, bánh kẹo ngọt, nấu chè... mà không gây tăng đường huyết. Đối với những người không bị bệnh tiểu đường như những người béo phì, thừa cân, người bình thường vẫn có thể sử dụng các sản phẩm này. Nên sử dụng những loại đường dành cho người tiểu đường đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Để nấu ăn bạn nên chọn những sản phẩm đường có ghi trên nhãn là có thể nấu ăn được.

- Bố cháu năm nay 55 tuổi, hay phải đi công tác xa và mắc bệnh tiểu đường đã 2 năm nay. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý với bố cháu rất khó thực hiện. Kính mong bác sĩ tư vấn để bố cháu có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. (Ánh Tuyết, 28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)

- BS Bích Đào: Chào bạn, dinh dưỡng là một phương pháp điều trị không cần dùng thuốc dành cho người bệnh tiểu đường. Phương pháp này được áp dụng thường xuyên, liên tục dù người bệnh ở nhà hay đi công tác. Vì vậy, để thích hợp cho việc đi công tác xa không tiện chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ chúng ta có thể áp dụng việc chuẩn bị bữa ăn dựa trên các nguyên tắc sau:

- Đảm bảo năng lượng cần thiết cho bữa ăn dựa trên việc phân bố năng lượng cho từng bữa ăn trong ngày. (Việc tính tổng năng lượng ăn vào của một ngày dựa theo các tiêu chí cân nặng lý tưởng, mức độ hoạt động và giới tính cũng như tình trạng bệnh lý).

- BS Đào: Đảm bảo sự cân đối trong các thành phần dinh dưỡng trong một bữa ăn: carbohydrat, Protid, Lipid và chất xơ - vitamin. Ví dụ: một bữa ăn bên cạnh cơm (hoặc bún, phở, mì...) cần có thịt hoặc cá hoặc các loại đậu, nấm và dầu ăn, rau tươi.

Trong những trường hợp bạn không thể mua hoặc chế biến các loại thực phẩm thông thường thì chúng ta có thể dùng các sản phẩm dinh dưỡng thay thế cho bữa ăn như sữa Glucerna. Đây là một sản phẩm dinh dưỡng có các thành phần dinh dưỡng như: carbohydrat, Protid, Lipid và chất xơ - vitamin ở tỷ lệ cân đối, có lợi cho sức khỏe của người tiểu đường. Đặc biệt những sản phẩm thay thế này có thành phần carbohydrat với chỉ số đường huyết thấp (GI-Glucose Index).

- Tôi đang mắc bệnh đái tháo đường, tôi rất quan tâm đến chế độ ăn dành riêng cho bệnh này. Hiện nay tôi đọc báo thấy có nghe nói đến người đái tháo đường chỉ nên sử dụng những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, xin bác sĩ cho biết thực tế về chỉ số này? (Trinh Trang, 32 tuổi, TP HCM)

- BS Bình: Khi ăn bất kỳ loại thực phẩm nào đều có thể làm tăng đường huyết ở các mức độ khác nhau mà thường được gọi là chỉ số đường huyết trong thực phẩm (GI - Glycemic Index).

Chỉ số tăng đường huyết cho biết sau khi ăn một lượng thức ăn chứa 50gr carbohydrat (tinh bột) là lượng đường trong máu của bạn tăng bao nhiêu phần trăm so với khi ăn glucose hoặc bánh mì trắng.

Muốn biết chỉ số này của từng loại thực phẩm khác nhau, người ta đã có quy ước như sau:

Chỉ số đường huyết cao khi GI > 70, ví dụ như: bánh mì trắng, chuối, mật ong, bánh mứt, kẹo...

Chỉ số đường huyết trung bình GI 56-69, gồm: khoai tây nướng, cam, yaourt, dứa (khóm)...

Chỉ số đường huyết thấp, với GI <, =55,="" gồm:="" đậu="" nành,="" cà="" rốt,="" đậu="" trắng,="" sữa="" glucerna="" sr="" (gi="" 30),="" đậu="" phộng,="" nước="" táo="" không="">

Người bệnh tiểu đường nên chọn những loại thực phẩm có chỉ số GI thấp, giúp đường huyết ổn định. Còn những thực phẩm có chỉ số GI trung bình nên dùng hạn chế. Riêng chỉ số GI cao, người bệnh không nên dùng.

Bác sĩ Bình: "Cán bộ nhân viên bị đái tháo đường cần tránh thức ăn có nhiều tinh bột, chất béo hoặc quá ngọt nếu thường xuyên đi công tác bên ngoài". Ảnh: Thiên Chương

- Trong một lần tình cờ đo đường huyết, máy thử cho kết quả là 181mg. Lúc đó tôi vừa ăn trưa được 20 phút! Xin hỏi là tôi đã bị bệnh đái tháo đường chưa? Đã cần phải thực hiện chế độ ăn kiêng chưa? Và nhân tiện xin bác sĩ tư vấn cho nên làm gì để không bị mắc bệnh này! (Xuân Phương, 37 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)

- BS Bích Đào: Chào bạn, muốn chẩn đoán bệnh đái tháo đường, người ta có thể tiến hành theo 3 cách sau:

- Đo đường huyết khi đói (sau khi nhịn ăn ít nhất là 8 giờ): đường huyết tương ở mức > 125 mg/dl và xét nghiệm này được lặp lại lần thứ 2 có kết quả như trên.

- Hoặc là đo đường huyết bất kỳ: đường huyết tương lớn hơn hoặc bằng 200 mg/dl.

- Hoặc là làm biện pháp dung nạp Glucose: kết quả đường huyết tương sau 2 giờ lớn hơn hoặc bằng 200 mg/dl.

Tuy nhiên trường hợp của bạn muốn chẩn đoán là đã bị đái tháo đường hay chưa bạn nên đến một cơ sở y tế để lấy máu tĩnh mạch và đo đường huyết sau khi đã nhịn ăn 8 giờ. Mục đích của việc này là chẩn đoán các tình trạng tăng đường huyết của bạn và từ đó áp dụng chế độ ăn thích hợp.

Để không bị đái tháo đường, đối với người bình thường nên ăn uống điều độ, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, hạn chế ăn các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như: ngọt quá mức, béo quá mức, ăn dư thừa năng lượng. Đặc biệt phải tăng cường vận động thể lực, tránh bị thừa cân hoặc béo phì.

Trong những trường hợp được chẩn đoán là tiền đái tháo đường, bạn nên áp dụng chế độ ăn như chế độ ăn của người đái tháo đường và tăng cường vận động thể lực.

- Tôi đo đường huyết chỉ số là 164. Vậy có thể coi là bị bệnh đái tháo đường chưa? Chế độ ăn uống có bị hạn chế không? (Nguyễn Trương Minh Hải, 43 tuổi, C6/35A ấp 4A xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh)

- BS Bích Đào: Chào bạn, chỉ số đường huyết của bạn là 164, có lẽ đơn vị là mg/dl. Tuy nhiên bạn không cho chúng tôi biết rõ là xét nghiệm này được thực hiện đo đường mao mạch hay tĩnh mạch và mức đường huyết này được đo sau khi ăn hay khi đói. Nếu xét nghiệm của bạn được đo sau khi đói 8 giờ và thực hiện trên máu tĩnh mạch thì bạn nên lặp lại xét nghiệm này lần thứ hai. Nếu kết quả vẫn lớn hơn 125 mg/dl thì bạn đã bị đái tháo đường và chế độ ăn là phương pháp điều trị không dùng thuốc sẽ được áp dụng. Việc ăn uống đúng cách (về năng lượng và dinh dưỡng) sẽ góp phần ổn định đường huyết tốt.

- Mẹ tôi bị bệnh tiểu đường đã hơn 1 năm rồi. Khi mới bị do không phát hiện và đi điều trị sớm nên mắt bị khô và mờ đi, cơ thể sụt cân nhanh chóng. Đi khám mới biết bị tiểu đường tuýp 2. Sau đó bác sĩ cho uống thuốc kết hợp với ăn kiêng, giờ mẹ tôi lại lên cân nhanh và béo trở lại như ngày chưa bị bệnh, đi thử nước tiểu thì không thấy còn lượng đường nữa. Vậy mẹ tôi có cần phải uống thuốc thường xuyên và ăn kiêng như trước nữa không? (Đinh Thu Hương, 30 tuổi, TP HCM)

- BS Bích Đào: Chào bạn, mẹ bạn mới phát hiện tiểu đường trên một năm, tuy nhiên đã bị ảnh hưởng của bệnh trên sức khỏe. Việc bác sĩ cho uống thuốc kết hợp với ăn kiêng đã giúp mẹ bạn tăng cân trở lại như lúc chưa bệnh chứng tỏ việc điều trị đã có hiệu quả. Tuy nhiên việc kiểm soát bệnh chỉ dựa vào xét nghiệm thử đường trong nước tiểu là chưa đầy đủ để giúp đánh giá sự ổn định của bệnh. Vì vậy, bạn nên xét nghiệm đường huyết cho mẹ bạn theo lịch trình bác sĩ yêu cầu. Việc ổn định đường huyết là nhờ vào sử dụng thuốc và chế độ ăn hợp lý thường xuyên và liên tục. Bạn cần tiếp tục duy trì việc uống thuốc và ăn kiêng như trước. Tuy nhiên, bạn cần đưa mẹ đi khám bác sĩ định kỳ để việc theo dõi bệnh được sát hơn.

Bác sĩ Đào: "Để không bị đái tháo đường, người bình thường nên ăn uống điều độ, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, hạn chế ăn các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như: ngọt quá mức, béo quá mức, ăn dư thừa năng lượng. Đặc biệt phải tăng cường vận động thể lực, tránh bị thừa cân hoặc béo phì". Ảnh: Thiên Chương 

- Xin bác sĩ cho biết bưởi có phải là loại trái cây giúp giảm lượng đường không? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi những loại trái cây có lợi cho người bị bệnh đái tháo đường. (Truc Nguyen, 36 tuổi, Bắc Ninh)

- BS Bình: Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh bưởi là loại trái cây giúp giảm lượng đường. Bưởi không phải là loại trái cây giúp chữa bệnh tiểu đường.

Bưởi có lượng đường chiếm từ 5-10gr đường trong 100gr bưởi. Bạn chỉ nên ăn chừng mực, không nên ăn quá nhiều, bởi có khả năng tăng đường huyết. Người bệnh tiểu đường có thể ăn bất kỳ loại trái cây nào, vì trái cây là nguồn cung cấp sinh tố, muối khoáng và xơ rất tốt. Chất đạm, chất béo có ít trong trái cây. Riêng, bơ và sầu riêng có nhiều chất béo.

Dù đường trong trái cây là đường fructose, nhưng nếu ăn nhiều vẫn góp phần làm tăng đường huyết. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn 1-2 suất trái cây trong ngày, vì mỗi suất trái cây có 10gr đường. Ví dụ: nếu bạn ăn xoài, lê, lựu, táo, chuối, ổi, cam, hồng đỏ, sapochê chỉ nên ăn một quả nhỏ đến quả vừa. Nho, nhãn nên ăn 8-10 quả một suất trong ngày. Chôm chôm, vải 4-5 quả; đu đủ, dứa, dưa hấu, mãng cầu xiêm chỉ một lát (dày 1cm); sầu riêng, mít nên ăn 1 múi lớn hoặc 2 múi nhỏ...

Bạn nên ăn trái cây như một món tráng miệng sau bữa ăn. Nếu ăn luôn cả vỏ sẽ tốt hơn, vì đây là lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể.

- Từ lúc phát hiện bị tiểu đường, mẹ tôi kiêng hoàn toàn hoa quả ngọt, bánh kẹo, những đồ ăn nhiều đạm như tôm, các loại thịt... Xin cho tôi hỏi, như thế có hợp lý không? Mẹ tôi có nên ăn hoa quả ngọt nhưng với lượng vừa phải không? Ngoài ra, mẹ tôi còn bị huyết áp thấp, hay bị hạ đường huyết nên thường phải ăn vặt, nhiều bữa nhỏ, nếu không sẽ bị chóng mặt, mệt. Trong khi đó, người bệnh tiểu đường được khuyên chỉ ăn 3 bữa một ngày, vậy xin bác sĩ chỉ giúp chế độ ăn thích hợp? Tôi xin cảm ơn nhiều! (Linh Đan, 27 tuổi, Thanh Xuân)

- BS Bình: Mẹ bạn không nên kiêng hoàn toàn hoa quả ngọt, bánh kẹo, tôm, thịt, nhưng phải ăn chừng mực theo như hướng dẫn của bác sĩ điều trị, hoặc nên gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn cụ thể, phù hợp.

Bạn chưa nói rõ các loại thuốc điều trị hạ đường huyết của mẹ bạn cũng như có được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa hay không? Tình trạng hạ đường huyết thường xuyên khiến mẹ bạn ăn nhiều bữa nhỏ sẽ làm cho đường huyết khó ổn định, gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu mẹ bạn bị biến chứng xơ vữa mạch máu nặng.

Bạn nên đưa mẹ đến trung tâm nội tiết, chuyên khoa đái tháo đường để được tư vấn và điều trị phù hợp.

- Bác sĩ cho hỏi: Em bị tiểu đường túyp 1, trong những ngày tết có ăn được các món như: chả lụa, bánh chưng không?Cảm ơn bác sĩ. (Hong Quang, 39 tuổi, Quan Tan Phu)

- BS Bình: Bạn hoàn toàn có thể ăn các món như đã nêu. Nhưng nếu bạn ăn bánh chưng thì không nên ăn cơm thêm trong bữa ăn chính, vì trong bánh chưng đã có đủ thành phần dinh dưỡng: chất béo, đạm, tinh bột. Bạn chỉ nên ăn bánh chưng cỡ 100gr cho mỗi bữa ăn để đường huyết không tăng.

Tuy nhiên, bánh chưng thiếu chất xơ, nên bạn có thể ăn thêm dưa món ngâm với dấm đường. Dưa món không chỉ làm mất đi cảm giác ngán khi ăn bánh chưng mà còn tăng cường chất xơ cho bữa ăn của bạn.

- Xin hỏi bác sĩ , trong một số báo gần đây (khoảng 3 tuần trước) có cho biết khoai lang là một trong các thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường, nhưng theo hiểu biết của tôi thì khoai lang nhiều tinh bột và đường, như vậy ăn khoai lang có được không. Xin chân thành cám ơn bác sĩ (Nguyễn Phước Đằng, 55 tuổi, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

- BS Bình: Khoai lang thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết cao trung bình, nên bạn chỉ được ăn ở mức độ vừa phải (1-2 củ trong một ngày), bởi nếu ăn nhiều cũng sẽ tăng đường huyết.

- Thưa bác sĩ! Chế độ ăn uống sinh hoạt thế nào để tránh bệnh tiểu đường ạ. (Chu Chấn Hoa, 44 tuổi, 295 Phan Bội Châu, Hải Phòng)

- BS Bích Đào: Bệnh đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa hiện đang có xu hướng gia tăng trên thế giới cũng như ở các nước châu Á, trong đó có VN. Các yếu tố thuận lợi cho việc gia tăng tỷ lệ bệnh bao gồm cả chế độ ăn và chế độ vận động thể lực. Vì vậy để phòng tránh bệnh, chúng ta có thể can thiệp vào các yếu tố này.

Chế độ ăn: nên thực hiện chế độ ăn hợp lý, sử dụng các thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Chế độ ăn hợp lý là chế độ ăn cung cấp đầy đủ năng lượng cho sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Không nên ăn thiếu hoặc quá dư thừa năng lượng. Chế độ ăn hợp lý còn là chế độ ăn có sự cân đối trong việc sử dụng các thành phần dinh dưỡng carbohydrat (gạo, ngô, mì, nui, khoai, đường các loại... ), protid (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, nấm...), lipid (chất béo từ động vật và thực vật), chất xơ (rau quả các loại). Tỷ lệ các chất này thường là: carbohydrat 50-60%, protid 10-20%, lipid dưới 30% (hạn chế các loại chất béo bão hòa như mỡ động vật).

Một vấn đề nữa cần phải lưu ý khi lựa chọn các loại carbohydrat là nên sử dụng carbohydrat có chỉ số đường huyết trung bình hoặc thấp. Ví dụ: gạo chà xát ít (gạo lức), bánh mì đen, các loại đậu, khoai tây, mì sợi, các loại trái cây như cam, khóm, các loại rau củ như cà rốt, đậu trắng, đậu nành... hoặc các sản phẩm thay thế có chỉ số đường huyết thấp như các loại sữa chuyên biệt cho người tiểu đường.

- Vận động thể lực: một chế độ sinh hoạt ít vận động sẽ bất lợi cho chuyển hóa của cơ thể. Vì vậy, cần có chế độ vận động thể lực hợp lý theo tình trạng sức khỏe. Bạn cần vận động thể lực thường xuyên và với mức độ tăng dần. Việc lựa chọn loại hình vận động thể lực nào là tùy theo ý thích của bạn (đi bộ, đi bộ nhanh, chạy, bơi, chơi tennis...) và phải phù hợp với tình trạng sức khỏe để tránh làm tổn thương các cơ quan chịu sự tác động của vận động (các cơ khớp ở chân, tay, tim mạch, mắt...)

Các bác sĩ nội tiết cho rằng nguyên nhân đái tháo đường chủ yếu do chế độ ăn và chế độ vận động. Ảnh: Thiên Chương

- Ba tôi đang mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Tôi lo lắng Tết bận rộn sẽ không chuẩn bị được một bữa ăn dinh dưỡng cân đối cho ba để đảm bảo sức khỏe, vì thức ăn ngày Tết thường nhiều đường và dầu mỡ, rất dễ làm tăng mức đường huyết. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi một loại thực phẩm dinh dưỡng thay thế đáng tin cậy, cũng như cách sử dụng của loại thực phẩm này. Xin cảm ơn bác sĩ (Nguyen Tan Thinh, 27 tuổi, Tan Vinh, Q.4, TP HCM)

- BS Bình: Hiện có nhiều thực phẩm dinh dưỡng có chỉ số đường huyết thấp có thể dùng ngay, không cần chế biến nhiều. Bạn có thể mua được ở các cửa hàng thực phẩm chế biến sẵn, đọc kỹ hướng dẫn để xem ba bạn thích hợp với loại thực phẩm nào.

- Tôi năm nay 41 tuổi, vừa phát hiện mắc tiểu đường túyp 2. Tôi phải hạn chế ăn uống, nhưng lại rất thích uống sữa. Vậy xin bác sĩ cho biết tôi có nên tiếp tục uống sữa không? Cám ơn. (Huỳnh Nga, 41 tuổi, TP HCM)

- BS Bình: Bạn vẫn có thể uống sữa được. Tuy nhiên, bạn nên chú ý dùng những loại sữa không có đường: sữa đậu nành, sữa tươi tiệt trùng. Mỗi ngày bạn có thể dùng 200-500 ml.

- Cô ơi, mẹ cháu bị tiểu đường ( ở mức độ nhẹ thôi) thì có ăn được muối vừng, muối lạc không ạ? (Bùi Thùy Linh, 24 tuổi, Đội Cấn, HN)

- BS Bình: Mẹ cháu hoàn toàn có thể ăn được muối vừng, muối lạc, nhưng không nên ăn mặn vì bệnh tiểu đường có biến chứng cao huyết áp và tim mạch.

- Nhà cháu có 3 ngưòi bị bệnh tiểu đường rồi, làm thế nào để những người còn lại tránh được bệnh này, hiện nay cả nhà cháu đều đã áp dụng chế độ ăn kiêng dành cho người bị tiểu đường rồi? (Hien, 32 tuổi, Da Nang)

- BS Bích Đào: Chào bạn, đái tháo đường là bệnh lý có yếu tố di truyền nên nhà bạn đã có 3 người bị tiểu đường. Những thành viên còn lại được gọi là những người có nguy cơ cao. Để phòng tránh bệnh cho những người trong gia đình chưa bị mắc bệnh, ta có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Theo dõi để phát hiện sớm bệnh: hàng năm nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện kịp thời.

- Áp dụng chế độ ăn hợp lý, có lợi cho sức khỏe.

- Vận động thể lực tích cực: vận động ít nhất 30 ph mỗi ngày hoặc trên 150 phút mỗi tuần.

- Hạn chế các chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá.

- Tôi bị bệnh tháo đường đã 5 năm nay, tôi tuân thủ theo chế độ ăn uống như bác sĩ đã hướng dẫn. Nhưng mỗi buổi sáng tôi có thói quen uống một ly cà phê sữa như người bình thường vậy có ảnh hưởng gì đến quá trình điều trị hay không? (Nguyễn Văn Đảm, 60 tuổi, Quảng Nam)

- BS Bích Đào: Để tiếp tục thói quen uống cà phê sữa mỗi sáng, bác có thể dùng cà phê với các loại sữa không đường (sữa tươi không đường, sữa bột không đường). Không nên sử dụng các loại sữa đặc có đường hoặc sữa bột có đường.

- Xin hỏi bác sĩ chế độ ăn mỗi bữa ít chất bột ( gạo, ngô khoai sắn...), đạm vừa đủ và nhiều rau có phải tối ưu? Người lớn tuổi bị tiểu đường có nên ăn chay? Tôi định ăn theo cách: ăn đầy đủ bữa sáng, ăn vừa phải bữa chiều, chỉ ăn rau bữa tối thì có nên duy trì? Cám ơn bác sĩ (Trần Thị Thu Hà, 60 tuổi, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội)

- BS Bình: Để tính năng lượng tối thiểu cho một ngày của một người phải dựa vào cân nặng, chiều cao, tuổi, giới tính và chế độ làm việc của người đó. Năng lượng tối thiểu này gồm 3 chất cơ bản: tinh bột (glucoxit), đạm (protit), chất béo (lipit), được chia thành các tỷ lệ như sau: tinh bột chiếm 50-55%, đạm chiếm 15-20%, chất béo dưới 30% của tổng năng lượng tối thiểu của một người. Ngoài ra, để cung cấp thêm vitamin, vi lượng và các chất xơ thì cần phải bổ sung thêm rau xanh, trái cây.

Người lớn tuổi bị tiểu đường có thể ăn chay được, nhưng vẫn phải bảo đảm tỷ lệ như đã nêu trên. Đạm động vật được thay thế bằng đạm thực vật (đậu nành và các loại đậu khác). Ăn chay nhưng bác cũng nên bổ sung thêm vitamin và các thành phần vi lượng thiết yếu.

Theo như cách bác định ăn thì tổng năng lượng cho 3 bữa nên theo như tỷ lệ như trên. Tuy nhiên, bác nên ăn đều ở các bữa, không nên chênh lệch quá nhiều sẽ khiến đường huyết dao động, khó kiểm soát. 

- Tôi bị tiểu đường, được phát hiện hơn 2 tháng trước và đang được điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên trong 2 tháng tôi đã giảm 5kg. Trước khi điều trị số cân nặng là hợp với chiều cao (62Kg/ 1,64m). Xin bác sĩ cho lời khuyên: làm thế nào để duy trì được mức đường mà không bị giảm cân. (Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội)

- BS Bích Đào: Chào bạn, điều quan tâm của bạn về việc sụt cân nhanh trong 2 tháng điều trị vừa qua là đúng. Việc điều trị cho người tiểu đường là phải đảm bảo cho việc duy trì cân nặng ở mức lý tưởng (BMI từ 19-23 kg/m2). Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc giảm cân hiện tại của bạn: chế độ ăn kiêng quá mức, không cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Hoặc bạn đã vận động quá mức. Hoặc bạn còn có một số bệnh mãn tính khác chưa phát hiện để điều trị kịp thời. Vì vậy bạn nên báo với bác sĩ trực tiếp theo dõi và điều trị bệnh cho bạn biết về tình trạng này để xử kịp thời.

Các bác sĩ khuyên người đái tháo đường vẫn có thể ăn uống nhiều loại thực phẩm nhưng không nên quá no, quá say, chỉ đủ khoảng 70% bao tử là vừa. Ảnh: Thiên Chương

- Mẹ cháu bị tiểu đường loại 2, theo chia sẻ của một vài người, thì phơi khô và nấu để uống nước lá dứa trong vài tháng sẽ giúp giảm hoặc hết bệnh, mong bác sĩ cho biết độ tin cậy của thông tin này. Ngoài ra, uống cafe mỗi ngày có ảnh hưởng thế nào đến bệnh tiểu đường ạ? Xin bác sĩ tư vấn thêm một vài loại rau quả có thể giúp ích cho việc giảm đường huyết. (Phan Hoang, 35 tuổi, TP HCM)

- BS Bình: Theo tôi biết, hiện nay rộ lên phong trào trong nhóm bệnh nhân đái tháo đường là phơi khô và nấu lá dứa để uống, thay thế cho việc dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, đây là bài thuốc nam chưa được nghiên cứu về khả năng điều trị bệnh tiểu đường một cách chính thức. Vì vậy, mẹ bạn nên tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Người bệnh đái tháo đường có thể uống cà phê mỗi ngày. Tuy nhiên, trong cà phê có cafein có thể làm tăng đường huyết nên chỉ uống lượng ít và không có đường.

Các loại rau xanh đều tốt cho bệnh nhân đái tháo đường, vì nó cung cấp vitamin và chất xơ. Chất xơ có tác dụng làm chậm việc tăng đường huyết sau ăn, giảm cholesteron, phòng ngừa ung thư đại tràng, giảm xơ vữa mạch máu, chống táo bón...

- Cô ơi! Cho cháu hỏi, Mẹ cháu năm nay đã 73 tuổi đã bị bệnh tiểu đưòng 5 năm rồi, nhưng gần đây ăn ít, đi lại khó khăn, thường đi ngoài lỏng, vậy cần phải ăn uống như thế nào (Nguyễn An Hiền, 59 tuổi, Phú Thiện, Gia lai)

- BS Bình: Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cho người bệnh đái tháo đường. Bạn cần đưa mẹ đến khám ở bệnh viện để bác sĩ xác định nguyên nhân gây tiêu chảy, để có biện pháp chữa trị hiệu quả.

- Ông nội em bị đái tháo đường, mới phát hiện bệnh một thời gian. Ngoài ra ông em còn bị bệnh mỡ trong máu và bệnh tim. Xin được hỏi ông em có thể ăn các món chế biến với dầu thực vật được không? Và những loại hoa quả nào có thể ăn? (Trần Thu Trang, 20 tuổi, Hoàng Cầu)

- BS Bích Đào: Chế độ ăn cân đối với các thành phần dinh dưỡng như: carbohydrat, protid, lipid, chất xơ được áp dụng cho bệnh nhân đái tháo đường là chế độ ăn có lợi cho việc ổn định đường huyết, lipid máu, huyết áp... Vì vậy, ông nội em bị bệnh đái tháo đường, có mỡ trong máu và bệnh tim vẫn áp dụng chế độ dinh dưỡng này. Tuy nhiên cần lưu ý: các món ăn chế biến với dầu thực vật nên lựa chọn dầu thực vật có lợi cho tim mạch như: dầu ô liu, dầu bắp, dầu đậu nành, dầu mè...

Các loại hoa quả có thể ăn: những loại có vị ngọt ít như: thanh long, mận, ổi, cam quýt...

- Tôi đi khám bệnh định kỳ do cơ quan tổ chức tại bệnh viện Đại học Y dược. Có kết quả chỉ số đường là 270.Bs ghi trong kết quả cần tư vấn của bác sĩ. (Phạm Đức Thanh, 48 tuổi, Tân Quy, quận 7, TP HCM)

- BS Bình: Nếu kết quả đường huyết là 270 mg/% trong đợt khám sức khỏe định kỳ của cơ quan, nhiều khả năng bạn đã bị tiểu đường. Vì vậy, bạn hãy đến phòng khám chuyên khoa nội tiết để được tư vấn, điều trị càng sớm càng tốt.

- Thưa bác sĩ, giữa tiêm thuốc và uống thuốc đái tháo đường có khác nhau không? (Nguyen Duc Hoang, 26 tuổi, So 11 ngach 898/51 duong lang ha noi)

- BS Bích Đào: Các thuốc điều trị đái tháo đường bao gồm: các thuốc hạ đường huyết uống và insulin. Các thuốc này đều có tác dụng làm giảm đường huyết. Tuy nhiên việc lựa chọn thuốc nào để điều trị và phối hợp trong pháp đồ điều trị tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, các biến chứng của bệnh và do bác sĩ quyết định.

Các thuốc hạ đường huyết uống thường được chỉ định cho bệnh nhân đái tháo đường túyp 2 chưa có chống chỉ định với thuốc uống.

Thuốc insulin là loại thuốc tiêm, được chỉ định cho những bệnh nhân bị đái tháo đường túyp 1 hoặc túyp 2 cần sử dụng hoặc người đái tháo đường có thai...

- Chào các bác sĩ. Tôi bị đái tháo đường tuýp 1, cao 1.7m, nặng 50kg, mỗi ngày ăn 3 bữa, mỗi bữa 1,5 bát cơm. Ngoài ra chỉ ăn một ít hoa quả như 2 quả roi hoặc vài múi bưởi hoặc một số loại hoa quả khác. Như vậy có đủ lượng dinh dưỡng không? (Nguyễn Minh Đức, 40 tuổi, Hà Nội)

- BS Bình: Để biết bạn đã được cung cấp đủ năng lượng cho một ngày chưa, bạn có thể tham khảo công thức tính năng lượng như sau: Cân nặng lý tưởng (P) = chiều cao (m) X chiều cao (m)) X 22.

Nhu cầu calori tối thiểu hàng ngày được tính theo công thức sau:

C = Cân nặng lý tưởng (kg) X nhu cầu calori tiêu chuẩn (kcal/kg cân nặng).

Nhu cầu calori tối thiểu phụ thuộc vào tính chất công việc hàng ngày của bạn (công việc nhẹ: 25-30 kcal/kg, trung bình: 30-35 kcal/kg, hơi nặng: 35-40 kcal/kg, nặng: trên 40 kcal/kg). Với công thức này, bạn có thể tính xem mình có đủ cung cấp đủ năng lượng hay chưa.

Ngoài hoa quả và tinh bột, bạn đừng quên phải có thêm thành phần đạm (15-20% tổng năng lượng mỗi ngày), chất béo không bão hòa trong khẩu phần ăn hàng ngày.

- Mẹ chồng tôi 72 tuổi, bị tiểu đường type II đã 4 năm nay, vẫn liên tục dùng thuốc hàng ngày kết hợp chế độ ăn uống rất hợp lý, nhưng thỉnh thoảng chỉ số đường huyết tăng lên tương đối cao. Bác sĩ có thể cho biết các nguyên nhân gây tăng đường huyết đối với bệnh nhân tiểu đường type II được không ạ? (Nguyễn Hiền, 31 tuổi, Đồng Nai)

- BS Bích Đào: Chào bạn, việc mẹ bạn đã sử dụng thuốc và chế độ ăn hợp lý thường xuyên là cần thiết và rất tốt. Tuy nhiên thỉnh thoảng đường huyết vẫn có thể tăng lên do còn có nhiều yếu tố khác tác động vào đường huyết. Ví dụ như: bị các bệnh khác kèm theo (cảm cúm, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng tiêu hóa...), ăn một số thực phẩm làm tăng đường huyết, uống một số thuốc để điều trị bệnh đột xuất làm ảnh hưởng tới đường huyết, hoặc giảm vận động so với bình thường.

- Tôi nghe nói bệnh nhân đái tháo đường thường bị biến chứng mù mắt sau khoảng 5-10 năm mắc bệnh. Như vậy, nếu từ khi mắc bệnh, bệnh nhân tuân thủ đầy đủ chế độ dinh dưỡng và uống thuốc đúng thì có gặp biến chứng về mắt và chân như bình thường không ah, xin chân thành cảm ơn bác sĩ (Nguyen Thi Huong, 53 tuổi, 539/29 CMT8, P15, Q10)

- BS Bình: Nếu người bệnh đái tháo đường tuân thủ theo đúng chế độ dinh dưỡng và thuốc điều trị thì vẫn có thể có hoặc không có một số biến chứng như bạn đã biết. Tuy nhiên, nếu có biến chứng thì sẽ xuất hiện chậm và diễn tiến chậm hơn, có thể phòng ngừa những biến chứng cấp nặng so với những người không tuân thủ điều trị.

- Tôi năm nay 50 tuổi mắc bệnh được 6 tháng. Đôi khi hay bi tuột đường huyết khi tập thể dục. Xin hỏi nguyên nhân do đâu và chế độ ăn uống như thế nào là tốt nhất đối với tôi. (Lần thử đầu tiên là 226mg/dl, những lần thử sau đường huyết của tôi là 103mg/dl, 95mg/dl,86mg/dl,106mg/dl...) (Bao Le, 50 tuổi, TP HCM)

- BS Bích Đào: Tình trạng đường huyết hiện tại của bạn (103mg/dl, 95mg/dl, 86mg/dl,106mg/dl) là rất tốt, chứng tỏ đường huyết được kiểm soát chặt chẽ. Việc đôi lúc bạn hay bị hạ đường huyết khi tập thể dục có thể do một số yếu tố sau: thời điểm đó vận động quá mức so với bình thường hoặc kéo dài thời gian tập luyện so với bình thường. Cũng có thể do bữa ăn trước không đảm bảo về năng lượng và dinh dưỡng so với nhu cầu của cơ thể.

Để phòng tránh hiện tượng hạ đường huyết khi luyện tập, bạn cần ước lượng thời gian và mức độ luyện tập của lần tập luyện đó. Nếu bạn muốn tập với cường độ cao hơn và kéo dài hơn thì nên ăn nhẹ trước khi luyện tập. Nếu ngày hôm trước bạn ăn ít hơn so với lệ thường, bạn nên thử đường huyết trước khi luyện tập vào sáng hôm sau. Nếu đường huyết quá thấp, bạn nên ăn nhẹ trước khi luyện tập. Trong trường hợp bạn đang bị một số bệnh thông thường kèm theo như cảm cúm, tiêu chảy, bạn có thể nghỉ tập trong thời gian bị bệnh để phòng tránh nguy cơ bị hạ đường huyết do ăn uống kém.

- Tôi thấy trên thị trường hiện nay có một số loại thực phẩm có ghi là dành riêng cho người tiểu đường. Nhưng thực sự không tin tưởng vào những lời giới thiệu này! Vậy bác sĩ có thể giới thiệu giúp một số loại thực phẩm chuyên dụng cho người bị tiểu đường không? (Trần Đức Hiền, 27 tuổi, Linh đàm - hoàng mai - hà nội)

- BS Thanh Binh và BS Bích Đào: Chào bạn, thực phẩm chuyên dụng cho người đái tháo đường bao gồm các sản phẩm dinh dưỡng thay thế cho bữa ăn. Các sản phẩm này phải đảm bảo việc cung cấp năng lượng hợp lý trong một lượng thực phẩm vừa đủ và đảm bảo sự cân đối về các thành phần dinh dưỡng như: carbohydrat (tinh bột), protid (đạm động thực vật), lipid (chất béo động vật và thực vật), chất xơ và vitamin (các loại rau quả tươi). Đặc biệt, nên chọn những sản phẩm cung cấp các loại carbohydrat có chỉ số đường huyết thấp, chất béo có lợi cho việc ổn định lipid máu, tim mạch và huyết áp, cũng như các loại chất xơ có lợi cho sức khỏe của đường tiêu hóa và sự hấp thu đường từ thức ăn. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm chuyên dụng cho người đái tháo đường có tính năng trên và đã có nhiều nghiên cứu chứng minh.

Năm mới Tết đến sẽ có nhiều loại thực phẩm phong phú như: bánh mứt, thịt chả, trái cây, rượu bia. Người đái tháo đường vẫn có thể sử dụng được nhưng với số lượng vừa phải. Chúng tôi có lời khuyên chỉ ăn 70% dung lượng bao tử thôi, không nên xả láng. Đừng ăn quá no, đừng uống rượu bia quá nhiều, quá say kẻo hại đến sức khỏe.

Hy vọng với những lời khuyên trên đây, các bạn sẽ đón một cái tết an lành, vui vẻ, dồi dào sức khỏe.

Đời Sống

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]