Nghệ thuật ngẫu hứng: Tất cả đều đúng nhưng cần có lề lối

Một buổi hội thảo thực hành về tính ngẫu hứng trong nghệ thuật diễn ra tại Hà Nội dưới sự điều phối của ông David Glass, đạo diễn sân khấu không kịch bản hàng đầu Anh quốc và Thạc sĩ nghệ thuật Phan Ý Ly.

15.6055

Sự sáng tạo ngẫu hứng (hay đồng sáng tạo) ngày càng trở nên phổ biến trong nghệ thuật đương đại. Chính vì thế, công chúng từng được thưởng thức “Người lạ”- vở diễn ứng tác của Sân khấu Nháp, vở múa “Hạn hán và cơn mưa” do Easola Thủy chủ trương đưa người nông dân lên sân khấu làm diễn viên, âm nhạc ngẫu hứng của Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc… Vì thế buổi hội thảo mang tên “Tính ngẫu hứng trong nghệ thuật: Sự dễ dãi hay lao động nghiêm túc” diễn ra hôm 12/11 đã thu hút các nghệ sĩ như Vũ Nhật Tân, đạo diễn Hoàng Điệp, biên đạo múa Hoàng Tùng (Nhà hát Tuổi Trẻ), nhà báo Uyên Ly và nhiều bạn trẻ tham dự.

Những người tham gia workshop, trong đó có đạo diễn Hoàng Điệp, biên kịch Hoàng Tùng, điều phối viên dự án sân khấu Nháp Bảo Khiêm...

Không giống những buổi hội thảo truyền thống, chương trình tại Life Art (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) diễn ra như một workshop, là sự trao đổi giữa những người tham gia, và thực hành các bài tập khác nhau để tự mỗi người có thể trải nghiệm và rút ra những kết luận riêng. Ông David Glass - chuyên gia, người sáng lập và giám đốc nhà hát không kịch bản tại Anh - cho biết sự sáng tạo ngẫu hứng trong nghệ thuật không phải là điều gì quá mới mẻ. Ở Nga, Ba Lan, Anh, từng dấy lên phong trào sáng tạo ngẫu hứng vào những năm 1960, 1970. “Nó giống như một cuộc cách mạng nhỏ, nơi mọi người cảm thấy có thể diễn một vở kịch mà không cần biên kịch và đạo diễn, nơi họ thấy một tập thể quan trọng hơn một người lãnh đạo”- ông David chia sẻ. Ông cho biết thêm ở Anh hiện vẫn có những nhà hát không kịch bản, nơi các diễn viên hoàn toàn ứng tác, thậm chí có cả gameshow truyền hình không có kịch bản trước.

Đi từ những bài thực hành đơn giản đến tư duy phức tạp, David Glass dần dần giúp người tham gia workshop có những trải nghiệm với sự sáng tạo ngẫu hứng. Ban đầu, tất cả thực hiện một bài tập tình huống đơn giản: Giả sử mọi người đang đi chơi công viên, mỗi người sẽ đặt ra một tình huống giả định, người thì gặp trời mưa, người thì sẽ bày tiệc, người thì bị chó đuổi, người thì vui chơi… Tất cả các ý tưởng đó đều được người điều phối cho là đúng và tốt bởi “chúng ta không nên tiêu diệt bất cứ ý tưởng nào. Sau đó có thể phân loại các ý tưởng theo 3 nhóm: nhóm thực hiện được, nhóm khả thi có thể thực hiện, và nhóm không thể thực thi”. Tới lúc đó sẽ quyết định ý tưởng nào tốt, thú vị, hay thì thực thi, và loại bỏ ý tưởng nào.

Đạo diễn David Glass.

Ý tưởng nào cũng đúng, vậy cứ nghĩ gì rồi làm theo nó phải chăng đều được coi là có tính sáng tạo ngẫu hứng? Đó là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc, và David Glass thông qua bài thực hành đã khẳng định sự sáng tạo ngẫu hứng nhất thiết cần tuân thủ theo những kỹ thuật, trong đó tập quên là một điều quan trọng: “Phải quên đi những định kiến, mặc định trong đầu thì mới sáng tạo được. Khi sáng tạo cần phải vật lộn với 'vị chỉ huy' là thói quen sẵn có. Và tất nhiên trong việc sáng tạo ngẫu hứng, khi đồng sáng tạo thì cần có một người điều phối”.

Đồng quan điểm với David, Thạc sĩ nghệ thuật Phan Ý Ly cho rằng không có bất cứ lý thuyết nào cho tính sáng tạo ngẫu hứng, song sự sáng tạo ngẫu hứng luôn đòi hỏi một lề lối cụ thể. “Ví dụ trong một vở diễn, nếu người diễn viên được phép sáng tạo ngẫu hứng, nhưng anh ta cứ thế ứng tác mà không lấy điểm gì ra làm lề, làm sự an toàn cho thành công, thì chắc chắn mọi việc sẽ loạn xì ngầu”.

Bài tập thực hành cuối cùng của workshop là một minh chứng cho những khả năng tuyệt vời mà sáng tạo ngẫu hứng có thể mang lại. Khi người điều phối đưa ra gợi ý về việc mỗi người nằm xuống và thấy mình bay lên rồi dừng chân tại một ngôi nhà, sau đó lại bay lên, thì mỗi người đã vẽ ra giấy những câu chuyện thú vị khác nhau. Trong khi đạo diễn Hoàng Điệp kể câu chuyện gặp nàng Mỵ Châu và việc mình biến thành một cái lông ngỗng, thì nhà báo Uyên Ly lại kể về sự gặp gỡ với một người đàn ông tẻ nhạt, và cô đột nhiên mọc ria mép… Còn nhiều câu chuyện hấp dẫn kinh ngạc khác đã được vẽ ra với sự sáng tạo ngẫu hứng của các thành viên work shop.

Kết thúc buổi hội thảo thực hành, mỗi người tham dự đã được trải nghiệm và tỏ ra hào hứng với những điều mình tự rút ra được về sáng tạo ngẫu hứng. Ông David Glass bày tỏ mong muốn được trở lại Việt Nam và tham gia nhiều hơn nữa các dự án về sáng tạo ngẫu hứng, sân khấu không kịch bản.

Lâm Thu

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]