Ngủ nhiều có phải là bệnh?

(SKGĐ) Mất ngủ khiến chúng ta suy giảm sức khỏe và tinh thần nhưng ngủ nhiều hoặc thường xuyên rơi vào trạng thái buồn ngủ cũng nguy hiểm không kém.

15.5674

 

Thèm ngủ hơn thèm ăn

Gần đây, chị Trang, ở Q1, TP. HCM thường xuyên rơi vào tình trạng buồn ngủ. Hồi có bầu con trai lớn, chị cũng thường ngủ gà ngủ gật ở công ty. Vì thế, lần này chị tưởng lại “dính” bầu. Chị mua luôn mấy que thử thai về để kiểm tra nhưng vẫn chỉ có 1. Cơn buồn ngủ vẫn hành hạ khiến chị không còn thói quen như xem phim, lướt web buổi tối và tập thể dục vào buổi sớm để tranh thủ ngủ thêm phút nào hay phút ấy. Hai ngày cuối tuần, thay vì giải quyết một đống công việc thì chị lại “cống hiến” thời gian cho giấc ngủ. Đồng thời chị cũng trở nên dễ cáu gắt, ít giao tiếp với đồng nghiệp, thậm chí cả chồng con. Có lúc chị Trang bỏ cả bữa cơm để được ngủ. Cho đến một lần chị ngái ngủ ngay ở ngã tư, lúc đèn đỏ chuyển sang xanh và bị một xe khác tông vào thì chị được đưa đến bệnh viện khám vội. Sau một hồi đo huyết áp, làm xét nghiệm máu, xác định độ đường trong máu và các hormone tuyến giápbác sỹ kết luận chị Trang bị rối loạn giấc ngủ, dấu hiệu của bệnh trầm cảm dạng nhẹ.

Cũng gặp những cơn buồn ngủ triền miên như chị Trang chị Thanh, Hà Đông, Hà Nội bác sỹ khám chẩn đoán ngoài dấu hiệu trầm cảm còn mắc thêm chứng huyết áp thấp. Chị Thanh đã rất ngạc nhiên, vì trước đó, đi khám ở một phòng khám tư, chị được thông báo là bị huyết áp cao và đã uống rất nhiều loại thuốc. Các bác sỹ cho biết, có thể do điều trị cao huyết áp không đúng cách đã khiến bệnh của chị Thanh phát triển theo chiều hướng khác, nghiêm trọng hơn, và dấu hiệu thấy rõ nhất chính là những cơn buồn ngủ đến thường xuyên vào ban ngày.

Dấu hiệu của nhiều bệnh

PGS.TS. Trần Hữu Bình, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Thông thường, ngủ nhiều hoặc thường xuyên rơi vào trạng thái thèm ngủ là hệ quả tất yếu của việc cơ thể đã thức quá lâu, mệt mỏi, lao lực vì công việc hoặc kiệt sức sau khi ốm.

Nếu nó chỉ là phản ứng của cơ thể khi bạn ngủ quá ít trong những ngày đi làm và sẽ tự mất đi khi được ngủ nhiều hơn vào cuối tuần thì chỉ là hội chứng thiếu ngủ ngoại sinh(do bên ngoài tác động vào).

Lúc này, giấc ngủ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ thần kinh nói riêng và toàn bộ các bộ phận trong cơ thể chúng ta nói chung. Nhưng nếu bạn đã ngủ bù, ngủ đủ 8h/ngày mà cơn buồn ngủ vẫn kéo đến liên miên thì có thể bạn mắc một số bệnh lý, trong đó thèm ngủ là một triệu chứng của bệnh.

Một trong những bệnh đầu tiên liên quan tới chứng thèm ngủ là rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ thường biểu hiện dưới 3 hình thái chủ yếu là: chứng mất ngủ, chứng ngủ nhiều và tình trạng rối loạn nhịp thức ngủ.

Thứ hai, thèm ngủ là triệu chứng  của bệnh suy tuyến giáp, nếu đi kèm những triệu chứng phụ như: cảm giác ớn lạnh, tăng cân, da khô, tóc mỏng và dễ gẫy, tức thở, nhịp tim chậm.

Huyết áp thấp cũng có thể dẫn đến chứng ngủ nhiều, khoa học lý giải điều này là do rối loạn hormone; rối loạn chức năng hệ tim mạch, hệ thần kinh hoặc sai lệch trong phương pháp điều trị áp huyết cao dẫn đến. Nếu tự nhiên, cơ thể bạn gặp những cơn buồn ngủ kéo dài kèm những triệu chứng như đã nêu ở trên thì cần đến bác sỹ để có hướng giải quyết sớm.

Khi ngủ nhiều đi kèm với dấu hiệu cơ thể bị suy nhược, da nhợt nhạt, thường xuyên khó thở, nhức đầu; lở mép, tóc và móng tay móng chân dễ gẫy thì có thể bạn đang bị thiếu sắt (chiếm 80% tổng số nạn nhân) và chủ yếu xảy ra với phụ nữ.

Và gây thêm nhiều bệnh nguy hiểm

Khi làm việc, tim sẽ đập nhanh hơn giúp tuần hoàn máu diễn ra ổn định, thúc đẩy máu lên não tốt. Khi con người rơi vào trạng thái ngủ, tim cần nghỉ ngơi, nhịp tim giảm. Do đó, việc ngủ nhiều khiến tim quen với việc nhàn rỗi nên khi phải làm việc, dù chỉ là một công việc nhẹ cũng khiến tim đập nhanh, lâu dần dẫn đến rối loạn nhịp tim, yếu tim, thậm chí suy tim…

 Bác sỹ Bình còn nhấn mạnh ngủ nhiều có thể khiến bạn mắc nhiều bệnh khác như: bệnh dạ dày vì bạn không ăn cơm đúng giờ, thậm chí nhịn ăn nên dẫn đến hiện tượng rối loạn quá trình tiết dịch vị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng của hệ tiêu hóa. Ngủ quá nhiều, không có giờ giấc sẽ phá vỡ nhịp đồng hồ sinh học của mỗi người, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, làm nặng thêm bệnh trầm cảm.

Bởi vậy, bác sỹ Bình khuyên bạn khi có chứng thèm ngủ liên tục, hãy đi khám để xác định rõ bệnh, điều trị dứt điểm bệnh mới dứt được chứng thèm ngủ.

Đinh Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]