Phòng bệnh trĩ cho bà bầu

Ăn ít chất xơ, ít uống nước, ít vận động khi mang thai khiến thai phụ mắc trĩ. Bệnh làm khổ bà bầu bởi khó chữa trị trong quá trình dưỡng thai và cho con bú.

0

BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho biết, bào thai phát triển khiến tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu thai phụ bị chèn ép là nguyên nhân hình thành trĩ.

"Một số người có trĩ sẵn nhưng ở dạng ẩn, sẽ dễ bị lộ trĩ trong quá trình mang thai hoặc sau sinh. Số khác hình thành bệnh trong lúc mang bầu hoặc sau sinh. Hiện tượng này không phải hiếm", bác sĩ Thông nói.

Theo bác sĩ Thông, tình trạng tử cung mở to, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn hoặc việc rặn sinh làm tăng áp lực lên ổ bụng, cũng khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.

Để phòng bệnh, thai phụ nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước, ăn nhiều thức ănchất xơ như rau củ quả. Hạn chế thức ăn nóng nhiệt, không nên ăn nhiều muối, đường. Đặc biệt không sử dụng thức ăn có chất kích thích.

Người mang thai cũng nên thường xuyên tập thể dục ở những tư thế không làm bào thai bị trì đè xuống phần dưới của cơ thể. Thai phụ cũng nên đi bơi (nếu sức khỏe đảm bảo) vì hoạt động này sẽ kích thích ruột, giúp khả năng tiêu hóa tốt hơn. Bà bầu không nên cố gắng nín nhịn khi có nhu cầu đi vệ sinh. Mắc trĩ, thai phụ cần giữ sạch sẽ vùng hậu môn bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh, tránh ngồi xổm.

"Thai phụ nên đến bác sĩ sản khoa khám để được tư vấn cách điều trị. Không nên tự ý uống thuốc vì có thể ảnh hưởng không tốt đến thai nhi", bác sĩ Thông nói. Tùy theo trĩ nội hay ngoại và mức độ nặng nhẹ, chị em sẽ được hướng dẫn giữ vệ sinh cho búi hoặc cắt trĩ.

"Mổ trĩ khi mang thai hoặc sau sinh phải cho con bú đều gây trở ngại bởi bệnh nhân phải dùng kháng sinh. Chính vì thế, cần thiết điều trị dự phòng bằng chế độ dinh dưỡng và tập thể dục để không mắc bệnh", một bác sĩ cho biết.

AloBacsi.vn
 Theo Thiên Chương - VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]