Phòng ngừa đột quỵ ngày Tết

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là nguyên nhân gây chết đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư, lại là lý do cao nhất gây tàn phế cho người trưởng thành.

15.607


Theo thống kê tại Hoa Kỳ, năm 2012, cứ mỗi 40 giây có một người tại Mỹ bị đột quỵ và cứ 4 phút có một người chết vì đột quỵ. Hàng năm, có khoảng 795.000 người tại Mỹ bị đột quỵ, trong đó, 610.000 người lần đầu tiên bị đột quỵ, số còn lại bị lần thứ hai trở lên. Đột quỵ thật sự là gánh nặng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Bệnh nhân đột quỵ chiếm gần phân nửa tổng số bệnh nhân của các khoa thần kinh. Có nhiều lý do gây nên sự gia tăng bệnh nhân đột quỵ trong mùa Tết.

Tăng huyết áp khó kiểm soát

Trước hết, thời tiết lạnh có thể làm huyết áp bệnh nhân gia tăng, nhất là khi bệnh nhân có sẵn bệnh tăng huyết áp nhưng dùng thuốc không đều đặn. Thêm vào đó, có thể bệnh nhân bị cảm lạnh, ho, tự mua thuốc điều trị, trong đó có kháng viêm có thể làm tăng huyết áp khó kiểm soát.

Trong những ngày Tết, bệnh nhân tăng huyết áp có thể sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, uống nhiều rượu bia, ăn mặn không kiểm soát, hút thuốc lá nhiều… làm huyết áp tăng lên mặc dù có thể đang dùng thuốc hạ áp huyết. Một số bệnh nhân có thể không chuẩn bị đủ thuốc trong những ngày Tết, quên uống thuốc hoặc cố tình ngưng thuốc nhất là trong ngày mùng Một Tết vì cho rằng "uống thuốc đầu năm sẽ bệnh cả năm"!

Một số người bệnh tăng huyết áp không kìm chế được cảm xúc mãnh liệt khi gặp người thân từ xa về, hoặc trong gia đình có những xung đột dữ dội khi tụ họp trong dịp Tết. Đó cũng là lúc cơn tăng huyết áp có thể đến đột ngột và đột quỵ có thể xảy ra.

Tăng đường huyết, tăng mỡ trong máu

Những bệnh nhân có sẵn bệnh đái tháo đường, trong dịp Tết cũng là lúc khó kiểm soát đường huyết. Trái cây, bánh mứt, nhiều món ngon, vật lạ trưng bày, "mời gọi" khiến bệnh nhân dễ "xiêu lòng", ăn thỏa thích, ăn đã thèm, làm đường huyết, lượng mỡ trong máu vọt lên ngất ngưỡng, gây nên nhiều xáo trộn trong cơ thể, đặc biệt là não bộ, nguy cơ đột quỵ sẽ dễ xảy ra.

Bệnh tim mạch

Một số bệnh nhân có sẵn bệnh tim mạch, trong những ngày Tết, có thể mệt nhiều vì phải vất vả chuẩn bị Tết, nghỉ ngơi không đủ, nên dễ xảy ra những rối loạn tim mạch nặng, đặc biệt là rung nhĩ, bệnh mạch vành, dẫn đến đột quỵ trên bệnh nhân tim mạch. Bên cạnh đó, bệnh nhân tim mạch có thể quên hoặc không dùng thuốc đúng, đủ trong dịp Tết, nhất là các thuốc kháng đông, ngừa đột quỵ tim, não, góp thêm nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Lòng tin không đúng chỗ

Những ngày Tết, bệnh nhân có thể gặp nhiều bạn bè, người thân tới thăm viếng, chúc Tết và không ít người "biếu" vài loại thuốc "nghe đâu hay lắm", "ông này bà nọ đã chữa hết bệnh" hoặc có những chỉ dẫn rất sai lầm. Xui xẻo thay, bệnh nhân lại tin vào những lời "đường mật chết người ấy", quên cả lời dặn dò của bác sĩ, bỏ cả thuốc bấy lâu đang dùng… Đùng một cái, huyết áp vọt lên, đứt mạch máu não, tử vong hoặc liệt nửa người, "á khẩu", tàn phế! Tiếc thay!

Phòng ngừa đột quỵ

Phần lớn đột quỵ có thể ngừa được bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ: ổn định huyết áp, đường huyết, mỡ máu, bệnh tim; giảm rượu bia, cai thuốc lá; sinh hoạt điều độ, giảm căng thẳng; tập thể dục đều đặn.

Phòng ngừa đột quỵ là việc làm liên tục, hàng ngày, không gián đoạn, không lơ là, chủ quan của mọi người, nhất là những bệnh nhân đang có những yếu tố nguy cơ kể trên. Do vậy, trong những ngày Tết, mọi người càng nên để ý phòng ngừa, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hưởng mùa xuân trọn vẹn.

Chúc mọi người vui Tết, giữ gìn sức khỏe, an lành, hạnh phúc!

AloBacsi.vn
Theo ThS BS Nguyễn Minh Mẫn - Phụ nữ online

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]