Có cách nào phòng ngừa đột quỵ?

(AloBacsi) - Vừa qua tôi đọc báo thấy nghệ sĩ Đơn Dương mất do đột quỵ. Sao tử vong nhanh thế nhỉ, anh ấy trông còn trẻ và mạnh khỏe thế mà?!

0

Ngày 9/12, AloBacsi nhận được câu hỏi của bạn đọc L.T.Long (Lâm Đồng): “Chào bác sĩ, vừa qua tôi đọc báo thấy nghệ sĩ Đơn Dương mất do đột quỵ tại Mỹ. Sao tử vong nhanh thế nhỉ, anh ấy trông còn trẻ và mạnh khỏe thế mà?! Tôi nghe người ta nói người bị đột quỵ thì không chết cũng liệt giường, người càng cao tuổi thì càng dễ mắc chứng này phải không bác sĩ? Có cách nào phòng ngừa không? Mong AloBacsi tư vấn giúp”.

Thực tế, đột quỵ là một chứng bệnh rất nguy hiểm. Sau ung thư và tim mạch thì đột quỵ là căn bệnh có nguy cơ gây tử vong cao thứ 3. Nếu may mắn sống sót, người bệnh sẽ gặp rất nhiều di chứng nặng nề dẫn đến tàn phế suốt đời.

Đột quỵ biểu hiện như thế nào?

Để bạn đọc hiểu rõ hơn chứng bệnh này, BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo, (BS chuyên mục Khám bệnh Online - AloBacsi) khái quát như sau: “Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não (TBMMN) là tình trạng một phần não bị hư hại đột ngột do mất máu nuôi. Hậu quả là các cơ quan trong cơ thể do phần não này điều khiển sẽ ngưng hoạt động, dẫn tới yếu liệt, tê mất cảm giác nửa người, không nói được, hôn mê, thậm chí là tử vong

TBMMN có hai loại: nhồi máu não (do tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch). Các nguyên nhân gây vỡ mạch làm chảy máu não (chiếm 15%) thường là do tăng huyết áp, chấn thương, vỡ phình động mạch não. Còn nguyên nhân gây tắc mạch làm nhồi máu não khiến não  thiếu máu nuôi và hoại tử (chiếm 85%)  thì thường do mảng xơ mỡ bám vào thành mạch máu dày lên dần, làm hẹp lòng mạch, hoặc một cục máu đông làm tắc mạch máu (thường do bệnh hẹp - hở van tim làm máu ứ lại, bệnh rối loạn nhịp…)”.

Về biểu hiện báo trước, BS Thảo cho biết: "Hầu hết không có triệu chứng báo trước, ngoại trừ cơn thiếu máu não thoáng qua (trường hợp mạch máu cũng bị tắc nhưng mạch máu tự thông được, nên hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ)”.

Sau khi bệnh nhân trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua có thể có những biểu hiện như sau (các triệu chứng xuất hiện đột ngột tùy thuộc vị trí, mức độ mạch máu bị tắc và mức độ thiếu máu não):

  • Yếu liệt một tay hoặc một chân hoặc cả tay và chân cùng bên, rối loạn cảm giác kiểu kiến bò hoặc tê cóng một bên cơ thể.
  • Yếu một bên cơ mặt, miệng méo.
  • Nói ngọng, nói khó hoặc hoàn toàn không nói được.
  • Đau đầu dữ dội, có thể kèm theo cứng cổ, buồn nôn hoặc nôn.
  • Khó lay gọi, bất tỉnh hoặc hôn mê hoặc có thể tử vong ngay.

Vì không có biểu hiện báo trước rõ ràng nên để ngăn ngừa chứng bệnh nguy hiểm này, mọi người cần chú ý đến yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh. Theo BS Thảo, những đối tượng dễ bị đột quỵ nhất là người lớn tuổi (55 trở lên) có tiền căn bệnh tăng huyết áp (HA), tiền sử gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn thiếu máu não thoáng qua, đái tháo đường, xơ mỡ động mạch, bệnh tim, béo phì, ít vận động, tiền căn hút thuốc lá, nghiện bia - rượu , stress… Tuy nhiên, người trẻ có bệnh lý huyết áp, tim mạch cũng cần lưu ý.

Làm sao ngăn ngừa đột quỵ?

Theo BS-CK1 Nguyễn Minh Thu,  (BS Khám bệnh Online - AloBacsi), thì biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa đột quỵ là kiểm soát các yếu tố nguy cơ của mình và thực hiện lối sống khoẻ mạnh.

Ngay khi người bệnh đã bị cơn thiếu máu não thoáng qua thì nguy cơ đột quỵ sẽ rất cao. Do đó, những người đã bị cơn thiếu máu não thoáng qua cần phòng ngừa đột quỵ bằng các cách sau:

  • Kiểm soát tình trạng tăng huyết áp:  thay đổi lối sống (tập thể dục, kiểm soát kích xúc tâm thể, giữ cân nặng chuẩn, giảm ăn muối và giảm uống rượu) và dùng thuốc đều đặn hàng ngày như thầy thuốc hướng dẫn.
  • Giảm cholesterol và chất béo bão hoà qua ăn uống và đôi khi bằng thuốc nhằm giảm mảng xơ vữa trong lòng động mạch.
  • Bỏ hút thuốclá
  • Kiểm soát đái tháo đường bằng thay đổi lối sống và bằng thuốc
  • Giữ cân nặng chuẩn, giảm béo phì (dựa theo BMI)
  • Tập thể dục điều độ mỗi 30 phút hàng ngày như đi bộ nhanh, chạy chậm, đạp xe, bơi hầu hết các ngày trong tuần.
  • Kiểm soát cảm xúc, không để Stress
  • Uống rượu bia chừng mực
  • Có chế độ ăn uống hợp lý : Ăn thêm rau quả vốn có các vi chất như kali, folate và các chất chống oxy hoá có tác dụng chống lại đột quỵ. Ăn nhiều đậu, nhiều thức ăn chứa canxi, sữa đậu nành, thức ăn có nhiều acid béo omega.
  • Thuốc dự phòng: Khi đã bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, thầy thuốc sẽ chỉ định thuốc ngăn ngừa kết tập tiểu cầu để giảm cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.

Làm gì khi có người thân bị đột quỵ tại nhà?

Tuy đã phòng ngừa hết sức nhưng không ai chắc chắn rằng mình hoặc người thân của mình sẽ không bị đột quỵ. Do đó, kiến thức xử lý khi có người thâm bị đột quỵ tại nhà là hết sức cần thiết.

Ngay khi có người thân bị đột quỵ, BS Nguyễn Minh Thu cho rằng: “Cần gọi người trợ giúp để dìu, nâng đỡ bệnh nhân tránh té gây chấn thương và gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân vào BV lớn có uy tín về cấp cứu tai biến mạch máu não. Đối với người bị TBMMN, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não… Do đó, cần phải đưa bệnh nhân vào BV càng nhanh càng tốt để được chẩn đoán và điều trị thích hợp”.

Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến, BS Minh Thu hướng dẫn người nhà bệnh nhân thực hiện các bước xử lý sau:

  1. Để BN nằm yên tĩnh và nói chuyện với họ (nếu còn tỉnh táo) để họ bình tĩnh, đồng thời khuyên BN thở chậm và sâu, điều này giúp đưa máu lên não nhiều hơn. Nếu bệnh nhân hôn mê, cho bệnh nhân nằm đầu nghiêng sang một bên, để các các chất nôn không lọt vào đường thở.
  2. Giữ đầu mát (chườm mát) để giảm phản ứng phù nề khi tai biến và có thể giúp người bệnh đỡ cảm thấy đau đầu và giữ thân ấm bằng áo khoác hoặc chăn sẽ giảm được nguy cơ co giật (sốc).
  3. Thực hiện hô hấp nhân tạo (hô hấp miệng-miệng) nếu thấy bệnh nhân ngừng thở
  4. Đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất
  5. Tuyệt đối không cạo gió, cắt lể làm mất thời gian cấp cứu
  6. Không tự ý nhỏ thuốc huyết áp (khi mạch máu bị vỡ huyết áp sẽ tụt).

Thanh Phong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]