Ngày nay rất nhiều bạn trẻ thường ngày sinh hoạt như cú đêm, nhiều khi họp mặt, tăng ca nhiều, muốn đi ngủ sớm cũng không được. Tác hại của việc thức khuya không chỉ là quầng thâm ở mắt, các vấn đề về da và cơ thể dễ mắc bệnh béo phì, mà đặc biệt, thức quá khuya sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
Finkielstein là phó giáo sư – nhà sinh vật học Đại học Công nghệ Virginia. Ông đã nghiên cứu mối liên hệ giữa sự phát triển của bệnh ung thư vú và đồng hồ sinh học, đặc biệt là tần suất mắc bệnh ung thư vú của những y tá và tiếp viên hàng không, những người phải làm việc suốt đêm. Gần đây, nhóm nghiên cứu của ông đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Molecular Biology: điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của cơ thể hay nhịp sinh học điều độ sẽ giúp các protein làm việc tốt, và có thể bảo vệ con người tránh khỏi các bệnh ung thư.
Mối liên hệ giữa protein ‘human period 2′ và tác dụng ức chế các bệnh ung thư
“Loại protein gọi là ‘human period 2′, nó không thể hoạt động tốt khi các yếu tố môi trường bị thay đổi, bao gồm nhịp độ giấc ngủ,” ông Finkielstein nói.
Trong tình trạng thông thường, protein “human period 2” sẽ tương tác trực tiếp với protein ức chế các khối u, giúp khống chế sự phân tách của các tế bào ung thư. “Thế nhưng do sự đột biến hoặc trong trường hợp biến đổi nào đó, protein human period 2 mất tác dụng và không thể hoàn thành chức năng phòng chống sự phân tách (phát triển) của các tế bào ung thư.”
Nhân viên nghiên cứu đã lấy những tế bào khối u của người và động vật, và quan sát được mối liên hệ giữa protein human period 2 và bệnh ung thư. Họ phát hiện ra rằng khi ức chế các gen của protein period 2, sẽ xuất hiện sự bất thường của đồng hồ sinh học và những khối u ác tính.
Hiện nay các nhân viên đang nghiên cứu trên các bệnh nhân, nhằm xác định xem những ai đã hình thành ung thư do protein này bị ảnh hưởng, hoặc do gen sản sinh ra protein này bị hỏng.
Tôn trọng quy luật tự nhiên của sinh vật
Kết quả của cuộc nghiên cứu này có thể mở ra con đường mới, giúp việc dự phòng ung thư có hiệu quả hơn, nhất là đối với những phụ nữ phải làm việc vào ban đêm. “Những khám phá này cho chúng ta thấy chu kì sinh học phức tạp như thế nào và nhấn mạnh vai trò sinh lý học của nó tới sức khỏe con người và việc tìm ra những biện pháp trị liệu mới,” ông Finkielstein nói.
Trong hai mươi năm qua, chúng ta đã tìm hiểu được một số cơ chế của đồng hồ sinh học – kiểm soát chu kỳ giấc ngủ và rất nhiều nhịp điệu sinh hoạt của cơ thể hàng ngày.
Finkielstein đã phát hiện ra sự tương tác của đồng hồ sinh học với một loại protein ức chế việc hình thành các khối u. Phát hiện này có thể giải thích tại sao một số người hay phải thức khuya hoặc làm việc vào ban đêm có thể dễ mắc bệnh ung thư hơn.
N.V (Tổng hợp)